Khoảng 70 trường ĐH, CĐ dành chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực. Đây là "một con đường khác" giúp thí sinh thêm cơ hội vào các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Thi đánh giá năng lực là tìm một “tấm vé” khác vào ĐH ngoài xét tuyển bằng các phương thức truyền thống. |
Khoảng 70 trường ĐH, CĐ dành chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực. Đây là “một con đường khác” giúp thí sinh thêm cơ hội vào các trường thành viên của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Thêm nhiều cơ hội
Nhiều trường quen thuộc với thí sinh Vĩnh Long khi xét tuyển trong kỳ thi đánh giá năng lực năm 2021 do ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cũng có phương án thứ 4: Xét tuyển từ kết quả đánh giá năng lực của các trường ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Quốc gia Hà Nội. Điều kiện là thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực đạt từ 600 điểm trở lên, đã cộng điểm ưu tiên theo quy chế tuyển sinh hiện hành.
Tương tự, Trường ĐH Trà Vinh xét tuyển phải đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo ngành xét tuyển và có tổng điểm thi bài thi đánh giá năng lực từ 600 điểm trở lên. Phương thức này không áp dụng cho các ngành Y khoa, Răng- Hàm- Mặt, Dược học và Giáo dục mầm non.
Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh thông báo ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển bậc ĐH hệ chính quy sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực năm 2021 cho tất cả các ngành học tại TP Hồ Chí Minh là 650 điểm.
Trong khi đó, điểm sàn vào ĐH Kinh tế- Tài chính TP Hồ Chí Minh bằng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh năm 2021 là 650 điểm. Huỳnh Thị Kim Quyên- lớp 12/15 Trường THPT Lưu Văn Liệt- với điểm thi 932 tự tin khi xét tuyển vào ngành yêu thích là Kế toán- Kiểm toán của trường này. Trong đề thi, theo Quyên, không chỉ có kiến thức lớp 12 như đề thi tốt nghiệp THPT mà còn có cả kiến thức lớp 10.
Bài thi đánh giá năng lực gồm 120 câu với thời gian làm bài 150 phút theo hình thức trắc nghiệm trên giấy. Bài thi gồm những số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản nhằm đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề. Đề thi được xây dựng cùng cách tiếp cận như đề thi SAT (Scholastic Assessment Test) của Mỹ và đề thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.
Năm 2020, điểm trúng tuyển của phương thức đánh giá năng lực ở các ngành của các trường thuộc hệ thống ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh với mức cao nhất là 750 điểm.
Cấu trúc đề thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh trong tổng số 1.200 điểm, phần giải quyết vấn đề (500 điểm), phần sử dụng ngôn ngữ (400 điểm), còn lại là toán học và tư duy logic. |
Kinh nghiệm làm bài
Điểm trung bình của 68.400 bài thi đợt 1 là 688 điểm. Tuy nhiên, số lượng bài thi có điểm từ 800- 1.200 điểm tăng nhiều so với các năm trước, dự báo điểm chuẩn đánh giá năng lực của các trường trong hệ thống ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẽ tăng.
Cần trang bị vững kiến thức mới có thể làm tốt bài thi đánh giá năng lực là chia sẻ của những thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 vừa qua. Em Đặng Lê Khánh Toàn- lớp 12 Toán 2, Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm- đạt 1.009 điểm trong đợt 1. Em chia sẻ: “Bài thi cho sẵn dữ liệu ngay trong đề, cần đọc kỹ và vận dụng khả năng suy luận để trả lời câu hỏi”.
Để làm tốt bài thi, nhiều thí sinh cho rằng quan trọng nhất là kỹ năng đọc hiểu. Kỹ năng này không khác nhiều với kỹ năng làm một bài đọc hiểu trong bài thi tiếng Anh thông thường, thí sinh chỉ cần đọc thật kỹ ngữ liệu và nắm bắt nhanh các từ khóa trong câu hỏi và ngữ liệu. Toàn nói: “Đề không khó nhưng lắt léo, không đọc kỹ dễ sai và em cũng tiếc vì sợ không kịp thời gian”.
Nguyễn Yến Vy- lớp 12 Anh 1, Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm- cho biết: “Phân bố thời gian phù hợp cũng là một lưu ý quan trọng để có thể làm trọn vẹn bài thi. Cần nắm được điểm từng phần thi, từ đó có cách phân bổ thời gian một cách hợp lý”. Yến Vy có điểm thi là 1.001 điểm. Để rèn cách làm bài, Vy tham gia nhóm ôn thi trên mạng và làm các đề thi thử. Yến Vy hơi tiếc phần sử dụng ngôn ngữ “nhiều từ phát âm không đúng chính tả- theo cách người miền Nam nên em bị mất điểm”.
Việc trang bị kiến thức nền ở nhiều lĩnh vực là phần quan trọng nhất để có thể làm bài thi dạng này. Thí sinh không thể đạt điểm cao nếu chỉ giỏi ở một số lĩnh vực và bỏ qua các phần khác. Tuy nhiên, Khánh Toàn cho rằng: “Biết không có nghĩa là phải giỏi đều các môn, chủ yếu là chú ý và vận dụng”. Là một học sinh chuyên Toán và chọn thi bài thi Khoa học tự nhiên nên Toàn đã khá lo lắng các phần kiến thức lịch sử- địa lý trong bài thi. Tuy vậy, bạn đã làm gần như trọn điểm các câu này vì “các môn xã hội không khó lắm, cần hiểu và vận dụng được”.
Lê Lâm Lợi 12/1- Trường THPT Lưu Văn Liệt- với điểm thi 926, mong muốn được học ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên- ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Theo Lâm Lợi, với những câu hỏi liên quan đến hóa học, dù câu hỏi có sẵn dữ liệu nhưng để trả lời phải có cả lý thuyết cũng như bài học môn đó. Chưa kể những câu đòi hỏi khả năng vận dụng, suy luận, liên hệ thực tiễn.
Thông tin kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh tại địa chỉ: https://thinangluc.vnuhcm.edu.vn/dgnl/home.action Theo đó, thời gian mở/kết thúc đăng ký dự thi đánh giá năng lực đợt 2: 4/5- 15/6/2021. Ngày thi đánh giá năng lực đợt 2: 18/7/2021. Kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức có khoảng 70 trường ĐH và CĐ sử dụng kết quả để xét tuyển một phần chỉ tiêu trong năm 2021. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin