Dạy và học online cùng con

03:11, 10/11/2021

Con học online, cha mẹ là người bạn "học cùng", là người thầy không đứng trên bục giảng của con. Nếu con chuẩn bị đến trường, cha mẹ sẵn sàng đồng hành để bảo vệ con. Cha mẹ học sinh đồng hành cùng nhà trường, cùng cố gắng giữ vững chất lượng giáo dục cho năm học đặc biệt này.

 

Phụ huynh đồng hành với ngành giáo dục tạo mọi điều kiện cho con học online.
Phụ huynh đồng hành với ngành giáo dục tạo mọi điều kiện cho con học online.

(VLO) Con học online, cha mẹ là người bạn “học cùng”, là người thầy không đứng trên bục giảng của con. Nếu con chuẩn bị đến trường, cha mẹ sẵn sàng đồng hành để bảo vệ con. Cha mẹ học sinh đồng hành cùng nhà trường, cùng cố gắng giữ vững chất lượng giáo dục cho năm học đặc biệt này.

Cùng con học online

Để đảm bảo an toàn cho trẻ, giúp trẻ học tốt thì ngoài sự cố gắng của giáo viên và nhà trường, cần có sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của cha mẹ học sinh.

Không ít cha mẹ còn lạ lẫm với việc học online, thậm chí không biết “vào đâu” để học nhưng vẫn sẵn sàng tìm hiểu để cho “con vào lớp kịp giờ”. Ngồi cùng con, đặc biệt là các bé tiểu học- học một mình cha mẹ không yên tâm được. Và với tốc độ học online thì “chỗ nào con không hiểu”, cha mẹ chính là thầy, là cô giáo của con.

Anh Nguyễn Văn Hiểu- xã Mỹ Thạnh Trung (Tam Bình) chia sẻ lần đầu con gái lớp 3 học online, anh và vợ không khỏi bỡ ngỡ. Vì từ đầu năm, con anh chủ yếu học theo kiểu cô gửi bài tập, phụ huynh dạy và mới bắt đầu học online từ đầu tháng 11 này.

Mỗi ngày bé học online từ 7h sáng, trong khi thời gian nghỉ học dài nên bé đã quen dậy trễ. Cả tuần đầu học online, bé trong tình trạng ngái ngủ. Mạng thì chập chờn nên cả nhà phải tắt các thiết bị “nhường sóng wifi cho con”.

Anh Hiểu và vợ cố gắng luân phiên ngồi học cùng con, một phần để hướng dẫn khi bé chưa kịp hiểu, một phần lo bé “táy máy” mở vào các trang mạng không lành mạnh.

Anh Hiểu nói: “Ngày đầu chúng tôi không biết, đăng nhập vô những đường link phụ huynh khác vô tình tạo ra, vậy là bé vô học trễ, bé khóc”.

Một số phụ huynh có 2 con cùng học thì bị thiếu thiết bị, các bé học bằng điện thoại của ba mẹ nên khi có cuộc gọi đến thì việc học của con cũng bị gián đoạn theo.

Chỉ cần nhìn vào màn hình học trực tuyến sẽ biết có bao nhiêu bé đang dùng chung thiết bị học với anh chị em. Tên đăng nhập quy định là tên bé và lớp. Nhưng có bé học lớp 2/6 nhưng lại có tên tài khoản là… 4/2.

Chị Tăng Thị Thanh Hằng- Phường 8 (TP Vĩnh Long) có 2 con học lớp 3 và lớp 6 thường xuyên “bị đụng” giờ học mà chỉ có 1 máy tính bảng.

Chị Hằng nói: “Tôi đưa điện thoại cho con học, rút kinh nghiệm mấy bữa đầu, đang học thì có cuộc gọi bé lại bị out ra nên tôi để chế độ máy bay. Tôi cũng đang cố gắng mua thêm 1 máy tính bảng nữa cho bé kia học dễ thấy hơn”.

Vất vả hơn, khi con học online cha mẹ thường phải học cùng và dạy cho bé nhiều hơn sau giờ học. Không chỉ vậy, nhiều gia đình dù khó khăn vẫn cố gắng mua sắm thiết bị cho con. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh học trực tuyến ngày càng nhiều hơn.

Tất cả “vì con em chúng ta”

Nói về những khó khăn trong học trực tuyến, chú Nguyễn Văn Lợi- Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường THCS- THPT Phú Quới (Long Hồ) cho biết, mong muốn của nhiều phụ huynh hiện nay là con được đến trường.

Đối với học sinh tiểu học, việc học online luôn cần người lớn hỗ trợ.
Đối với học sinh tiểu học, việc học online luôn cần người lớn hỗ trợ.

Chú Lợi nói: “Tôi hiểu và tin tưởng thầy cô đã cố gắng để dạy trực tuyến tốt nhất cho các cháu. Thời gian qua, chúng tôi đã cố gắng để các cháu có điều kiện học tốt nhất.

Tuy nhiên, khu vực trường này đa số các cháu là con công nhân, nhà giữa đồng không có mạng, mà học online quá mới mẻ với nhiều người.

Tôi nghĩ, với tình hình dịch hiện tại sẽ kéo dài, nếu các cháu được đi học trở lại, phụ huynh chúng tôi sẽ hết lòng cùng nhà trường thực hiện 5K. Các cháu tan trường đi thẳng về nhà, không tụ tập”.

Chú Đặng Văn Thông- Trưởng Ban đại diện Cha mẹ học sinh Trường THPT Lưu Văn Liệt (TP Vĩnh Long) thì thống nhất cao với hình thức học tập trong thời gian vừa qua của nhà trường.

Nói về việc chuẩn bị cho học sinh trở lại trường, chú Thông bày tỏ băn khoăn về việc toàn bộ giáo viên đã tiêm vắc xin đủ 2 mũi chưa và học sinh cũng phải tiêm đủ 2 mũi.

Chú Thông nói: “Có nhiều người tiêm 2 mũi vắc xin vẫn dương tính với COVID- 19. Do vậy, ngoài tiêm vắc xin thì tôi nghĩ cần có kế hoạch học hợp lý và dự trù tình huống nếu có học sinh F0”.

Là phụ huynh có con học lớp 12, chú Nguyễn Văn Thành- Chủ tịch Hội Cha mẹ học sinh THCS- THPT Long Phú (Tam Bình) cho rằng: “Nếu nơi nào thực sự là vùng xanh, nên sớm cho các em đến trường”. Chú Thành cho rằng 3 khối lớp cần được quan tâm đi học trước là 12, 9 và 6.

Cũng theo chú Thành, lớp 12 là năm quyết định thành tích, hiệu quả, đây là việc nên quan tâm hàng đầu. “Tôi mong lãnh đạo sở ngành nghiên cứu để có sự chỉ đạo phù hợp, hiệu quả công tác giảng dạy khi các em nhập học trở lại.

Việc cho học sinh nhập học an toàn, tôi nghĩ không chỉ riêng giáo dục là đủ mà còn ngành y tế và chính quyền, đoàn thể địa phương. Bản thân tôi là phụ huynh sẽ kết hợp, cam kết hỗ trợ ngành giáo dục và cam kết thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch theo quy định”- chú Thành nói.

Thời gian qua, để không tạo áp lực cho học sinh khi học trực tuyến. Sở GD- ĐT yêu cầu mỗi đơn vị, mỗi giáo viên sắp xếp thời khóa biểu khoa học với thời lượng dạy học trong một tiết học cũng như trong một buổi học phải phù hợp, đảm bảo không gây áp lực cho học sinh. Giáo viên lựa chọn những nội dung trọng tâm cốt lõi căn bản theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, trên cơ sở đó thiết kế các hoạt động giảng dạy phù hợp để thu hút sự tập trung chú ý cũng như việc tham gia tích cực của các em học sinh.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh