Những tấm gương đạo đức người thầy

10:05, 19/05/2021

Nhà giáo ưu tú là danh hiệu cao quý, ước mơ của một đời "đưa đò" và niềm vui ấy đến với Trường THCS Lý Thái Tổ (TX Bình Minh) được nhân đôi khi năm 2021 này trường có đến 2 nhà giáo ưu tú: cô Trần Thị Lục và thầy Nguyễn Bá Phát. Đó là những tấm gương "đạo đức, tự học và sáng tạo" đã "thắp lửa" cho bao thế hệ học trò.

 

Thầy Phát nói: “Cắm đầu dạy tới khi học trò hiểu hết thì thôi”.
Thầy Phát nói: “Cắm đầu dạy tới khi học trò hiểu hết thì thôi”.

Nhà giáo ưu tú là danh hiệu cao quý, ước mơ của một đời “đưa đò” và niềm vui ấy đến với Trường THCS Lý Thái Tổ (TX Bình Minh) được nhân đôi khi năm 2021 này trường có đến 2 nhà giáo ưu tú: cô Trần Thị Lục và thầy Nguyễn Bá Phát. Đó là những tấm gương “đạo đức, tự học và sáng tạo” đã “thắp lửa” cho bao thế hệ học trò.

Cô Trần Thị Lục- sống và hạnh phúc giản dị

Cô Trần Thị Lục, sinh năm 1966 đã gắn bó với ngôi trường THCS Lý Thái Tổ từ khi nó còn là THCS thị trấn Cái Vồn với vai trò là một học sinh. Cô Lục xem nơi đây không khác gì gia đình mình “trường lớp là nhà, bạn bè đồng nghiệp là anh chị em và học trò là con cái”.

Để rồi những đứa con ra trường thành công hay thất bại, khó khăn, cô Lục đều mang nỗi niềm “người mẹ thứ hai” để suy nghĩ cho học trò mình. “34 năm đi dạy, tôi có rất nhiều học trò và nhiều em thành công, nhưng thương nhất là những hoàn cảnh éo le khiến những em học giỏi, chăm ngoan lại không thể tiến xa hơn trong việc học hành”- cô Lục nhìn ra sân trường, rồi nói thêm- “Cũng có em mới chia sẻ chuyện gia đình, em mới ly hôn và một mình nuôi 2 con nhỏ làm cô cũng buồn theo”.

Tấm lòng yêu thương dịu dàng của cô giáo dạy Ngữ văn đã thấm vào từng tiết học của những lứa học trò. Cô Lục nói: “Bây giờ điều kiện học tập khác hơn và tâm lý các em cũng khác hơn nên cô giáo phải không ngừng học, đọc, thay đổi cách dạy, cách nói với các em”. Cô Lục không thích những học sinh “sao y bản chính” của mình mà yêu cầu các em “tự do thể hiện cái tôi của mình trong mỗi bài làm văn”. Cô Lục cười: “Làm văn thì càng phải sáng tạo, văn không có một đáp án chuẩn mà là vùng đất ưu tiên những ý tưởng mới và các em có sáng tạo sẽ được cộng thêm điểm”. Nhờ vậy, trong 9 năm học liền từ năm 2007- 2016, cô đã bồi dưỡng được 154 học sinh giỏi cấp huyện và 55 lượt học sinh giỏi văn cấp tỉnh.

Cô Lục là Tổ trưởng Tổ Ngữ văn nên không chủ nhiệm lớp, tuy nhiên, tình hình học sinh những lớp cô dạy luôn được cô quan tâm và chia sẻ với giáo viên chủ nhiệm. Cô chỉ tay về lớp gần cổng ra vào: “Lớp đó có 8 em học sinh cha mẹ ly hôn”. Cô Lục cho rằng đây là một “hiện tượng” trong giai đoạn gần đây cần được sự quan tâm của giáo viên, đặc biệt là các em sống cùng bạn bè, bị ảnh hưởng tâm lý.

Mỗi tiết học đối với cô Lục và học trò là “thời gian nhẹ nhàng bên nhau” các em có thể trả bài “theo cách mình hiểu, chỉ cần nắm nội dung cốt lõi” và “được gỡ điểm nếu như không thuộc bài”. Không dừng lại ở những cách dạy thông thường, cô Lục khơi gợi cho học sinh thích học Ngữ văn và khuyến khích các em đọc thêm sách báo để tăng vốn từ và vốn hiểu biết.

Với vai trò Tổ trưởng chuyên môn, cô luôn vận động giáo viên tham gia tốt các phong trào của trường, tổ. Nhắc nhở giáo viên phấn đấu làm tốt và hoàn thành nhiệm vụ được giao vì “mỗi thành viên là tấm gương sáng cho học sinh noi theo”. Đó là sự giản dị trong cuộc sống, từ phong cách đến lời ăn tiếng nói, giản dị để mọi người gần nhau hơn là những gì cô Lục học được khi làm
theo Bác.

Thầy Nguyễn Bá Phát- Học, hỏi, hiểu, hành

Thầy Nguyễn Bá Phát, sinh năm 1970 đã có 28 năm đứng trên bục giảng và gắn bó với Trường THCS Lý Thái Tổ gần 20 năm. Đó là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực “dạy tốt cho trò học tốt” với chuỗi thành tích nhiều năm làm nên danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”.

Sinh ra trong gia đình nông dân ở xã Thành Lợi (Bình Tân) còn nhiều khó khăn, thầy Phát đồng cảm với những khó khăn, thiếu thốn mà học trò mình gặp phải. Nhớ những năm mới ra trường dạy ở Trường Tiểu học Tân An Thạnh, thầy Phát lội bộ đến nhà từng học trò nghỉ học để vận động các em đến lớp. Đa số học sinh nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn, vậy là “thầy móc tiền túi” dù đồng lương không được bao nhiêu để mua dụng cụ học tập, đóng học phí cho học trò mình. Thầy Phát- nói: “Mới cấp 1 mà nghỉ học sau này các em sẽ khổ lắm”.

Với thầy Phát “mỗi cấp học, mỗi độ tuổi và mỗi giai đoạn học sinh đều khác nhau và không thể cứ một giáo trình mà dạy”. Nhiều năm liền, thầy Phát là giáo viên đạt loại xuất sắc theo quy định chuẩn nghề nghiệp; giảng dạy, giáo dục học sinh đạt chất lượng năm sau cao hơn năm trước. Hơn thế nữa, thầy còn phát huy được tính chủ động sáng tạo của học sinh. Tính từ năm học 2009- 2019, thầy đã bồi dưỡng được 112 lượt học sinh giỏi Toán cấp huyện và 42 học sinh giỏi Toán cấp tỉnh.

Không dừng lại ở đó, thầy Phát- Tổ trưởng Tổ Toán của trường- còn tích cực bồi dưỡng, dự giờ, rút kinh nghiệm cho giáo viên trong tổ thi giáo viên giỏi các cấp. Kết quả có 2 giáo viên giỏi cấp tỉnh, 3 giáo viên giỏi cấp thị xã.

Chia sẻ về kinh nghiệm giảng dạy, thầy Phát cười hiền khô “không có gì đặc biệt, tôi dạy sao cho học sinh hiểu, dạy hết mình, cởi mở với các em và sẵn sàng dành tất cả giờ trống tiết để hướng dẫn thêm khi học sinh cần”. Mỗi khi đứng trên bục giảng, thầy Phát thường đem những câu chuyện về Bác để giáo dục học trò mình. Thầy nói: “Tôi thích nhất là 4 chữ của Bác: học, hỏi, hiểu, hành. Học thì phải hỏi, hỏi để hiểu, hiểu rồi mới hành. Học không hiểu mà cứ hành thành sẽ thất bại”.

* Thầy Huỳnh Anh Duy- Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thái Tổ- cười thật tươi khi nói về cô Trần Thị Lục: “Cô Lục là tấm gương cống hiến hết mình cho công việc dù ở độ tuổi nào và khi nào. Dù sắp về hưu, cô vẫn giữ nguyên lòng nhiệt huyết đó với nghề, với lớp và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, những học sinh giỏi Ngữ văn của trường đều có sự đóng góp của cô Lục trong đó”.

Thầy Đặng Văn Thắng- Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lý Thái Tổ- cho biết: Thầy Phát là người đoàn kết, gắn bó với các thành viên trong tổ và giáo viên trong trường. Trong chuyên môn, thầy hỗ trợ đồng nghiệp trở thành giáo viên giỏi. Trong cuộc sống, thầy cũng quan tâm, động viên và sẵn sàng hỗ trợ giúp đỡ những người xung quanh. Tôi nhớ những lần giáo viên tổ thầy thi, thầy luôn đứng trước cửa lớp đợi xem hết tiết giảng mới về.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh