Kỳ 2: Về phum sóc nghe chuyện học hành

05:05, 06/05/2021

Nhờ những chính sách, sự đầu tư, hỗ trợ kịp thời từ Trung ương đến địa phương, điều kiện học tập của con em đồng bào Khmer ngày một tốt hơn. Những học sinh khóa đầu tiên của ngôi trường nội trú giờ đã là tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ,... phục vụ quê hương mình. 

(VLO) Nhờ những chính sách, sự đầu tư, hỗ trợ kịp thời từ Trung ương đến địa phương, điều kiện học tập của con em đồng bào Khmer ngày một tốt hơn. Những học sinh khóa đầu tiên của ngôi trường nội trú giờ đã là tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ,... phục vụ quê hương mình. Về phum sóc bây giờ, chúng tôi nghe những câu chuyện học hành rộn ràng vui tươi như tiếng nhạc ngũ âm mừng mùa lúa mới.

Được nhiều sự hỗ trợ, học sinh Khmer có điều kiện học tập tốt hơn.
Được nhiều sự hỗ trợ, học sinh Khmer có điều kiện học tập tốt hơn.

Thôn Rôn bây giờ

Ấp Thôn Rôn thuộc xã Trà Côn (Trà Ôn) là ấp có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Từ chợ xã đến ấp Thôn Rôn chừng 3km, chúng tôi phải qua phà, vòng vo trong những con đường đan uốn lượn.

Khi đến chợ xã Trà Côn, chúng tôi hỏi thăm “thầy giáo nuôi con ăn học thành tài” thì ai cũng biết, dù thầy đã nghỉ dạy hơn 20 năm nay, “từ hồi vợ thầy mắc bệnh nan y”.

Đó là thầy Thạch Som Nang. Năm 1957, khi thầy 44 tuổi thì vợ thầy- cũng là cô giáo- qua đời, để lại cho thầy 5 đứa con đang tuổi ăn tuổi học, cặp song sinh nhỏ nhất mới vào lớp 2.

Hiện nay, con gái thứ hai Chant Som Phoss là giáo viên mầm non; con gái thứ ba Chant Sona là giáo viên dạy Hóa, Trường THCS- THPT Hòa Bình; con trai Chant Vinhen xong lớp 12 thì phụ cha làm 18 công ruộng vườn; cặp song sinh Chant Vorrac và Chant Vorrin tốt nghiệp ĐH ngành sư phạm thể dục thể thao và ngành công nghệ thực phẩm.

Vất vả ngược xuôi nhưng thầy Som Nang lúc nào cũng khuyến khích con học tập. “Cứ học cho ba, học tới khi nào ba lo hết nổi, học cho hết sức các con thì thôi” là câu thầy thường nói với các con mình.

Nhìn lại thời gian qua, thầy Som Nang không biết “sức đâu mà mỗi ngày đều làm tới 2- 3 giờ khuya và chỉ mong ngày dài thêm ra để làm được nhiều việc hơn”, nhiều khi làm vườn ruộng đêm hôm phải đốt đuốc.

Thầy Som Nang dường như không có lúc nông nhàn vì rảnh thì “vần công” với lối xóm. Khi các con cùng vào ĐH, nỗi lo lắng của thầy là “không biết tiền đâu”. Vậy là thầy chạy xe ôm ngoài chợ xã để có thu nhập mỗi ngày cho con ăn học.

Còn tài sản lớn nhất của gia đình ông Thạch Sa Ha Ru không phải là 6 công ruộng vườn mà là 4 người con “đều tốt nghiệp ĐH và có việc làm ổn định”.

Ông Ha Ru cười thật tươi: “2 con học Trường ĐH Khoa học- Xã hội nhân văn ở TP Hồ Chí Minh, 2 con thì học ĐH Cần Thơ. Ra trường, con trai làm ở VTV2, các con gái thì làm thông dịch viên, đi dạy, kế toán”.

Nhớ về những khó khăn khi các con lần lượt vào ĐH, ông Ha Ru nói: “Mần mướn từ sáng tới tối mà không đủ tiền, cuối tuần càng lo hơn vì sợ con về không có tiền cho, nhiều khi phải mượn chỗ này đắp chỗ kia, nếu không vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội thì chắc không cho con đi học nổi”.

Có những lúc khó khăn tới mức phải bán hết 2 công đất. Ông Ha Ru nhớ lại: “Hồi đó không có đường đan vầy đâu, mỗi khi mưa gió thì xăn quần lội, cũng không có trường cấp 3 mà phải qua huyện Tam Bình học”.

Giờ các con ông Ha Ru đã thành tài, trả hết nợ ngân hàng còn phụ cha xây căn nhà cấp 4 tươm tất.

Căn nhà khang trang của vợ chồng ông Thạch Thòn đầy ắp những bằng khen của 3 người con. Con gái lớn Thạch Thị Ri Na là giáo viên, Thạch Phẩm đang học ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long và Thạch Pâu là sinh viên năm nhất Trường ĐH Cần Thơ.

Điều đáng mừng của vợ chồng ông Thạch Thòn còn là “ra riêng chỉ có 3 công đất mà nay được 10 công vườn và 6 công ruộng”.

Nhưng vợ chú Thòn nói: “Bây giờ tui đang “nặng tiền” lắm, làm nông đâu phải lúc nào cũng có tiền trong túi đâu. Nhưng tui phải cho con học cho biết cái chữ, cho khôn lanh với người ta”- bà nói thêm- “Tui cái chữ cắn đôi không biết, công việc giấy tờ gì không dám rớ, buồn lắm”.

Những tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ Khmer

Cô giáo Vinh Thị Cẩm Trinh vừa được công nhận Nhà giáo ưu tú năm 2021.
Cô giáo Vinh Thị Ngọc Trinh vừa được công nhận Nhà giáo ưu tú năm 2021.

Trường PT Dân tộc nội trú thực sự là “cái nôi” đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đồng bào Khmer, minh chứng là những học sinh ra trường thành công.

TS. Bạch Thanh Sang (ngụ xã Đông Bình- TX Bình Minh) là viên chức đang làm việc tại Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long chia sẻ: “Tôi là khóa học sinh đầu tiên học Trường PT Dân tộc nội trú tỉnh, tôi được học và ăn ở miễn phí, nếu không có trường đó tôi không học được như giờ”.

Đi dạy học, đi làm và học thêm văn bằng 2, học cao học rồi làm nghiên cứu sinh tiến sĩ, anh Sang không ngại học hành vất vả, chỉ sợ “không đủ tiền thực hiện ước mơ nghiên cứu”.

Vậy nên, vừa học, anh Sang vừa làm thêm, viết các bài khoa học đăng tạp chí để thỏa đam mê nghiên cứu lại có thêm tiền nhuận bút.

Nói về lý do học chuyên ngành tôn giáo học, anh Sang cho biết: “Khi đi làm, tôi nhận thấy tầm quan trọng về vai trò của tôn giáo đối với đồng bào dân tộc nên rất muốn nghiên cứu”.

Cô Thạch Sô Pha (ấp Cần Súc, xã Loan Mỹ- Tam Bình) và em gái Thạch Sô Phia cũng từng là học sinh trường nội trú. Cô Sô Pha trở lại trường làm giáo viên, còn Sô Phia hiện đang làm bác sĩ sản khoa tại Trung tâm Y tế huyện Tam Bình.

Cô Sô Pha chia sẻ: “Nếu không được học trường nội trú và hưởng các chế độ chính sách như học cử tuyển thì chắc chị em tôi đã nghỉ học lâu rồi”.

Điểm đặc biệt ở Trường Mầm non Tân Mỹ (xã Tân Mỹ- Trà Ôn) là có 2 chị em cô Vinh Thị Cẩm Vân và Vinh Thị Ngọc Trinh đều là Nhà giáo ưu tú.

Hai cô còn có 3 người em đều đi làm tại Công an tỉnh Vĩnh Long, y sĩ và nhân viên phụ trách văn hóa xã Hựu Thành (Trà Ôn).

Cô Vân cười thật tươi khi nói về cha mình- thầy giáo Thạch Vinh: “Ba tôi rất xem trọng việc học và ước mơ của ông là các con học hành đến nơi đến chốn”.

Cô Trinh chia sẻ thêm: “Mỗi lần anh chị em đông đủ, ba tôi thường nói tài sản của ba cho các con chính là kiến thức sau này, các con cố gắng mà học nghe”.

Từng học trường nội trú, khi vào ĐH, lại được học và ở ký túc xá miễn phí, cô Ngọc Trinh nhớ về những năm tháng mà mùa mưa học sinh lấm lem đi học và cứ mỗi năm phải đi vận động trẻ 5 tuổi đến trường.

Thậm chí, có những bé không có dụng cụ học tập “cô giáo bỏ tiền túi mua cho, dù lương giáo viên cũng phải tiết kiệm mới đủ dùng”. Còn giờ đây, các em được hỗ trợ cả tiền bữa ăn, nên phụ huynh càng yên tâm đưa con đến lớp.

Ông Thạch Dương- Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long

Thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện các chính sách về giáo dục cho đồng bào Khmer như hỗ trợ gạo cho học sinh, hỗ trợ chế độ học tập cho học sinh dân tộc nội trú, chế độ ưu tiên tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức... Ngoài ra, chính quyền các cấp, các đoàn thể đều quan tâm hỗ trợ rất nhiều quà và học bổng nhằm tiếp sức cho học sinh Khmer. Từ đó, các em tích cực hơn trong học tập để đạt được thành tích cao.


Bài, ảnh: CAO HUYỀN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh