Khối ngành sức khỏe rộng cửa nhưng không dễ

02:04, 07/04/2021

Nhu cầu nhân lực ngành y tế ngày càng nhiều hơn để chăm sóc sức khỏe toàn dân. Bên cạnh đó, thêm nhiều trường đào tạo khối ngành sức khỏe nên đường đi của ngành này càng mở rộng cửa hơn và được nhiều học sinh quan tâm hơn.

Nhu cầu nhân lực ngành y tế ngày càng nhiều hơn để chăm sóc sức khỏe toàn dân. Bên cạnh đó, thêm nhiều trường đào tạo khối ngành sức khỏe nên đường đi của ngành này càng mở rộng cửa hơn và được nhiều học sinh quan tâm hơn.

Sinh viên khối ngành sức khỏe của Trường ĐH Cửu Long.
Sinh viên khối ngành sức khỏe của Trường ĐH Cửu Long.

Thêm nhiều cánh cửa cho học sinh

Không chỉ các trường ĐH y truyền thống như ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh, ĐH Y dược Cần Thơ các trường ĐH Trà Vinh, ĐH Nam Cần Thơ, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Cửu Long,... có đào tạo khối ngành sức khỏe.

Cánh cửa vào khối ngành y dược được mở rộng hơn, phần nào giải tỏa “cơn khát” nhân lực y tế. Dĩ nhiên, khối ngành sức khỏe và sư phạm phải đáp ứng ngưỡng đầu vào do Bộ GD- ĐT quy định.

Từ năm 2020, bên cạnh phương án xét tuyển bằng điểm thi, Bộ GD-ĐT cho phép các trường ĐH sử dụng phương thức xét học bạ. Trong đó có thêm điều kiện ràng buộc là bên cạnh tốt nghiệp loại giỏi năm 12 thì cho phép điểm xét tốt nghiệp từ 8.0 trở lên. Điều này giúp tăng cơ hội cho thí sinh khi xét tuyển bằng nhiều phương thức khác nhau.

ThS. Lê Thanh Vũ- Phó Phòng Công tác học sinh sinh viên (Trường ĐH Cửu Long)- cho biết: “Khoa Khoa học sức khỏe của trường được thành lập từ năm 2016 với các ngành xét nghiệm y học và điều dưỡng. Trong đó, ngành điều dưỡng có nhiều chuyên ngành.

Năm 2020, nhà trường được phép đào tạo thêm ngành dược học”. Mức học phí các ngành khối sức khỏe của trường này dao động từ 10,5- 15,5 triệu/ học kỳ. Trường ĐH Cửu Long ngoài phương án xét tuyển có tổ chức kỳ thi riêng cho ngành dược. Hiện tại Trường ĐH Cửu Long đã tổ chức thi đợt 1, đợt 2 sẽ diễn ra vào tháng 9 tới.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Khôi khẳng định khối ngành y- dược là ngành khó.
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Khôi khẳng định khối ngành y- dược là ngành khó.

Trường ĐH Văn Lang có 5 phương thức xét tuyển nhưng riêng với khối ngành khoa học sức khỏe thì chỉ áp dụng 4 phương thức là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, học bạ, điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và xét tuyển thẳng theo quy định.

Hiện nay nhà trường có 4 ngành tuyển sinh là: răng hàm mặt, dược học, điều dưỡng, kỹ thuật xét nghiệm và dự kiến mở 2 ngành là y khoa và y học cổ truyền.

Đại tá Nguyễn Việt Khoa- Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành- cho biết trường vẫn giữ 5 phương thức xét tuyển như các năm. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có 5 ngành đào tạo là: y khoa, dược học, y học cổ truyền, y tế dự phòng và kỹ thuật xét nghiệm y học.

Lưu ý đầu vào, đầu ra

Một hướng mở cho học sinh yêu thích khối ngành sức khỏe là có nhiều cách thức xét tuyển, thi tuyển khác nhau. Bộ GD- ĐT cũng quy định khi xét học bạ với khối ngành khoa học sức khỏe.

Cụ thể, thí sinh lưu ý xét vào ngành điều dưỡng thì phải tốt nghiệp loại khá, y khoa và dược phải tốt nghiệp giỏi. Vì vậy, với khối ngành này, thí sinh phải chờ khi đã học xong lớp 12 mới nên đăng ký xét tuyển.

Nhiều học sinh quan tâm khối ngành sức khỏe.
Nhiều học sinh quan tâm khối ngành sức khỏe.

Trong ngày hội Tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại Cần Thơ vừa qua, em Lê Quốc Thái (Trường THPT Phan Ngọc Hiển, TP Cần Thơ) hỏi: “Tình hình dịch COVID-19 đang diễn ra có làm cho việc vào ngành y dễ hơn không?”

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Khôi- Trưởng Phòng Đào tạo (Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh)- cho rằng: “Theo tôi tiên đoán thì ngành y không hề dễ hơn vì khi có dịch bệnh, hay bất cứ cái gì liên quan sức khỏe con người thì cả xã hội quan tâm và thấy rằng đứng trước việc như vậy, con người rất cần được chăm sóc sức khỏe và vấn đề chăm sóc sức khỏe càng được quan tâm nhiều hơn”.

Dù học trường nào thì điểm chuẩn các ngành sức khỏe luôn nằm trong tốp điểm cao. Năm 2020, Trường ĐH Y dược Cần Thơ công bố mức điểm chuẩn cao nhất là 26,95 điểm, thấp nhất là 22 điểm. Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng có mức điểm chuẩn các ngành thuộc khối sức khỏe từ 19- 22 điểm.

Trong đó, ngành răng hàm mặt và y khoa là 2 ngành có mức điểm trúng tuyển cao nhất (22 điểm). Trường ĐH Nam Cần Thơ lấy điểm chuẩn ngành sức khỏe từ 19- 22 điểm. Trường ĐH Cửu Long các ngành điều dưỡng và xét nghiệm y học có điểm chuẩn là 19.

Không ít người lo lắng về chất lượng đầu vào khối ngành sức khỏe ở các trường không giống nhau thì chất lượng đầu ra thế nào. PGS.TS. Nguyễn Ngọc Khôi cho biết: Sắp tới, sẽ có hệ thống thi và cấp chứng chỉ hành nghề theo năng lực cho ngành y.

Nếu học xong không được cấp chứng chỉ sẽ không được hành nghề. Do đó, ông lưu ý học sinh: “Vào được ĐH là các em mới mở được cánh cửa thôi, còn cả con đường cần phải đi”.

 

Đầu năm 2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao quyết định thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia. Hội đồng do Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long làm Chủ tịch, sẽ xây dựng chuẩn năng lực nghề nghiệp cho các chức danh hành nghề khám, chữa bệnh. Hội đồng này sẽ tham gia giám sát, đánh giá việc tuân thủ chuẩn năng lực nghề nghiệp của người hành nghề y sau khi được nhà chức trách cấp chứng chỉ hành nghề. Được biết, kỳ thi quốc gia đánh giá năng lực hành nghề y sẽ dành cho các bác sĩ mới ra trường, không áp dụng với người đã được cấp chứng chỉ hành nghề.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh