Đồng bào Khmer: Học để hiểu, hiểu để xây dựng quê hương

04:05, 05/05/2021

Phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ quan trọng được Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long đề ra trong giai đoạn 2020- 2025. Trong đó, việc đào tạo nhân lực cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn được quan tâm thực hiện- như lời Bác dạy: "Phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ dân tộc".

(VLO) Phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ quan trọng được Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long đề ra trong giai đoạn 2020- 2025. Trong đó, việc đào tạo nhân lực cho đồng bào dân tộc thiểu số luôn được quan tâm thực hiện- như lời Bác dạy: “Phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ dân tộc”.

Đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long ngày càng cao. Trẻ em được tạo mọi điều kiện tốt nhất để đến trường. Rồi những cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trở về chung tay xây dựng phum sóc mình, trở thành động lực, niềm tin cho nhiều gia đình bà con Khmer cho con em học đến nơi đến chốn.

Kỳ 1: Đường đến trường gần hơn

Bên cạnh việc thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Trung ương, Vĩnh Long đã huy động nhiều nguồn lực khác nhau, nhờ đó việc đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài trong đồng bào dân tộc không ngừng phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời và Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh thăm hỏi tình hình học tập của học sinh Trường PT Dân tộc nội trú.
Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời và Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh thăm hỏi tình hình học tập của học sinh Trường PT Dân tộc nội trú.

Chuyện xưa chuyện nay

Đồng bào dân tộc Khmer chiếm 85% trên tổng số người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Về các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer, chúng tôi nghe những câu chuyện “như mơ” nay đã thành hiện thực.

Cô Thạch Thị Ro Ya- Chủ tịch Hội Khuyến học xã Loan Mỹ (Tam Bình)- nay đã 70 tuổi, có gần 50 năm gắn bó với giáo dục, từ giáo viên Trường Tiểu học Thạch Thia đến khi về hưu thì làm công tác khuyến học.

Cô Thạch Thị Ro Ya kể: “Mấy chục năm trước, vô hè là tui xăn quần lội đến từng nhà vận động con em Khmer đến trường. Vì bà con nghĩ “lấy táo đong lúa chứ táo có đong chữ được đâu” nên con cái lớn chút là kéo nhau đi cắt lúa mướn từ đồng này sang đồng khác”.

Rồi cô vui vẻ nói thêm: “Còn giờ đây, bà con tự đưa trẻ đến trường, sẵn sàng cho con học tới nơi, tới chốn”.

Những đổi thay trong ý thức- vấn đề tưởng chừng rất khó- đã thực hiện được nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước bằng những chính sách khuyến học, khuyến tài, phát triển kinh tế cho đồng bào Khmer.

Trường Tiểu học Thạch Thia khang trang đạt chuẩn quốc gia và chuẩn chất lượng giáo dục.
Trường Tiểu học Thạch Thia khang trang đạt chuẩn quốc gia và chuẩn chất lượng giáo dục.

Ngay trung tâm xã Loan Mỹ, Trường Tiểu học Thạch Thia khang trang được xây dựng từ nguồn vận động xã hội hóa (Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long tài trợ).

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tấn Lực cho biết: “Trường có 613 học sinh, trong đó có 484 em dân tộc Khmer (chiếm 80%). Trong đó, có 43 em thuộc hộ nghèo, 63 em hộ cận nghèo. Tuy nhiên, các em luôn được tạo điều kiện để yên tâm học hành nên tỷ lệ bỏ học những năm gần đây luôn bằng không”.

36 năm gắn bó với Trường Tiểu học Thạch Thia, cô Thạch Thị Khel hiền hậu, nhớ lại: “Hồi đó, cha tôi là ông Thạch Thên (ấp Cần Súc) cho 6 đứa con đi học còn bị có người cho là “mần chuyện tào lao” thì nay nhà nhà đều cho con đi học”.

Cô Khel khoe: “Ở trường có đến 3 giáo viên trẻ là học trò của tôi ngày xưa. Rất mừng vì các em lại quay trở về đóng góp cho quê hương, đem cái chữ đến cho con em đồng bào Khmer của mình”.

Chú Thạch Khương- trước đây là Bí thư Đảng ủy xã Loan Mỹ- có 3 con đều tốt nghiệp ĐH và có việc làm ổn định. Trong đó, người con gái thứ ba Thạch Thị Quanh Tha là bác sĩ, Phó Trạm Y tế xã Loan Mỹ.

Bàn về chuyện học hành, chú Thạch Khương nói: “Khi cái ăn còn khó khăn thì ít ai nghĩ đến chuyện cho con đi học. Nhưng nhờ Nhà nước mình có những chính sách hỗ trợ mà bà con phát triển kinh tế, giảm nghèo”.

So sánh vài chục năm trước, chú Thạch Khương chỉ tay về hướng chợ xã “cứ nhìn mấy cái bảng hiệu của bác sĩ ở xã sẽ thấy. Trước đây không có bác sĩ nào đâu, còn bây giờ cả xã có hàng chục bác sĩ rồi”. Nói xong, chú Thạch Khương còn nhẩm tính “nhà tôi, nhà anh sui, nhà anh vợ, nhà Thạch Cua,…”

Quả ngọt từ đầu tư cho giáo dục

Lĩnh vực GD- ĐT trong đồng bào dân tộc luôn được quan tâm. Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- cho biết: “Đến nay, mạng lưới, quy mô trường lớp từ mầm non đến THPT ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được củng cố và phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập cho con em đồng bào các dân tộc.

Đặc biệt là chú trọng phát triển Trường PT Dân tộc Nội trú, xem đây là “cái nôi” đào tạo nguồn nhân lực quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn vùng đồng bào Khmer trong tỉnh”.

Trẻ em dân tộc được hỗ trợ bữa ăn bán trú, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến trường nhiều năm liền đạt 100%.
Trẻ em dân tộc được hỗ trợ bữa ăn bán trú, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến trường nhiều năm liền đạt 100%.

Đáp lại sự tin yêu đó, Trường PT Dân tộc Nội trú đã vượt mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy và học. Trường đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, tỷ lệ học sinh trúng tuyển ĐH nguyện vọng 1 năm học 2019- 2020 là 50%. Hàng năm có trên 200 học sinh theo học, chất lượng khá- giỏi.

Đặc biệt từ năm 2014- 2020, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 100%. Thầy Phó Hiệu trưởng Thạch Song cười rạng rỡ: “Bác sĩ Khmer ở Trung tâm Y tế huyện Tam Bình cả chục người, đa số là học sinh trường này cả”.

Thầy Thạch Song cho biết: “Học sinh nội trú được nhận sự hỗ trợ lớn của Nhà nước. Từ tập vở, văn phòng phẩm, BHYT,… đều được miễn phí. Nếu không có trường này, nhiều học sinh Khmer khó khăn phải bỏ học”.

Có được nguồn nhân lực chất lượng, giáo dục được bà con quan tâm như bây giờ, theo chú Thạch Khương phần công lớn “là chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước mình”.

Chú nói cụ thể: “Con gái tôi sức học chưa vô y khoa liền được đâu, rồi học phí lại cao nhưng nhờ có những lớp học dự bị, cử tuyển cho sinh viên Khmer nên gia đình tôi và bà con trong xã mới cho con học nổi”.

Song song với việc ban hành nhiều chính sách ưu tiên cho người dạy và người học là việc tăng cường đầu tư, xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục vùng dân tộc thiểu số.

Nhờ đó, chất lượng GD-ĐT cho đồng bào ngày một tăng lên. Hiện nay, toàn tỉnh có 468 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Đang công tác ở các cơ quan cấp tỉnh là 63 người, đa số có trình độ từ CĐ, ĐH trở lên.

Ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer, tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư xây dựng 40 ngôi trường (từ mầm non đến THPT). Công tác huy động học sinh đến trường đạt 98%. Ngoài việc học tiếng Việt cùng học sinh người Kinh, học sinh Khmer được học chữ Khmer theo chương trình của Bộ GD- ĐT. Trong 3 xã có đông đồng bào dân tộc, có 3/15 trường đạt chuẩn quốc gia. 3/3 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS. Đối với chính sách cử tuyển giai đoạn 2010- 2015, có 170 học sinh dân tộc Khmer được cử tuyển vào học tại các trường ĐH, CĐ.

Kỳ 2: Về phum sóc nghe chuyện học hành

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh