Sáng nay 1/9, hàng triệu học sinh tựu trường, bắt đầu 'năm học đặc biệt'

12:09, 01/09/2021

Hôm nay 1/9, hàng triệu học sinh trong cả nước tới trường, bắt đầu một năm học đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Tùy vào tình hình thực tế ở các địa phương, học sinh sẽ tới trường trực tiếp hoặc trực tuyến.

 

    Hôm nay 1/9, hàng triệu học sinh trong cả nước tới trường, bắt đầu một năm học đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Tùy vào tình hình thực tế ở các địa phương, học sinh sẽ tới trường trực tiếp hoặc trực tuyến.

    Do đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, học sinh ở Hà Nội và TP.HCM, hai địa phương lớn nhất nước, tựu trường trực tuyến.
    Do đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, học sinh ở Hà Nội và TP.HCM, hai địa phương lớn nhất nước, tựu trường trực tuyến.

    Nhẹ nhàng, tinh gọn không áp lực

    Gần 700.000 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 ở TP.HCM hôm nay bước vào năm học mới 2021-2022. Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, từ ngày 1 đến 4/9 các trường THCS, THPT chưa triển khai giảng dạy ngay mà tập trung hướng dẫn phương pháp học tập phù hợp cho học sinh theo từng đối tượng; xây dựng các quy định cho việc dạy học và học tập trên Internet.

    Ngoài ra, sở cũng yêu cầu các trường chuẩn bị nội dung, tài liệu dạy học qua Internet và tài liệu học tập cho học sinh học tại nhà (do không thể tham gia học trên Internet); điều tra, lập danh sách học sinh có thể hoặc không thể tham gia học tập trên Internet; tìm hiểu các học sinh và gia đình đang gặp khó khăn để phối hợp các cấp, các ngành hỗ trợ...

    Ông Hồ Tấn Minh, phó trưởng Phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: "Từ ngày 6/9, các trường THCS, THPT chính thức giảng dạy chương trình năm học mới với phương châm: Hướng dẫn chu đáo - Dạy học nhẹ nhàng - Lắng nghe, chia sẻ - Không tạo áp lực thực hiện chương trình - Hướng dẫn tự học, tự đào tạo và xây dựng văn hóa đọc cho học sinh".

    Ngày 31/8, Sở GD-ĐT TP cũng đã có văn bản hướng dẫn các nhiệm vụ đầu năm học đối với các trường trung học trên địa bàn TP. Văn bản này hướng dẫn các nhà trường không sắp xếp thời khóa biểu trực tuyến giống hoàn toàn với thời khóa biểu khi học trực tiếp. Vì như vậy sẽ gây quá tải cho người dạy, người học và không phát huy được hiệu quả của việc học tập trên Internet. Thay vào đó, các giáo viên cần tăng cường những hoạt động hướng dẫn học tập để giúp đỡ học sinh hoàn thành chủ đề, nhiệm vụ học tập do giáo viên giao.

    Theo ông Hồ Tấn Minh, việc xây dựng kế hoạch dạy học cần thực hiện theo hướng linh động, tinh gọn thành các chủ đề phù hợp với các chủ đề tương ứng trong chương trình, tạo thuận lợi cho giáo viên thiết kế tiến trình dạy học thành các nhiệm vụ học tập của học sinh theo phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực để thực hiện dạy học trực tuyến. Các nội dung dạy học trong giai đoạn này đảm bảo kiến thức kỹ năng ở mức độ nhận biết và thông hiểu mà thôi.

    Cũng theo ông Minh, khi thiết kế nội dung học tập giáo viên phải xây dựng tối thiểu ba phương án triển khai chủ đề dạy học. Phương án 1: 100% học sinh có đủ điều kiện tối thiểu để tham gia học trực tuyến theo lịch sắp xếp bố trí của trường; Phương án 2: một số học sinh chỉ có thể đáp ứng truy cập hệ thống khi có thể; Phương án 3: một số học sinh không có điều kiện học tập trực tuyến. 

    Mỗi phòng GD-ĐT, mỗi phường xã, mỗi trường học sẽ có một cán bộ điều phối hỗ trợ, mang tài liệu đến cho học sinh học tập tại nhà nếu học sinh không thể học trên Internet.

    Dạy học trực tuyến cần phụ huynh vào cuộc

    Cũng trong ngày hôm nay, hơn 2,1 triệu học sinh mầm non và phổ thông ở Hà Nội sẽ tựu trường thông qua nền tảng trực tuyến. Từ trước đó, nhiều trường học đã bắt đầu khởi động các hoạt động chào đón học sinh đầu cấp, đặc biệt là lớp 1. Ngoài các cuộc họp phụ huynh trực tuyến với từng cấp, các lớp đầu cấp được chú trọng. Nhiều trường học đã tổ chức buổi làm quen với lớp 1 có cả cha mẹ và con cùng dự.

    "Với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn cho học sinh, việc học trực tuyến là giải pháp phù hợp nhất và có thể phải triển khai lâu dài trong năm học 2021-2022, vì vậy phụ huynh cần phối hợp với giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn học sinh kỹ năng học trực tuyến; đồng thời các nhà trường tiếp tục rà soát, kịp thời hỗ trợ trang thiết bị, đồ dùng học tập, sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, con của gia đình chính sách, tuyệt đối không được bỏ quên học sinh nào" - ông Phạm Xuân Tiến, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, nói.

    Hà Nội sẽ tổ chức lễ khai giảng chung cho toàn TP được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội và trên các nền tảng trực tuyến vào 7h30 sáng 5-9. Thay vì đến trường, học sinh các cấp theo dõi lễ khai giảng bằng hình thức trực tuyến hoặc xem trên truyền hình. Ngày 6-9, học sinh Hà Nội bắt đầu thời gian học chính thức.

    Bắc Giang: vẫn còn 65 trường làm khu cách ly

    Theo Sở GD-ĐT Bắc Giang, tính đến ngày 31/8 tỉnh vẫn còn 65 cơ sở giáo dục được trưng dụng làm khu cách ly tập trung, chủ yếu ở 2 huyện Lục Nam, Lục Ngạn và TP Bắc Giang, với 2 trường dân tộc nội trú, 9 trường THCS, 9 trường tiểu học, còn lại là cơ sở mầm non. Dự tính đến trước ngày khai giảng năm học (5-9) vẫn còn khoảng 40 trường được trưng dụng làm khu cách ly tập trung.

    Trước đó, Bắc Giang đã lùi thời gian tựu trường của lớp 1 (dự kiến ngày 23/8) do địa bàn tỉnh xuất hiện ca F0 mới. UBND tỉnh quyết định học sinh các cấp tựu trường vào ngày 1/9 và khai giảng năm học vào ngày 5/9. Học sinh sẽ học tập trở lại từ ngày 6/9 theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến tùy tình hình dịch.

    Hà Nam: học trực tiếp nhưng sẵn sàng cho trực tuyến

    Các trường học trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã nhiều lần khử khuẩn, phân công giáo viên dọn vệ sinh trường lớp, mua thêm nước rửa tay, sát khuẩn, khẩu trang y tế dự phòng và xây dựng các phương án phòng dịch khi học sinh trở lại trường.

    Mặc dù là địa bàn ít nguy cơ dịch bệnh hơn nhưng nhiều trường học ở tỉnh Hà Nam cũng có phương án để giảm tập trung đông học sinh trước, sau giờ học, không tổ chức các hoạt động tập trung đông học sinh, chuẩn bị phương án để sẵn sàng chuyển sang dạy học trực tuyến nếu dịch bệnh phát sinh, tận dụng tối đa thời gian học sinh đến trường để thực hiện dạy học các kiến thức, kỹ năng cốt lõi.

    Bắc Ninh: khai giảng chung

    Theo Sở GD-ĐT Bắc Ninh, các nhà trường trên địa bàn tỉnh sẽ có lễ khai giảng chung vào 7h30 ngày 5/9. Các nội dung truyền thống của buổi lễ khai giảng sẽ thực hiện chung và được phát sóng trên Đài phát thanh và truyền hình tỉnh gồm lễ chào cờ, đọc thư Chủ tịch nước, lãnh đạo đánh trống khai trường... Sau phần chung, trên nền tảng trực tuyến, các nhà trường, lớp học có thể tổ chức các hoạt động khởi động riêng.

    Ngày 1-9, học sinh các cấp của Bắc Ninh tựu trường bằng hình thức trực tuyến để nhận lớp, học nội quy đầu năm học, nghe phổ biến tình hình chung về dịch bệnh và các phương thức dạy học sẽ linh hoạt áp dụng. Bắc Ninh cũng sẽ bắt đầu dạy học chính thức đối với học sinh bậc tiểu học trở lên từ ngày 6/9.

    Có thể lùi thời gian năm học

    Ngày 31/8, bộ trưởng Bộ GD-ĐT có công điện chỉ đạo các sở GD-ĐT tham vấn cho UBND để quyết định lùi thời điểm bắt đầu năm học nếu diễn biến dịch tại địa phương còn phức tạp, dành thời gian để chống dịch, động viên giáo viên tham gia chống dịch theo phân công, chuẩn bị các điều kiện tốt để triển khai năm học khi điều kiện cho phép. Những địa phương quyết định lùi thời gian năm học muộn hơn mốc quy định trong khung thời gian năm học do Bộ GD-ĐT quy định có thể sẽ kết thúc năm học muộn hơn.

    Với một năm học được đề cao các giải pháp để sẵn sàng chuyển trạng thái, thích ứng với khó khăn do dịch bệnh, Bộ GD-ĐT đề nghị UBND các tỉnh thành hỗ trợ ngành giáo dục để tìm các nguồn lực tăng cường hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy học trực tuyến và dạy học qua truyền hình khi học sinh chưa thể đến trường.

    Theo HOÀNG HƯƠNG - VĨNH HÀ/Báo Tuổi trẻ

     

     

     

    Đường dây nóng: 0987083838.

    Phóng sự ảnh