Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, bắt đầu từ hôm nay (9/7), các địa phương đã thi tốt nghiệp THPT đợt 1 sẽ bắt đầu công tác chấm thi.
Ông Nguyễn Đức Cường cho biết Bộ GD-ĐT và các Sở GD-ĐT địa phương sẽ có các đoàn thanh, kiểm tra công tác chấm thi. |
Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, bắt đầu từ hôm nay (9/7), các địa phương đã thi tốt nghiệp THPT đợt 1 sẽ bắt đầu công tác chấm thi.
Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Đức Cường cho biết, đây là năm thứ 2 Bộ GD-ĐT tổ chức thi tốt nghiệp THPT trong điều kiện dịch bệnh. Bộ GD-ĐT đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tốt công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi. Đối với khâu chấm thi, các Sở GD-ĐT đã thành lập đoàn thanh tra ở tất cả các khâu từ làm phách, đến chấm thi tự luận, trắc nghiệm…
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã thành lập 63 đoàn kiểm tra tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, thành phần đoàn là các công chức Bộ GD-ĐT và giảng viên các trường đại học.
"Ngày 8/7, ngay sau khi kết thúc môn khi cuối cùng đã có đoàn lên đường làm nhiệm vụ. Hôm nay (9/7), có nhiều địa phương đã “bắt tay” vào khâu chấm thi. Theo đó sẽ có đoàn kiểm tra của Bộ và đoàn thanh tra của Sở tiến hành kiểm tra, giám sát trong suốt quá trình chấm thi. Trên tinh thần đó, tin rằng, năm nay công tác chấm thi sẽ diễn ra an toàn, nghiêm túc đúng quy chế", ông Cường cho biết.
Theo Bộ GD-ĐT, dự kiến điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 sẽ được công bố vào ngày 26/7.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) cũng cho rằng, hoàn thành công tác coi thi mới chỉ đi được 1 chặng đường, trong thời gian tới, đề nghị các địa phương cần đảm bảo an toàn tuyệt đối trong việc lưu trữ bài thi, chấm thi nghiêm túc, đúng quy chế, cần đảm bảo công tác chấm thi an toàn, đúng tiến độ, không xảy ra gian lận, nhất là gian lận có tổ chức.
Ông Mai Văn Trinh cũng cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ công bố đáp án các môn thi theo tiến độ chấm thi, môn Văn sẽ công bố trước, tiếp đó là các môn thi trắc nghiệm.
Trước một số nhận định của thí sinh rằng đề thi tổ hợp Khoa học xã hội năm nay có phần "dễ thở" hơn năm trước, song đề thi Khoa học tự nhiên lại được đánh giá là tăng về độ khó, liệu có dẫn đến sự chênh lệch, thiếu công bằng giữa các khối thi khi xét tuyển đại học?
Ông Mai Văn Trinh cho rằng: "Việc đánh giá một đề thi khó hay dễ ở thời điểm này còn mang tính chủ quan, tùy vào nhận định của từng người. Tuy nhiên, quy trình để xây dựng một đề thi đều dựa trên các ma trận, ở đó xác định sẽ có bao nhiêu câu khó, bao nhiêu câu dễ, xây dựng có khoa học, đánh giá phù hợp với mục đích của kỳ thi. Do đó, để đánh giá khó hay dễ, cần chờ kết quả thi cuối cùng của thí sinh cũng như phân tích khoa học từng câu hỏi thi"./.
Theo Nguyễn Trang/VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin