Chưa thể áp dụng lương mới cho giáo viên

Cập nhật, 05:08, Thứ Năm, 25/03/2021 (GMT+7)

 

Cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung mong muốn lương giáo viên tốt hơn để giáo viên ổn định cuộc sống, yên tâm công tác.
Cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung mong muốn lương giáo viên tốt hơn để giáo viên ổn định cuộc sống, yên tâm công tác.

Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT công lập có hiệu lực từ 20/3/2021. Tuy nhiên, những thông tư này chưa thể áp dụng ngay vì còn phụ thuộc vào yếu tố và chưa thể thực hiện được.

Mong muốn được tăng lương

Mong muốn được tăng lương để có cuộc sống ổn định hơn là ước mơ chính đáng. Đặc biệt, giáo viên là ngành mà nhiều người cho rằng mức lương còn thấp. Do đó, khi những thông tư về lương mới được ban hành và chính thức có hiệu lực nhiều giáo viên không giấu vui mừng.

Cô Huỳnh Ngọc Duy- giáo viên dạy lớp 5, Trường Tiểu học Trương Định- bày tỏ: “Mức lương hiện tại thực sự khó khăn cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên chưa có thâm niên, ví dụ như mua xe máy để đi dạy cũng phải trả góp”. Đi dạy 16 năm, hiện nay cô Duy đang hưởng lương 3,66 nếu chuyển sang lương mới là 5,36 thì sẽ tăng được khoảng 2 triệu/ tháng.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung- giáo viên Trường Tiểu học Trương Định- có 27 năm đứng lớp nhưng “chưa từng mơ lương giáo viên có ngày được 10 triệu/ tháng”. Cô cười chia sẻ thêm: “Trước đây, vợ chồng tôi đều là giáo viên nhưng lương không đủ sống nên chồng tôi chuyển sang buôn bán”. Cô Nhung còn nhớ như in tháng lương đầu tiên 120.000đ. Rồi khi cô lập gia đình chuyển về TP Vĩnh Long lương cũng từ 800.000- 900.000 đ/tháng. Cô Nhung chia sẻ: “Chắt chiu dành dụm mới đủ sống nên vợ chồng chỉ dám sanh một đứa con, mãi sau này con lớn, mới có con thứ 2”.

Cô Nhung cũng như nhiều giáo viên khác phấn khởi nếu được tăng lương và khi đời sống vật chất được đảm bảo tốt hơn thì giáo viên cũng sẽ chuyên tâm cho công việc hơn. Bởi lẽ, thay vì làm thêm nghề tay trái để cuộc sống ổn định hơn, giáo viên có thể làm thêm đồ dùng dạy học, nghiên cứu, sáng tạo,… Cô Bùi Thị Huyền- giáo viên Trường THCS Phú Thịnh (Tam Bình)- nói: “Trước đây, mức lương nhà giáo đã có sự thay đổi đáng kể nhưng so với thực tế nhu cầu cuộc sống vẫn còn thấp cho nên tôi thấy vui khi nghe sắp được tăng lương. Tôi nghĩ tăng lương cũng là động lực dạy học tốt hơn. Mong là sẽ sớm được áp dụng”.

Đặc biệt, đối với những giáo viên mới ra trường phải ở trọ để đi dạy thì việc áp dụng mức lương mới sẽ giúp giáo viên yên tâm bám nghề.

Lương mới như thế nào?

Theo quy định tại 4 thông tư mới của Bộ GD- ĐT, giáo viên các cấp sẽ được bổ nhiệm hạng mới thay thế cho các hạng hiện đang được quy định tại Thông tư liên tịch 20, 21, 22 và 23. Đặc biệt, tùy từng hạng và cấp học khác nhau mà giáo viên sẽ được tăng lương. Giáo viên mầm non xếp vào hạng I, nếu giáo viên mầm non hạng II trúng tuyển trong kỳ thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non. Theo đó, mức lương cao nhất của giáo viên mầm non mới cao hơn mức cao nhất của giáo viên mầm non cũ khoảng 2 triệu đồng.

Tuy nhiên, để được bổ nhiệm vào hạng I (mới) thì giáo viên mầm non phải trúng tuyển thông qua kỳ thi/xét thăng hạng. Còn các hạng cũ của giáo viên mầm non, nếu đáp ứng điều kiện thì hệ số lương ở các hạng còn lại về cơ bản không thay đổi.

Giáo viên tiểu học, nếu đáp ứng đủ điều kiện thì giáo viên hạng II cũ được bổ nhiệm vào hạng II mới, hạng III cũ được bổ nhiệm vào hạng III mới và hạng II mới nếu trúng tuyển trong kỳ thi/xét thăng hạng thì được bổ nhiệm vào hạng I. Giáo viên THCS nếu đáp ứng đủ điều kiện thì giáo viên hạng I cũ bổ nhiệm vào hạng I mới, hạng II cũ bổ nhiệm vào hạng II mới, hạng III cũ bổ nhiệm vào hạng III mới.

Khi giáo viên đạt đủ trình độ yêu cầu của hạng tương ứng thì sẽ được hưởng lợi từ lương mới.
Khi giáo viên đạt đủ trình độ yêu cầu của hạng tương ứng thì sẽ được hưởng lợi từ lương mới.

Có thể thấy, giáo viên THCS được tăng lương nhiều nhất trong tất cả giáo viên các cấp. Đối với giáo viên mầm non, tiểu học chỉ được hưởng mức lương cao nhất của giáo viên cấp mình nếu thông qua kỳ thi/xét thăng hạng. Còn giáo viên THPT về cơ bản là không thay đổi cách xếp lương, bổ nhiệm.

Và chỉ khi giáo viên đạt đủ trình độ yêu cầu của hạng tương ứng thì sẽ được hưởng lợi từ lương mới. Các giáo viên chưa đạt chuẩn tại thời điểm 20/3/2021 có thể sẽ chịu nhiều thiệt thòi hơn các đồng nghiệp khác.

Tuy nhiên, bài toán tăng lương cho giáo viên hay trả lương theo vị trí việc làm hiện không dễ dàng. Trước đó, Bộ Tài chính đã đề nghị Chính phủ trong năm 2021 chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng. Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm cũng lùi thời điểm áp dụng đến 1/7/2022 thay vì từ năm 2021.

Bà Trương Thanh Nhuận- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long- cho biết: Hiện nay Bộ GD- ĐT mới ban hành thông tư, chưa hướng dẫn chi tiết triển khai thực hiện. Sở đang tiến hành rà soát giáo viên trong toàn tỉnh theo tinh thần thông tư của Bộ GD- ĐT để tham mưu với UBND tỉnh.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN