Mồ côi cha, mất đi chỗ dựa từ vật chất đến tinh thần, hai tân sinh viên Lê Thị Cẩm Nhung và Nguyễn Tấn Phát không chỉ giống nhau bởi hoàn cảnh gia đình mà còn bởi hai em đều đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 vừa qua.
(VLO) Mồ côi cha, mất đi chỗ dựa từ vật chất đến tinh thần, hai tân sinh viên Lê Thị Cẩm Nhung và Nguyễn Tấn Phát không chỉ giống nhau bởi hoàn cảnh gia đình mà còn bởi hai em đều đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 vừa qua.
Tấn Phát luôn giúp đỡ mẹ trong những lúc rảnh rỗi. |
Thủ khoa khối tự nhiên
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, em Nguyễn Tấn Phát- học sinh Trường THPT Phạm Hùng, ngụ xã Long An- Long Hồ là thí sinh có điểm thi cao nhất trong khối bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên của tỉnh Vĩnh Long với 52,95 điểm (Toán 9,2; Văn 8,25; Lý 8,5; Hóa 9,25; Sinh 8,75; Ngoại ngữ 9,0). Khó có thể ngờ, em học sinh thủ khoa ấy lại mồ côi cha từ nhỏ, gia cảnh khó khăn.
Trong căn nhà cấp 4 xây dựng bằng tình thương của anh chị em cô Huỳnh Ngọc Dung gom góp lại, tài sản duy nhất là chiếc máy may cọc cạch của cô đã hoạt động trở lại sau nhiều tháng giãn cách.
Cô Dung cho biết: “Chồng tôi mất từ khi Phát mới 29 tháng tuổi, tôi nhận đồ may gia công gồng gánh nuôi con”. Mỗi ngày, thu nhập của cô Dung được khoảng 60.000đ, phải thật gói ghém mới đủ cho hai mẹ con.
Ngày còn sống, chồng cô Dung là thợ hồ nhận nhà và thuê nhân công xây dựng nên thu nhập khá ổn định nhưng từ khi chồng cô suy thận nặng phải chạy thận mà không có BHYT cuộc sống càng khó khăn hơn. Cô Dung nói: “Bao nhiêu đất vườn đều bán hết vậy mà cũng không cứu được chồng tôi”.
Chồng mất, cô Dung trở thành trụ cột bằng việc may gia công. Thương mẹ vất vả, ngoài giờ học Tấn Phát phụ mẹ làm việc để kiếm thêm tiền. Có khi đến tận 10 giờ đêm hai mẹ con mới ngừng may.
Từ nhỏ Phát rất tự lập, biết nấu ăn, biết tự chạy xe đạp lúc 4 tuổi và luôn là học sinh xuất sắc. Nói về điểm thi tốt nghiệp thủ khoa khối tự nhiên, Phát cười: “Em mong được điểm cao nhưng không nghĩ mình cao nhất. Em không đi học thêm nhưng khi thầy cô biết hoàn cảnh của em đã dạy thêm miễn phí”.
Cũng vì thương mẹ, Phát không chọn học ở “trường xa” như những bạn có điểm cao mà chọn “trường gần” và ngành mình yêu thích ở tại Vĩnh Long. Phát cười: “Em chọn học trường gần nhà vì tiết kiệm nhiều chi phí, em có nghiên cứu trường đào tạo tốt và học phí thấp”.
Hơn ai hết, Tấn Phát hiểu những khó khăn của mẹ, hiểu những vất vả của công việc chân tay ngồi từ sáng đến tối được vài mươi ngàn đồng.
Với Phát “học là để thay đổi số phận, để viết tương lai của em, của mẹ cho cuộc sống sau này ổn định và đỡ vất vả hơn, để không phụ lòng mẹ, phụ lòng thầy cô đã quan tâm dìu dắt”.
Mới đây, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long đã miễn học phí năm học đầu tiên cho em, đồng thời tặng cho Phát một laptop mới để phục vụ việc học.
Cô bé mồ côi muốn thành bác sĩ
Cẩm Nhung được Đại lý Vé số Mai Hữu Ánh và Giám đốc Sở GD- ĐT Trương Thanh Nhuận động viên học tốt. |
Lê Thị Cẩm Nhung- học sinh Trường THPT Trà Ôn ngụ xã Thiện Mỹ (Trà Ôn) trúng tuyển ngành Y- Trường ĐH Trà Vinh với điểm tổ hợp xét tuyển 26,3 điểm. Nhưng chưa kịp vui thì em đã lo lắng vì “tiền đâu đi học”. Cha Nhung là phụ hồ và mất gần 1 năm trước đây.
Nhung kể mà mắt đỏ hoe: “Đó là ngày 25 tháng Chạp, trên đường đi làm về, cha em bị chóng mặt, choáng và té, khi chở đến bệnh viện thì đã qua đời”.
Sự ra đi đột ngột của cha là nỗi đau nhân đôi với Nhung và mẹ vì sự cô đơn, trống vắng… Bởi mấy năm trước, anh của Nhung cũng ra đi vĩnh viễn vì tai nạn giao thông. Nhung cho hay: “Tài sản của hai mẹ con em bây giờ là một công đất vườn tạp, mẹ em đi làm thuê chủ yếu theo mùa vụ nên rất bấp bênh”.
Dù khó khăn vất vả, mẹ Nhung lúc nào cũng mong muốn con được tiếp tục đi học để “cuộc đời không khổ như ba mẹ”.
Đáp lại sự mong mỏi đó, nhiều năm liền Nhung là học sinh giỏi, điểm trung bình học tập lớp 12 là 9,3. Đậu vào Trường ĐH Trà Vinh, ngành Y khoa, chi phí khá lớn nên hiện tại mẹ em rất lo không biết lấy đâu ra tiền để lo cho em ăn học hiện tại và những ngày tháng sắp tới.
Gia đình Nhung thuộc hộ cận nghèo giờ càng thêm khó khăn khi lo trang trải cuộc sống và chi phí học tập. “Tiền học phí học kỳ đầu tiên đã là con số lớn mà mẹ em phải chạy vạy khắp nơi mới mượn được- 17 triệu đồng”- Nhung cho biết.
Để nuôi nấng ước mơ của con, cô Nguyễn Thị Thu quyết định đi mua bán ve chai để kiếm được nhiều tiền hơn. Cô Thu cho hay: “Dù vất vả khó khăn cỡ nào, mẹ con tôi cũng sẽ cố gắng làm, cố gắng tiết kiệm để có tiền con đi học. Tôi thường khuyên con phải học thì mới không khổ cực, bấp bênh như cha mẹ”.
Nhung cũng đã có những dự tính trong tương lai, em cho biết: Khi học trực tiếp tại trường em sẽ đăng ký làm việc ở trung tâm dạy thêm để giảm bớt nỗi lo của mẹ.
Mới đây, Nhung được Đại lý Vé số Mai Hữu Ánh tặng suất học bổng trị giá 3 triệu đồng. Nhung cảm kích: “Đây là số tiền rất lớn, rất quý đối với em, em sẽ sử dụng nó cho việc học sắp tới”.
Dù đã được giúp đỡ phần nào, nhưng con đường ĐH còn rất dài và lắm chông gai, con đường ấy không chỉ đòi hỏi các bạn có ý chí, quyết tâm mà còn cần lắm sự hỗ trợ, động viên của các tổ chức, cá nhân trong xã hội.
“Từ nhỏ, em đã hiểu được những vất vả của mẹ, thương mẹ nên em càng cố gắng học tập, học giỏi cho mẹ vui. Dù cuộc sống khó khăn, mẹ luôn ủng hộ em đến trường. Em thường phụ mẹ trong lúc giải lao giữa giờ học, bất cứ khi nào rảnh rỗi là học và phụ mẹ”- Phát chỉ tay vào bàn học nhỏ xíu nói thêm: “Đây là chỗ em học bài, chỗ em cắt chỉ may phụ mẹ và cũng là chỗ hai mẹ con, người bới tô cơm, vừa ăn vừa làm”. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin