Trường ĐH Cửu Long- Ấn tượng trong nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế

03:08, 06/08/2021

Nghiên cứu khoa học và đặc biệt hợp tác quốc tế là những điểm sáng ấn tượng của Trường ĐH Cửu Long. Các nhà máy, viện nghiên cứu công ty được xây dựng, đặc biệt, Nhà máy điện mặt trời thuộc trường ĐH có công suất lớn nhất Việt Nam. Bên cạnh, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo còn là cơ hội cho sinh viên học tập, sáng tạo.

 

Đề tài của sinh viên Trường ĐH Cửu Long đạt giải nhất giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2020”.
Đề tài của sinh viên Trường ĐH Cửu Long đạt giải nhất giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2020”.

Nghiên cứu khoa học và đặc biệt hợp tác quốc tế là những điểm sáng ấn tượng của Trường ĐH Cửu Long. Các nhà máy, viện nghiên cứu công ty được xây dựng, đặc biệt, Nhà máy điện mặt trời thuộc trường ĐH có công suất lớn nhất Việt Nam. Bên cạnh, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo còn là cơ hội cho sinh viên học tập, sáng tạo.

Theo TS. Nguyễn Thanh Dũng- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long- ngoài việc chú trọng chất lượng giảng dạy, Trường ĐH Cửu Long đã từng bước xây dựng và triển khai các hoạt động phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học cho cán bộ, giảng viên và sinh viên trường. Tính đến thời điểm hiện nay, nhà trường đã nghiên cứu, thực hiện thành công 324 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp: trong đó có 1 đề tài cấp nhà nước, 8 đề tài, dự án cấp bộ, tỉnh, huyện, thành phố, 148 đề tài cấp cơ sở và 167 đề tài cấp khoa. Trong đó, có nhiều đề tài của sinh viên đạt các giải thưởng cao của Bộ GD- ĐT, Bộ Khoa học- Công nghệ trong các kỳ xét giải thưởng nghiên cứu khoa học.

Sinh viên Lưu Vĩnh Mến và Tạ Linh Phụng- Khoa Kỹ thuật công nghệ, Trường ĐH Cửu Long đã thực hiện đề tài “Thiết kế, chế tạo máy ép đĩa mo cau và khắc hoa văn cho sản phẩm”. Đề tài này đạt giải nhất giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2020”. Tạ Linh Phụng cho rằng: “Chúng em không thể hoàn thành đề tài nếu không có sự tư vấn nhiệt tình của thầy cô”.

Bên cạnh, trường đã thành lập nhiều trung tâm, viện nghiên cứu như: Trung tâm Khoa học và Công nghệ Cửu Long, Viện Công nghệ thực phẩm, Công ty Sản xuất nước sạch đóng chai ĐH Cửu Long, Viện Đào tạo Mekong- Nhật Bản, Công ty sản xuất cây giống, nông trại trồng tía tô, dưa lưới, phong lan, sâm… để thực nghiệm ứng dụng và đã cho kết quả tốt. Thầy Nguyễn Thanh Dũng nói: “Hàng năm, trường đã trích tỷ lệ cao trong tổng thu ngân sách để làm nghiên cứu khoa học, điều này cho thấy sự quan tâm, chú trọng của nhà trường trong công tác phát triển nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong giảng viên và sinh viên”.

Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế Trường ĐH Cửu Long là đơn vị đi đầu ở ĐBSCL trong công tác hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nước bạn Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia. Tính đến thời điểm hiện tại, Trường ĐH Cửu Long có 109 lưu học sinh Lào và Campuchia đang theo học, 20 lưu học sinh đã tốt nghiệp, trong đó có 1 thạc sĩ.

Đến Trường ĐH Cửu Long học 2 năm nay, sinh viên Phout Phou thone Phokhaphet- ngành Luật Kinh tế năm thứ nhất- cho biết: “Em ở Thủ đô Viên Chăn, đã làm công an tại Lào được gần 2 năm và quyết định chọn Trường ĐH Cửu Long du học vì: “Ngành này giúp ích cho chuyên môn của em khi về nước. Em nghe mấy anh chị học trước cũng khen trường này”.

Nhận thức được vai trò quan trọng của hoạt động hợp tác quốc tế, nhà trường đã tập trung triển khai công tác hợp tác liên kết đào tạo quốc tế, thực hiện hợp tác nghiên cứu khoa học, tổ chức trao đổi giảng viên- sinh viên. Mặt khác, trường chú trọng đến hợp tác, hỗ trợ và chuyển giao công nghệ mới từ các doanh nghiệp, trường ĐH nước ngoài góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Hiện nay, nhà trường đang có kế hoạch triển khai 2 dự án mới với Hàn Quốc là Nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời và Dự án trồng sâm thủy canh.

Nhân 20 năm thành lập, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ thuộc Bộ Khoa học- Công nghệ phối hợp với Trường ĐH Cửu Long tổ chức khai trương Điểm kết nối cung- cầu công nghệ tại trường này. Điểm kết nối cung cầu công nghệ thực hiện các hoạt động xúc tiến, chuyển giao công nghệ, là nơi trưng bày giới thiệu mua bán công nghệ, là một trong những giải pháp cụ thể để thúc đẩy, ứng dụng và chuyển giao giữa các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước góp phần nâng cao trình độ, năng lực công nghệ cho doanh nghiệp, thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ Việt Nam. Hiện nay, có 10 điểm kết nối cung cầu công nghệ trong cả nước.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh