Học trực tuyến là giải pháp phù hợp trong tình hình dịch COVID- 19, vì vậy việc nghiên cứu, sáng tạo,… đúc kết kinh nghiệm để việc dạy và học trực tuyến hiệu quả hơn là việc rất cần thiết.
Dạy học trực tuyến cần có giáo trình riêng biệt so với dạy học bình thường. |
Học trực tuyến là giải pháp phù hợp trong tình hình dịch COVID- 19, vì vậy việc nghiên cứu, sáng tạo,… đúc kết kinh nghiệm để việc dạy và học trực tuyến hiệu quả hơn là việc rất cần thiết.
Thích nghi tình hình
Phát biểu tại lễ phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em” do UBND tỉnh Vĩnh Long phát động ngày 2/10 vừa qua, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy- Bùi Văn Nghiêm, nói: “Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế- xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Vĩnh Long nói riêng, trong đó có ngành GD- ĐT. Hơn 200.000 học sinh mầm non, phổ thông đã không thể đến trường học tập bình thường. Các em phải chuyển sang các hình thức học khác, trong đó, dạy và học trực tuyến là giải pháp hữu hiệu trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, nhằm tạo điều kiện cho học sinh tiếp tục việc học, đảm bảo quyền học tập của các em. Dạy học trực tuyến cũng sẽ là giải pháp cho dạy học trong cuộc cách mạng 4.0, là một phần của việc chuyển đổi số để phát triển nền giáo dục hiện đại trong tương lai”.
Dạy và học trực tuyến là xu thế tất yếu và mỗi cơ sở giáo dục, mỗi giáo viên và học sinh phải thích nghi để học tốt. Tại Trường THPT Vĩnh Long, do đặc thù học sinh ở nhiều địa phương khác nhau, một số em ở vùng sâu, vùng giao thoa sóng, lõm sóng nên việc học bị gián đoạn. Để khắc phục tình trạng này, cô Đỗ Thị Kim Loan- Hiệu trưởng trường cho biết: “Chúng tôi mua gói zoom 2000 user phần dạy trực tuyến đi vào ổn định. Có tổ kỹ thuật tập huấn cho giáo viên, trên 90% học sinh học tốt. Ban giám hiệu cũng chia ra dự giờ hàng ngày trên các lớp online để theo dõi tình hình dạy học”.
Em Thạch Thị Sây La- học lớp 7 Trường THCS Loan Mỹ (Tam Bình) trước đây phải học nhờ điện thoại với bạn, em cho biết: “Mạng yếu nên bị rớt hoài, điện thoại thì nhỏ nên hai người rất khó xem. Giờ em được cho điện thoại mới rồi, học thuận lợi hơn nhiều”.
Học sinh đã dần quen với hình thức học mới. |
Không quen với hình thức học trực tuyến nên việc bắt nhịp của em Nguyễn Văn Hiểu- học sinh lớp 12, Trường THPT Tam Bình, khá khó khăn. Hiểu cho biết: “Lúc đầu em không tập trung được, đôi khi còn muốn ngủ gật luôn nhưng giờ quen dần. Em rút kinh nghiệm là khi học thì chép bài và làm bài tập sẽ giúp dễ hiểu bài hơn”.
Thích nghi với cách học mới là việc cần thiết trong thời gian này và cũng là xu hướng trong thời gian tới. Vì vậy, giáo viên, học sinh không chỉ thích ứng mà còn phải sáng tạo, tìm tòi để có cách dạy dễ hiểu, cách học tốt hơn.
Sáng tạo, tìm tòi cách dạy mới
Theo Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long Trương Thanh Nhuận, dựa trên đặc điểm của học sinh, yêu cầu của chương trình giáo dục, việc dạy học trực tuyến được triển khai tập trung và triển khai tốt ở cấp học THCS, THPT. “Toàn tỉnh có 93,2% học sinh cấp THCS, 98,8% học sinh THPT và 77,2% học sinh giáo dục thường xuyên tham gia học trực tuyến. Sau 4 tuần thực hiện chương trình dạy học trực tuyến cấp THCS đã thực hiện gần 60.500 tiết dạy, THPT 71.800 tiết dạy và giáo dục thường xuyên hơn 3.800 tiết dạy”.
Giáo viên cần sáng tạo nhiều hình thức dạy học phù hợp với học sinh. |
Tại Trường THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn)- thầy Hiệu trưởng Trần Quang Huy cho biết: “Tất cả giáo viên trong bộ môn sẽ soạn bài giảng trực tuyến để cho ra một bài giảng chung. Bài giảng sau khi dạy trực tuyến cho học sinh sẽ được đăng trên trang web của trường. Học sinh có thể tải xuống để xem lại sau các tiết học. Học sinh phải chụp hình bài tập đã làm gửi vào Zalo cho giáo viên,… Nền tảng dạy học của trường cũng được thiết kế tự điểm danh học sinh tham gia, không cần giáo viên điểm danh”. Cô Bùi Lê Xuân Trang- giáo viên dạy Vật lý cũng cho biết: “Giáo viên soạn bài dạy trực tuyến sẽ tốn nhiều công sức nhưng trường chúng tôi cho soạn theo tổ, nên nhẹ hơn”. Để học sinh hứng thú trong tiết học, bí quyết riêng của cô Trang là đặt nhiều câu hỏi cho học sinh trả lời, tranh luận, thuyết trình y như tiết học trên lớp. “Học sinh được nói là hết chán liền hà”- cô Trang cười.
Trong mỗi phương án dạy học, Sở GD- ĐT lưu ý các trường cần chú ý kiên trì mục tiêu chất lượng, chủ động lựa chọn và triển khai các hình thức dạy học phù hợp, đảm bảo mọi học sinh có điều kiện tiếp cận nội dung học tập, quan tâm hỗ trợ học sinh khó khăn, học sinh bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Lựa chọn hình thức phù hợp để kiểm tra mức độ nắm kiến thức của học sinh trong thời gian được học không trực tiếp, nhằm có biện pháp hỗ trợ hợp lý cho từng đối tượng học sinh.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo: “Ngành giáo dục cần tiếp tục chủ động, chuẩn bị tốt các phương án và phương pháp dạy học phù hợp với tình hình thực tiễn. Quan tâm đến hiệu quả việc tổ chức dạy học trực tuyến, sức khỏe của giáo viên và học sinh khi dạy và học trực tuyến; cần quan tâm các tác động không tích cực của việc sử dụng các thiết bị học tập trực tuyến để tuyên truyền đến cha mẹ học sinh, cùng phối hợp quản lý, giám sát việc học của các cháu; quan tâm giáo dục ý thức học tập cho học sinh để các hình thức học tập từ xa phát huy được ưu điểm, hỗ trợ tốt về kiến thức. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin