Đó là câu chuyện mà "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" nhưng vẫn còn vào mỗi đầu năm học. Khi nhìn vào danh sách tân sinh viên được trao học bổng, tôi lại thấy lo lắng, băn khoăn vì sự chọn lựa trường ĐH của các em.
(VLO) Đó là câu chuyện mà “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng vẫn còn vào mỗi đầu năm học. Khi nhìn vào danh sách tân sinh viên được trao học bổng, tôi lại thấy lo lắng, băn khoăn vì sự chọn lựa trường ĐH của các em.
Con đường ĐH không là con đường một ngày một bữa là xong, con đường ấy cũng không chỉ khó khăn bởi học phí mà còn nhiều chi phí khác nữa.
Dẫu vậy, vẫn còn những học sinh chọn học các trường ĐH có học phí rất cao. Có những trường ĐH, học phí lên đến vài chục thậm chí cả trăm triệu đồng một năm học. Trong khi đó, các trường này đa số ở thành phố lớn, chi phí sinh hoạt đắt đỏ.
Vậy, với hoàn cảnh gia đình khó khăn, nghèo, cận nghèo các em và gia đình sẽ làm gì để có tiền học trong 4- 5 năm sắp tới?
Tôi nhớ giọt nước mắt của một tân sinh viên vì “mẹ không cho em học ĐH, sợ lại mắc nợ như chị hai”. Mồ côi cha, hoàn cảnh khó khăn chị của em học sinh này lại chọn một trường ĐH tư thục ở TP Hồ Chí Minh.
Kết quả sau 4 năm học, ngoài phần nợ vay vốn học sinh sinh viên, gia đình em còn thiếu nợ nhiều nơi khác nữa. Cuộc sống vốn khó càng khó hơn!
Điều này khiến chúng ta đặt ra những “gạch đầu dòng in đậm” trong những dịp tư vấn tuyển sinh, đặc biệt là phần tư vấn từ nhà trường, lớp học.
Thầy cô nắm rõ hoàn cảnh của học trò mình để các em ngoài chọn đúng ngành mình yêu thích phải chọn đúng trường mà học phí phù hợp với hoàn cảnh kinh tế gia đình hoặc ít ra cũng không quá xa vời với hoàn cảnh.
Các em học sinh khi đăng ký ngành nghề cho mình, đừng quên “chọn trường nhớ xem học phí”. Bài học rút ra là chúng ta không nên quá lý tưởng, kiểu “em sẽ cố gắng làm thêm kiếm tiền đi học” vì tương lai có tìm được việc làm thêm như ý hay không, không thể biết được. Đó là chưa kể, có những sinh viên vì mãi làm thêm quên học thật và cuối cùng không thể tốt nghiệp được!
CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin