Xây dựng thương hiệu bằng chất lượng

06:09, 20/09/2020

Sau 5 năm được nâng cấp lên cao đẳng (CĐ), Trường CĐ Nghề Vĩnh Long đã khẳng định chất lượng, vai trò và vị trí của mình bằng: đội ngũ cán bộ giảng viên không ngừng nâng cao trình độ và kỹ năng nghề, tỷ lệ học sinh- sinh viên ra trường có việc làm ngay trên 90%. 

Sau 5 năm được nâng cấp lên cao đẳng (CĐ), Trường CĐ Nghề Vĩnh Long đã khẳng định chất lượng, vai trò và vị trí của mình bằng: đội ngũ cán bộ giảng viên không ngừng nâng cao trình độ và kỹ năng nghề, tỷ lệ học sinh- sinh viên ra trường có việc làm ngay trên 90%. Nhờ đó, tạo được niềm tin đối với phụ huynh và học sinh, nhiều năm liền nhà trường đạt chỉ tiêu tuyển sinh.

Lớp học văn hóa ban đêm của học sinh Trường CĐ Nghề Vĩnh Long muốn có bằng tốt nghiệp THPT.
Lớp học văn hóa ban đêm của học sinh Trường CĐ Nghề Vĩnh Long muốn có bằng tốt nghiệp THPT.

Nâng cao chất lượng

Xác định nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên là nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục, Trường CĐ Nghề Vĩnh Long luôn khuyến khích và hỗ trợ giảng viên học tập nâng cao trình độ.

Ông Trần Anh Tuấn- Hiệu trưởng trường- cho biết: “Từ 5 giảng viên có trình độ thạc sĩ năm 2014 đến nay, chúng tôi đã có 31 giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên”.

Tổng số viên chức và người lao động của trường là 103 người hầu hết cán bộ và giảng viên đều tốt nghiệp ĐH chuyên ngành.

Có 57 giảng viên tốt nghiệp ĐH chuyên ngành; trong đó, trình độ thạc sĩ là 31 người, chiếm trên 54% và 30 giảng viên đạt chuẩn kỹ năng nghề quốc gia bậc 3/5, chiếm gần 53%. Hiện tại có 2 giảng viên đang theo chương trình nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc và trong nước.

Nhằm thực hiện tốt phương châm “Nhà trường gắn liền với doanh nghiệp”, Trường CĐ Nghề Vĩnh Long đã tăng cường quan hệ, ký kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Kết quả đã quan hệ hợp tác với hơn 60 doanh nghiệp, tổ chức ký kết ghi nhớ hợp tác đào tạo cung ứng nguồn lao động có tay nghề với 16 doanh nghiệp.

Nhà trường và doanh nghiệp cam kết phối hợp đào tạo, cung ứng và tuyển dụng nguồn học sinh- sinh viên của trường; ngoài ra doanh nghiệp còn tham gia đóng góp vào chương trình đào tạo…

Học sinh Hứa Thành Công- năm 2 ngành kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí (quê Thạnh Trị- Sóc Trăng) cho biết: “Em được các thầy tư vấn và chọn học trường này. Sau hơn 1 năm học em thấy tự tin và rất thích ngành học của mình. Em đang mong chờ được đi học tại doanh nghiệp sắp tới”.

Trong năm học 2019- 2020, các doanh nghiệp đã nhận 557 học sinh- sinh viên đến thực tập, 188 học sinh- sinh viên đến học tập.

Ông Võ Thanh Toàn- Phó Phòng Đào tạo Trường CĐ Nghề- cho rằng: “Nhờ đó đã góp phần giúp học sinh- sinh viên của trường tiếp cận được với nhiều công nghệ- kỹ thuật mới tiên tiến hiện đại từ thực tiễn, nâng cao kỹ năng tay nghề và tốt nghiệp ra trường tìm được việc làm ngay”.

Đối với em Tưởng Nguyễn Duy Tiến- sinh viên năm 3 ngành Điện công nghiệp (quê Châu Thành- Đồng Tháp) thì: “Em thích học ở đây vì thầy cô giảng dễ hiểu, em được thực hành nhiều, trường có đầy đủ trang thiết bị. Ra trường, em sẽ theo các anh của em đi làm công trình”.

Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Giới thiệu việc làm, có trên 90% học sinh- sinh viên của trường đã tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn đã được đào tạo.

Khẳng định uy tín

Giờ thực hành ở Trường CĐ Nghề Vĩnh Long.
Giờ thực hành ở Trường CĐ Nghề Vĩnh Long.

Năm học 2020- 2021, Trường CĐ Nghề Vĩnh Long đã tuyển sinh được 663 học sinh- sinh viên nhập học, đạt tỷ lệ 110,5% so với chỉ tiêu được giao. Đây là năm thứ 5 liên tiếp trường này tuyển sinh đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Trong đó, hệ CĐ có 105 sinh viên và hệ trung cấp có 558 học sinh.

Trong năm học 2019- 2020, học sinh đủ điều kiện dự thi là 441 học sinh, trong đó số học sinh thi đạt là 411, đạt 93,2%. Với số học sinh có việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường là 90%.

Được phân thành 16 lớp, gồm những nghề: công nghệ ô tô, cắt gọt kim loại, điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, điện dân dụng, kỹ thuật sửa chữa và lắp ráp máy tính, quản trị mạng máy tính, kế toán doanh nghiệp. Tổng số học sinh- sinh viên toàn trường hiện có 1.500 em.

Số lượng giảng viên có trình độ thạc sĩ của Trường CĐ Nghề Vĩnh Long từ năm 2014- 2019.
Số lượng giảng viên có trình độ thạc sĩ của Trường CĐ Nghề Vĩnh Long từ năm 2014- 2019.

Ngoài ra, nhà trường còn đào tạo thường xuyên các nghề ngắn hạn: sửa chữa máy may công nghiệp, lập trình tiện tự động CNC, sửa chữa máy lạnh, lái ô tô, lái mô tô. Tổng số học viên đã tốt nghiệp các lớp ngắn hạn hơn 2.200 người.

Nhà trường còn có trung tâm sát hạch lái xe mô tô hạng A1 đã được xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 10/2018 đến nay, kết quả sát hạch được gần 7.000 học viên.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Trường CĐ Nghề Vĩnh Long đã liên kết với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện Long Hồ tổ chức đào tạo song song: học nghề ban ngày và học văn hóa ban đêm gồm các lớp 10, 11, 12.

Thầy Đặng Văn Phúc Tâm- Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện Long Hồ- cho biết: “Đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người học, từ 1 lớp đầu tiên mở được 7 năm trước, năm học này có 17 lớp với 528 học sinh theo học.

Tỷ lệ học sinh của trung tâm tốt nghiệp THPT năm 2020 trên 92%. Ưu điểm của việc học thêm văn hóa ban đêm là các em chỉ học có 7 môn và chương trình học vừa sức hơn”.

Em Thạch Thị Sô Vết- học sinh năm 2 ngành công nghệ kỹ thuật ô tô (quê ở xã Tân Mỹ- Trà Ôn) đang cùng các bạn học lớp văn hóa ban đêm dành cho học sinh Trường CĐ Nghề muốn có bằng tốt nghiệp THPT.

Sô Vết cười, cho hay: “Học xong lớp 9 thì em xin ba mẹ cho lên trường này học nghề, ban đêm em học văn hóa. Bây giờ em đang học chương trình lớp 12. Em thấy chương trình vừa sức của em, em lại được học nghề em thích nữa”.

Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, Trường CĐ Nghề Vĩnh Long đã đào tạo những lao động có tay nghề, chuyên môn, kỹ thuật phục vụ cho xã hội gắn với nhu cầu doanh nghiệp và tạo được uy tín, thương hiệu cho mình.

Theo thầy Trần Anh Tuấn: Định hướng sắp tới, Trường CĐ Nghề Vĩnh Long sẽ mở thêm các ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và người học. Đa dạng ngành nghề, tăng quy mô để đáp ứng nhu cầu xã hội. Trăn trở của nhà trường hiện nay là học sinh thiếu điều kiện vui chơi, giải trí. Thầy Tuấn cho biết: “Sân bóng đá của trường rộng 3.500m2 nhưng nền đất sình lầy học sinh không chơi được. Ngoài ra, học sinh- sinh viên cũng cần có phòng thể dục thể thao với các dụng cụ cần thiết trong khi các em đang trong độ tuổi phát triển thể trạng. Trường đã tự chủ hoàn toàn về chi thường xuyên, riêng các đầu tư cơ sở vật chất này mong được tỉnh quan tâm hỗ trợ”.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh