Thời gian nghỉ học kéo dài vì dịch COVID- 19 khiến nhiều phụ huynh không khỏi băn khoăn về việc học của trẻ. Đặc biệt, khi năm học mới đang đến gần, làm thế nào để học sinh có tư thế sẵn sàng bắt nhịp năm học mới.
Chuẩn bị sớm để giúp học sinh bắt nhịp năm học mới. |
(VLO) Thời gian nghỉ học kéo dài vì dịch COVID- 19 khiến nhiều phụ huynh không khỏi băn khoăn về việc học của trẻ. Đặc biệt, khi năm học mới đang đến gần, làm thế nào để học sinh có tư thế sẵn sàng bắt nhịp năm học mới.
Học online nhẹ nhàng
Thời gian nghỉ hè kéo dài cộng với tình hình dịch bệnh phức tạp khiến nhiều học sinh phải “ở nhà suốt ngày”. Các hoạt động ngoại khóa, học năng khiếu hè bị gác lại thay vào đó thường là thời gian giải trí với ti vi, điện thoại.
Do vậy, nhiều phụ huynh đã chủ động đăng ký cho con các khóa học online để bé có thời gian học nhẹ nhàng, không quên kiến thức cũ và sẵn sàng hơn trong năm học mới.
Anh Lê Trần Khánh Phương (Phường 8- TP Vĩnh Long) có 2 con trai chuẩn bị lên lớp 4 và lớp 9. Để chuẩn bị cho con bắt nhịp năm học mới, từ sau khi nghỉ hè vợ chồng anh đã mua phần mềm học Toán cho con và đăng ký cho các con học online một vài môn học khó, rèn tiếng Anh.
Lịch học hè của anh Phương dành cho các con “dĩ nhiên nhẹ hơn so với học thường ngày” nhưng vẫn đảm bảo con không quên kiến thức cũ và nhẹ nhàng khi bước vào năm học mới.
Để quản lý việc học online của các con, anh Phương dùng hình thức trực tiếp là quản lý giờ học, nhắc nhở con vào học đúng giờ. Phòng học cũng có gắn camera để “quan sát từ xa” xem con học hành có nghiêm túc không.
Chị Huỳnh Thị Kim Phụng (Phường 3- TP Vĩnh Long) cũng đăng ký cho 2 con chuẩn bị lên lớp 4 và lớp 8 học online. Theo chị Phụng, đây cũng là cách giúp con cân bằng không lãng phí thời gian xem ti vi, chơi game vì phải “ở trong nhà suốt ngày”.
Chị Phụng cho hay: “Ban đầu, tôi không kỳ vọng lắm vào việc học online, chỉ mong các bé học được bao nhiêu thì học thay vì cứ chơi nhưng sau đó thấy con tiến bộ rõ, vui lắm”.
Theo chị Phụng, các bé rất nhạy với công nghệ và các lớp học online giáo viên cũng có kỹ năng để bé không chán mà thích thú khi vào học.
Chị Phụng cho hay: “Học online mà bé cũng vào học sớm 15 phút vì nôn”.
Chị Phụng không cho con học quá nhiều môn mà chỉ tập trung vào những môn con yêu thích hoặc gặp khó khăn như Toán, Hóa học, Tiếng Anh. Các bé cũng không học suốt tuần mà chỉ học 3-4 buổi trong tuần, mỗi buổi khoảng 2 tiếng.
Tự học, vừa học vừa chơi
Cha mẹ nên quan tâm động viên con, tạo hứng thú học tập, không gây áp lực học tập cho con, bên cạnh đồng hành cùng con chuẩn bị các đồ dùng phục vụ cho năm học mới.
Cùng con xây dựng thời gian biểu để con hình thành thói quen và có tâm thế sẵn sàng với nhiệm vụ của năm học.
Đặc biệt các bé nhỏ thường được thức khuya dậy muộn trong thời gian nghỉ dịch sẽ khó bắt nhịp khi vào năm học mới với thời gian học từ 7 giờ.
Tuy vậy, phụ huynh cũng không nên tạo áp lực cho con về việc học trong hè, bà Nguyễn Thùy Cẩm Nhung- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Vương (TP Vĩnh Long) cho biết: “Đối với các bé tiểu học, phụ huynh nên tạo điều kiện cho các bé học mà chơi bằng các hình thức nhẹ nhàng như đọc truyện, khuyến khích bé vẽ tranh, học cùng con qua hình ảnh chữ cái”.
Rèn cho con thời gian học tập, vui chơi ăn ngủ hợp lý để tránh tình trạng dậy muộn, không tập trung khi bước vào năm học mới. Đặc biệt, trong tình hình hiện nay thì việc tăng cường sức khỏe, sức đề kháng của trẻ là rất quan trọng.
Cô Lê Thị Kim Phượng- giáo viên Trường Tiểu học Thạch Thia (Tam Bình) đã có hơn 20 năm kinh nghiệm đứng lớp cho biết: “Chúng tôi thường liên hệ với phụ huynh, gọi điện hàng tuần để hỏi thăm sức khỏe, hướng dẫn phụ huynh cách dạy con học tại nhà là đọc lại các bài cũ, làm các dạng Toán,…”.
Cô Phượng gợi ý công việc mỗi ngày có thể là một phần bài tập, một phần bài đọc nhẹ nhàng cho các bé, đặc biệt bé lớp 1 “không quên mặt chữ”.
Đã được tập huấn và nghiên cứu chương trình Sách giáo khoa lớp 2 mới, cô Phượng cho là “chương trình hay và nghiêng về phát triển tư duy của học sinh”.
Sách mới có nhiều kênh hình giúp bé hứng thú và nhạy bén hơn. Do đó, phụ huynh không nên quá lo lắng, tạo áp lực cho trẻ.
Dựa trên tình hình dịch COVID-19 các địa phương, các cấp học có thể có thời gian tựu trường không giống nhau. Tuy nhiên, cần đưa trẻ vào nề nếp để bé quen với thời gian đi học và học sinh có những buổi học nhẹ nhàng, vui vẻ ôn lại và bổ sung kiến thức mới là cần thiết trong thời gian này.
Bộ GD- ĐT ban hành khung kế hoạch năm học 2021- 2022, trong đó quy định nguyên tắc xây dựng kế hoạch thời gian năm học, phải bảo đảm số tuần thực học: giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có 35 tuần thực học, đối với giáo dục thường xuyên có 32 tuần thực học. Kế hoạch thời gian năm học phải phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tiễn của địa phương. Thời gian nghỉ học, thời gian tựu trường sớm và thời gian kéo dài năm học không quá 15 ngày so với khung kế hoạch thời gian năm học 2021- 2022. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin