Ngay sau khi thi học kỳ II, các trường THPT đã triển khai nhiều biện pháp ôn tập thích hợp với năng lực học sinh tại trường mình. Với mục tiêu trước mắt là tốt nghiệp THPT và xa hơn là xét tuyển ĐH.
(VLO) Ngay sau khi thi học kỳ II, các trường THPT đã triển khai nhiều biện pháp ôn tập thích hợp với năng lực học sinh tại trường mình. Với mục tiêu trước mắt là tốt nghiệp THPT và xa hơn là xét tuyển ĐH.
Trường THCS- THPT Hòa Bình cho học sinh khối 12 ôn tập trong 10 tuần. |
Chủ động ôn tập, đánh giá học sinh
Căn cứ vào đề thi tham khảo, các trường THPT trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học, ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp điều kiện thực tế đơn vị.
Trong quá trình ôn tập, chú trọng trang bị, củng cố cho học sinh nắm vững những kiến thức, kỹ năng cơ bản của chương trình THPT, trong đó tập trung vào chương trình lớp 12.
Trường THPT Nguyễn Thông (TP Vĩnh Long) có 425 học sinh lớp 12 trong năm học này. Trong đó, có 56 học sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp.
Thầy Phó Hiệu trưởng Phạm Văn Quân cho biết: “Có khoảng 50% học sinh lớp 12 đã nhận được giấy báo trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển khác nhau. Tuy nhiên, các em vẫn đầu tư và hy vọng vào điểm thi THPT sắp tới”.
Chương trình ôn tập của Trường THPT Nguyễn Thông theo hướng giảm dần, chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn 1 ôn sáng, dò bài buổi chiều; giai đoạn 2 chỉ ôn tập buổi sáng và giai đoạn 3 là rà soát và khắc phục hạn chế.
Theo đó, học sinh sẽ được làm một bài kiểm tra để đánh giá lại quá trình ôn tập vào đầu tháng 6. Thầy Quân chia sẻ: “Thời gian ôn tập càng lâu, học sinh càng áp lực và mệt mỏi nên chúng tôi chủ trương giảm dần cho các em”.
Trường THPT Lưu Văn Liệt có 596 học sinh lớp 12, trong đó có 21 học sinh dự thi dùng kết quả chỉ để xét tốt nghiệp THPT. Như những năm trước, học sinh trường này chọn bài thi Khoa học tự nhiên nhiều hơn học sinh chọn bài thi Khoa học xã hội, lần lượt là 382 và 214.
Theo đánh giá của các tổ bộ môn trong trường đề tham khảo tương đương với năm 2020, một số môn có khó hơn nhưng vẫn tập trung chủ yếu chương trình lớp 12.
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Khương- Trường THPT Lưu Văn Liệt- cho biết: “Chúng tôi ôn cho các em nắm chắc phần trọng tâm, tiếp đó tùy đối tượng và nhu cầu của các em mà ôn tập theo hướng vận dụng và vận dụng cao. Tối thiểu mỗi học sinh phải ôn luyện, nắm được 70% kiến thức”.
Là trường có chất lượng giáo dục cao trong tỉnh và được nằm trong danh sách ưu tiên tuyển sinh của ĐH Quốc gia, học sinh Trường THPT Lưu Văn Liệt thường có phổ điểm cao. Tuy vậy, thầy Khương cho rằng đôi khi học sinh khá giỏi lại bị mất điểm ở nội dung cơ bản, do vậy “các em không được chủ quan, phải nắm chắc từ dễ đến khó”.
Ôn phù hợp từng đối tượng
Ngay từ sớm, Sở GD- ÐT Vĩnh Long đã chỉ đạo các trường căn cứ kế hoạch dạy học chủ động xây dựng kế hoạch, huy động toàn lực cho công tác ôn tập thi tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12. Sở đã tổ chức các đoàn kiểm tra để đánh giá và hỗ trợ ôn tập cho các đơn vị.
Trong đó, sở chú ý các trường phân loại nhóm đối tượng học sinh để tổ chức ôn tập cho phù hợp, không gây quá tải, bảo đảm sức khỏe cho học sinh và thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID- 19.
Là trường có học sinh hệ giáo dục thường xuyên nên Trường THCS -THPT Hòa Bình (Trà Ôn) đa dạng đối tượng hơn và ôn tập phân hóa theo đối tượng cũng lớn hơn nhiều trường khác.
Trường có 328 học sinh lớp 12, trong đó, số học sinh chọn bài thi Khoa học tự nhiên chỉ bằng một nửa so với số học sinh chọn bài thi môn Khoa học xã hội.
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Bảo cho hay: “Khó khăn của trường là đối tượng học sinh đa dạng. Do đó, ngay từ đầu năm học trường này đã phân hóa đối tượng học sinh để tư vấn và ôn thi”.
Theo truyền thống hàng năm, Trường THCS- THPT Hòa Bình rà soát học sinh gặp khó khăn từ đó vận động nguồn xã hội hóa hỗ trợ các em.
Hiện tại, có 14 học sinh khó khăn được hỗ trợ cơm trưa trong suốt quá trình ôn thi”- thầy Bảo nói. Bên cạnh đó, trường này còn tổ chức những hình thức ôn theo kiểu đôi bạn cùng tiến hoặc cho một bạn giỏi kèm một bạn kém hơn.
Thuận lợi của học sinh 12 năm nay là được học trực tiếp trên lớp toàn bộ chương trình, thời gian ôn tập cũng dài hơn. Dù có nhiều học sinh khá giỏi, Trường THPT Nguyễn Thông cũng có 5 học sinh thuộc dạng “nguy cơ” được bồi dưỡng đặc biệt hơn.
Thầy Quân giải thích: “Đặc biệt là quan tâm từng em chọn cách ôn phù hợp như không nhồi nhét kiến thức quá nhiều gây áp lực”.
Vì tình hình dịch COVID-19 trong tỉnh còn nằm trong vòng kiểm soát, nên học sinh lớp 12 vẫn đi học bình thường, tuy nhiên, ngành giáo dục Vĩnh Long đã chuẩn bị các phương án, kịch bản dạy học, ôn tập trong điều kiện dịch COVID-19, khi cần thiết là kích hoạt ngay.
Học sinh Trần Thị Hải Yến- lớp 12A1, Trường THPT Lưu Văn Liệt- đã khá tự tin với kiến thức đã ôn tập được. Theo Yến, may mắn của em và các bạn trong năm học này là được học, ôn trực tiếp trên lớp. Yến cho biết: “Em đăng ký xét tuyển ngành quản trị nhân lực của ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh. Em mong tình hình dịch bệnh được kiểm soát để được tiếp tục ôn tập tại trường”. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin