Thực hiện Đề án "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng", 5 năm qua, Vĩnh Long đã xây dựng và phát triển nhiều mô hình khuyến học hiệu quả.
Đại diện các mô hình học tập tiêu biểu được nhận bằng khen của UBND tỉnh. |
Thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng”, 5 năm qua, Vĩnh Long đã xây dựng và phát triển nhiều mô hình khuyến học hiệu quả.
Từ gia đình, dòng họ khuyến học…
Những năm qua, công tác vận động xây dựng các mô hình học tập của Hội Khuyến học các cấp đã góp phần quan trọng nâng cao ý thức học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân ngày càng được củng cố, nâng cao. Từ đó, xuất hiện nhiều gia đình, dòng họ học tập tiêu biểu.
Gia đình thầy Lê Văn Mười (ấp Trung Trạch, xã Trung Thành- Vũng Liêm) là một trong số những gia đình học tập tiêu biểu của tỉnh. Thầy Mười chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình lúc mới giải phóng còn rất nhiều khó khăn, vợ chồng tôi đều là giáo viên, không có ruộng vườn, chỉ sống bằng phụ cấp rất ít ỏi của thời kỳ bao cấp nhưng chúng tôi đã cố gắng các con tôi được đi học đàng hoàng”.
Trong 3 người con của thầy Mười thì có 2 tốt nghiệp ĐH, 1 tốt nghiệp CĐ. Hiện nay các con đã có việc làm ổn định và có gia đình riêng. Thầy Mười cười cho hay: “Các cháu nội ngoại đều ngoan hiền, học tập từ khá trở lên”.
Chia sẻ kinh nghiệm, thầy Mười và vợ luôn tạo điều kiện về phương tiện học tập cho con cháu. “Gia đình chúng tôi từ trước đến nay đều đọc nhiều thông tin trên sách báo, điện thoại, ti vi,… khuyến khích con cháu học tập trên lớp và xem các thông tin bổ ích để nâng cao kiến thức”- thầy nói.
Song song với những gia đình học tập, Hội Khuyến học các cấp cũng đã góp phần xây dựng những “Dòng họ học tập”.
Bà Văn Lệ Trinh- Đại diện dòng họ Văn (ngụ Phường 3- TP Vĩnh Long) cho biết: “Năm 2016, nhận thức rõ chủ trương của Hội Khuyến học các cấp về việc xây dựng “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, chúng tôi thành lập Ban Khuyến học dòng họ Văn”.
Dòng họ có sổ sách ghi chép lại cẩn thận để các thế hệ sau này biết được tổ tiên, ông bà trong họ đã học tập, sinh hoạt và thành đạt như thế nào.
“Lúc mới thành lập, Ban Khuyến học dòng họ Văn chỉ có 6 hộ gia đình nay chúng tôi đã có 12 hộ gia đình với 29 hội viên. Ban tập trung vào việc tuyên truyền vận động phát triển thêm hội viên, vận động gây dựng quỹ và chăm lo đến hoạt động khuyến học, khuyến tài”- bà Văn Lệ Trinh cho biết.
Nhờ đó, tất cả con cháu trong độ tuổi đều được đến trường học tập, đặc biệt là không có trẻ em trong họ bỏ học, không có cháu nào vi phạm pháp luật và mắc các tệ nạn xã hội.
Hàng năm vào ngày mồng 1 tết, tại từ đường dòng họ Văn, Hội đồng gia tộc tổ chức họp mặt tất cả các thành viên trong họ, con cháu mọi nơi về từ đường dâng hương tưởng nhớ tổ tiên. Bên cạnh sum họp, thăm hỏi người thân, bái tế tổ tiên, mừng tuổi, chúng tôi còn phát thưởng cho con cháu.
Bà Văn Lệ Trinh nói: “Đến nay dòng họ Văn đã có 2 thạc sĩ Nha, 1 tốt nghiệp ĐH Dược, 1 có bằng ĐH thú y, 1 tốt nghiệp ĐH Tôn Đức Thắng và 1 cháu đang học ĐH Y TP Hồ Chí Minh. Số còn lại thì đều có công ăn việc làm ổn định”.
… Đến cộng đồng học tập
Từ những gia đình, dòng học khuyến học các hội khuyến học cơ sở hướng tới xây dựng một đơn vị, một cộng đồng học tập. Tổng kết 5 năm (2016- 2020), hội đồng bình xét các cấp đã chọn được 1.413 mô hình học tập tiêu biểu xuất sắc để đề nghị UBND và Hội Khuyến học các cấp khen thưởng.
Chi hội Khuyến học ấp Thái An (xã Thanh Bình- Vũng Liêm) là 1 trong 12 ấp của xã Thanh Bình đã được Huyện hội Khuyến học Vũng Liêm công nhận ấp học tập giai đoạn 1, ngày 20/5/2013. Ông Tô Văn Triên- Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học ấp Thái An cho biết: “Ấp Thái An có 250 hộ dân với 1.051 nhân khẩu. Ấp có 15 tổ khuyến học gắn liền với 15 tổ nhân dân tự quản.
Ban vận động ấp tổ chức được 1 Ban khuyến học dòng họ Nguyễn với 17 hộ và 1 Ban khuyến học họ Dương với 22 hộ thành viên. Cả 2 dòng họ đều đạt “Dòng họ học tập” từ năm 2016 đến nay”.
Điểm đặc biệt của Chi hội Khuyến học ấp Thái An là ngoài vận động quỹ khuyến học hỗ trợ cho học sinh nghèo, cận nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chi hội còn có tủ sách được đặt ở trụ sở làm việc. Nơi này rộng 90m2, có tủ sách để nhân dân tham khảo như: sách pháp luật, kinh tế, xã hội, sách nông nghiệp.
Ấp có sân cầu lông, sân bóng chuyền để cho người dân tập luyện và rèn luyện sức khỏe; có đội đờn ca tài tử thường xuyên tập luyện và giao lưu; có 6 điểm kết nối Internet. Tất cả các hộ dân trong ấp đều có tivi để học tập, theo dõi tin tức thời sự và giải trí.
“Trước đây ấp có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nhất trong xã, đến nay ấp Thái An còn 3/265 hộ nghèo, tỷ lệ: 1,13%- thấp hơn bình quân toàn xã khoảng 0,5%. Tôi cho rằng nhờ học tập mà góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho hộ gia đình”- ông Tô Văn Triên nói.
Ông Phạm Văn Hồng- Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Vĩnh Long- cho biết: “Thông qua cuộc vận động xây dựng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” trong nhân dân đã phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc ta để xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước”.
Có thể thấy, học tập thường xuyên, học tập suốt đời vừa là nhu cầu vừa là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân để đóng góp vào công cuộc xây dựng xã hội học tập của đất nước.
Phát biểu tại Đại hội “Biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu xuất sắc tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2016- 2020”, ông Bùi Văn Nghiêm- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- đề nghị Hội Khuyến học các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng chính sách của Nhà nước về xây dựng xã hội học tập; thực hiện tốt phương châm “Đảng lãnh đạo, chính quyền thực hiện, mặt trận và các hội đoàn thể vận động”, tạo điều kiện cho các thành viên tích cực tham gia xây dựng các mô hình học tập; nâng cao chất lượng công tác giám sát việc xây dựng mô hình cộng đồng học tập tại các xã- phường và các mô hình học tập trong toàn tỉnh. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin