Chuẩn bị hành trang vào lớp 1

03:08, 26/08/2020

Sự chuyển cấp từ bậc mầm non sang lớp 1 sẽ kéo theo những chuyển biến về mặt tâm lý và môi trường sinh hoạt, học tập của trẻ. Do đó, phụ huynh cần có những bước chuẩn bị để trẻ sẵn sàng vào lớp 1, nhất là không để trẻ bị "sốc" trước những thay đổi khi chuyển cấp.

 

Sự chuyển cấp từ bậc mầm non sang lớp 1 sẽ kéo theo những chuyển biến về mặt tâm lý và môi trường sinh hoạt, học tập của trẻ. Do đó, phụ huynh cần có những bước chuẩn bị để trẻ sẵn sàng vào lớp 1, nhất là không để trẻ bị “sốc” trước những thay đổi khi chuyển cấp.

Môi trường giáo dục mầm non chủ yếu vui chơi là chính. Ảnh minh họa
Môi trường giáo dục mầm non chủ yếu vui chơi là chính. Ảnh minh họa

Thay đổi thói quen cho trẻ

Giai đoạn chuyển từ mầm non sang lớp 1 sẽ có hàng loạt thay đổi về mặt tâm lý. Theo nhiều giáo viên bậc mầm non, nếu ở mầm non thì bậc học này các hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo thì khi vào lớp 1, hoạt động học tập lại là hoạt động chính. Đây có thể dẫn đến “cú sốc” tâm lý nếu phụ huynh không có sự chuẩn bị trước cho trẻ.

Trong khi đó, năm học 2020- 2021, lớp 1 sẽ là bậc học đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới với một số thay đổi nhất định. Đặc biệt là sự thay đổi về sách giáo khoa cũng sẽ là một trong những nguyên nhân khiến các em bị “sốc”…

Anh Nguyễn Khoa (xã An Phước- Mang Thít) cho biết, đứa con trai chuẩn bị vào lớp 1 nên ngoài việc cho con vui chơi thoải mái trong những ngày hè, cả gia đình hàng ngày đều tập cho con các kiến thức, kỹ năng tự lo cho bản thân.

“Quan trọng nhất là hướng dẫn cho cháu tính nề nếp, kỷ luật, thời gian ngủ và thức dậy đúng giờ, biết tự chăm sóc, vệ sinh cá nhân cho bản thân,… để cháu có thể thích ứng tốt hơn với môi trường học tập mới. Đồng thời cũng… dạy thêm cho con biết nhận diện các chữ cái để con khỏi bỡ ngỡ khi vào lớp 1”- anh Khoa chia sẻ.

Thầy Trần Hoàng Túy- Trung tâm Sáng tạo và Kết nối cộng đồng Vĩnh Long- chia sẻ, trẻ học mầm non sang lớp 1 là giai đoạn sẽ dễ bị sốc tâm lý nhất nên phụ huynh cần hết sức quan tâm, nhất là môi trường thay đổi từ học tập chủ yếu là chơi sang học tập là chính.

Thầy Trần Hoàng Túy chia sẻ thêm, phụ huynh phải tập cho trẻ sinh hoạt đúng giờ, biết tự soạn sách vở và đồ dùng học tập đầy đủ, tập tính kỷ luật, nề nếp,… “Có thể nói, trẻ từ bậc mầm non chuyển sang lớp 1 chính là một sự thay đổi môi trường lớn. Do vậy phụ huynh cũng cần thay đổi thói quen sinh hoạt của trẻ, cố gắng để các em thích nghi một cách nhanh nhất khi vào lớp 1.

Trong khi đó, nhiều giáo viên mầm non chia sẻ, khi ở bậc học mầm non, các em được cô giáo chăm sóc tận tình, mọi việc có thể chỉ mình cô giáo làm. Tuy nhiên, khi lên lớp 1, tất cả hoạt động đều do trẻ tự làm nên cần thiết phải có sự “tập tành” tại nhà trước khi các em vào lớp 1. Do đó, trong thời gian nghỉ hè, phụ huynh hãy dành nhiều thời gian hơn để chia sẻ và giáo dục con em mình…

Chuẩn bị hành trang vào lớp 1

Thầy Trần Hoàng Túy chia sẻ, phụ huynh cần lưu ý chuẩn bị cho các em khả năng tự phục vụ vì đây là kỹ năng rất quan trọng đối với trẻ mới vào lớp 1.

“Các cháu phải tự phục vụ mình, tự giải quyết vấn đề nên phụ huynh cần trao đổi, hướng dẫn. Nói chung, thời gian nghỉ hè của trẻ chuyển từ bậc mầm non lên lớp 1 ngoài vui chơi giải trí thì cũng cần học tập rất nhiều từ chính trong gia đình… Đồng thời giúp các em nhận biết các tình huống nguy hiểm, trang bị cho các em các kỹ năng mềm để có thể tự ứng phó một phần với các tình huống xấu có thể xảy ra…”

Tuy nhiên, lớp 1 sẽ có nhiều thay đổi, phụ huynh cần chuẩn bị tâm lý để trẻ nhanh chóng thích nghi với môi trường mới. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, lớp 1 sẽ có nhiều thay đổi, phụ huynh cần chuẩn bị tâm lý để trẻ nhanh chóng thích nghi với môi trường mới. Ảnh minh họa

Theo nhiều ý kiến các chuyên gia tâm lý, từ môi trường trẻ được tự do vui chơi sang một môi trường có nề nếp, kỷ luật hơn nên phụ huynh cần chuẩn bị những hành trang cho các bé. Ở bậc tiểu học, các em phải ngồi vào bàn, không được tự do chọn chỗ chơi hay nói chuyện trong giờ học.

Phụ huynh cần nói và phân tích rõ cũng như tập cho các trẻ làm quen ở nhà trước. Song song đó, cũng cần rèn luyện cho trẻ thói quen giơ tay phát biểu, biết lắng nghe người khác, biết tập trung chú ý nghe bài giảng. Những “hành trang” này phụ huynh nên tự tìm hiểu và diễn đạt, giáo dục con em mình theo cách dễ hiểu và cụ thể đối với từng bé…

Trong khi đó, nhiều phụ huynh thắc mắc là có nên cho trẻ đi học trước những môn cơ bản như Toán, Tiếng Việt hay không, vì sợ con mình không bắt được nhịp độ học tập ở môi trường mới. Vấn đề học thêm trước lớp 1 hiện nay cũng diễn ra tương đối phổ biến và cũng có sự tranh cãi nên và không nên cho trẻ đi học thêm? Tuy nhiên, có thể khẳng định, ngành giáo dục quy định không cho phép dạy thêm trước và có những quy định xử phạt khi có giáo viên vi phạm…

Chị Diễm Phượng (Phường 9- TP Vĩnh Long) cho biết, gia đình không có trẻ đi học thêm trước vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý của con. “Khi vào trường, chương trình giáo dục đại trà sẽ dạy kiến thức phù hợp với độ tuổi, tâm lý của trẻ. Do đó, không cần thiết phải cho đi học trước và chủ yếu cần quan tâm giáo dục con thay đổi thói quen trước khi vào lớp 1 là được…”- chị Phượng chia sẻ.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh