Những điểm cơ bản của dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

01:04, 29/04/2020

Ngày 28/4, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã chia sẻ những nội dung cơ bản của dự thảo phương án thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông (THPT) năm 2020.

Ngày 28/4, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã chia sẻ những nội dung cơ bản của dự thảo phương án thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông (THPT) năm 2020.

Theo đó, phương án tổ chức thi sẽ không có nhiều thay đổi so với năm 2019. Kỳ thi sẽ được tổ chức gọn nhẹ, tạo thuận lợi cho thí sinh, giảm áp lực, tốn kém cho xã hội mà vẫn đảm bảo kết quả thi chính xác, khách quan, tin cậy để xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp thông tin phục vụ đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông.

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2020 sẽ tổ chức thi 5 bài thi. Ảnh minh họa: TTXVN
Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2020 sẽ tổ chức thi 5 bài thi. Ảnh minh họa: TTXVN

Vẫn có điểm các môn thành phần trong bài thi tổng hợp

Theo dự thảo phương án thi, ba đối tượng tham gia dự thi gồm: Người học đã hoàn thành chương trình THPT hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT trong năm học 2019-2020; Người học đã hoàn thành chương trình THPT hoặc đã dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT nhưng chưa tốt nghiệp; Người học đã đỗ tốt nghiệp nhưng vẫn có nguyện vọng dự thi để lấy điểm xét tuyển vào đại học, cao đẳng.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 tổ chức thi 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổng hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội

Trong đó, Bài thi tổng hợp Khoa học tự nhiên gồm các câu hỏi của ba môn Vật lý, Hóa học và Sinh học; bài thi tổng hợp Khoa học Xã hội gồm các câu hỏi của ba môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân (đối với thí sinh là học sinh Giáo dục THPT); gồm các câu hỏi của hai môn Lịch sử, Địa lý (đối với thí sinh là học viên Giáo dục thường xuyên).

Bài thi tổng hợp có điểm toàn bài để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có điểm các môn thành phần phục vụ cho công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Thí sinh là học sinh THPT phải thi ba bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổng hợp (Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội).

Thí sinh là học viên Giáo dục thường xuyên phải thi hai bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và một bài thi tự chọn trong số 2 bài thi tổng hợp. Thí sinh giáo dục thường xuyên có thể dự thi môn Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Tinh thần là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.

Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng, thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm. Bài thi của thí sinh được chấm bằng máy tính với phần mềm chuyên dụng do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp. Bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.

Nội dung thi nằm trong Chương trình giáo dục THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, bám sát nội dung tinh giản chương trình đã được Bộ công bố. Đề thi sẽ giảm độ khó so với năm trước, nhưng vẫn đảm bảo độ phân hóa phù hợp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và cung cấp đề thi cho các địa phương để tổ chức thi đồng loạt cùng một thời điểm trong cả nước nhằm đảm bảo mặt bằng chất lượng chung và sự khách quan, công bằng trong xét công nhận tốt nghiệp. Trước mắt, Bộ sẽ xây dựng và công bố sớm đề thi tham khảo của kỳ thi.

Địa phương chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi

Điểm khác biệt trong cách thức tổ chức kỳ thi năm nay, đó là, thay vì Bộ Giáo dục và Đào tạo phải điều động gần 50 nghìn cán bộ, giảng viên đại học về coi thi, chấm thi, giám sát, thanh tra như những năm gần đây, năm nay, Bộ chỉ điều một số lượng nhỏ về giám sát, thanh tra thi để phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức Kỳ thi ở địa phương mình, từ các khâu in sao đề thi, coi thi, chấm thi trắc nghiệm, chấm thi tự luận, phúc khảo và xét công nhận tốt nghiệp THPT theo quy định của Quy chế thi.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra thực hiện quy chế thi trong tất cả các khâu của kỳ thi tại các địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức các đoàn do Thanh tra tỉnh chủ trì làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra thực hiện quy chế thi trong tất cả các khâu của kỳ thi tại địa phương.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Quy chế thi của Hội đồng thi địa phương.

Như vậy, ngoài các Đoàn Thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ có thanh tra của tỉnh cùng thực hiện thanh tra các khâu của kỳ thi.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện và sớm ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT, Quy chế tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Việt Hà  (TTXVN)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh