Nâng tầm cao, đào tạo nguồn nhân lực cao

02:04, 29/04/2020

45 năm sau ngày đất nước hoàn toàn độc lập, những ngôi trường giáo dục nghề nghiệp ngày nào trở thành trường CĐ, ĐH. "Giặt dốt" đã được diệt, những ngôi trường ĐH vươn mình nâng tầm cao mới, góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nước nhà.

45 năm sau ngày đất nước hoàn toàn độc lập, những ngôi trường giáo dục nghề nghiệp ngày nào trở thành trường CĐ, ĐH. “Giặt dốt” đã được diệt, những ngôi trường ĐH vươn mình nâng tầm cao mới, góp phần đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nước nhà.

Trường ĐH Cửu Long đã đào tạo cho vùng và cả nước trên 22.000 kỹ sư, cử nhân; trên 550 thạc sĩ.
Trường ĐH Cửu Long đã đào tạo cho vùng và cả nước trên 22.000 kỹ sư, cử nhân; trên 550 thạc sĩ.

Hình thành trong gian khó

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long đến nay có 60 năm hình thành và phát triển. Đây cũng là cái nôi cách mạng của học sinh- sinh viên (SV) Vĩnh Long. Tên gọi đầu tiên là Trường Kỹ thuật Vĩnh Long, sau ngày thống nhất đất nước, trường có tên mới là Trường Giáo viên dạy nghề Cửu Long.

PGS.TS. Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long chỉ dãy phòng thực hành cũ đã được nâng cấp mấy lần: “Những năm 1980, trường chỉ có dãy nhà xưởng thực hành này”. 

Thầy cũng là cựu học sinh trường này, đã gắn bó với trường gần 40 năm. Rồi thầy chỉ tay vào dãy nhà mới: “Sau đó thì dãy B và dãy C xuất hiện khang trang với đầy đủ cơ sở vật chất cho dạy và học như bây giờ”. Câu chuyện 45 năm nghe thật dài, bước khởi đầu của ngôi trường ấy là chỉ đào tạo 4 ngành, học sinh được 700- 800 em, giáo viên thì vài mươi người.

Năm 1978, Trường ĐH Xây dựng Miền Tây được chuyển từ Hậu Giang về Vĩnh Long, tiền thân là Trường Trung cấp Xây dựng số 8. Năm 2011, trường được nâng cấp thành Trường ĐH Xây dựng Miền Tây.

20 năm gắn bó với ngôi trường này, cô Trịnh Thị Thanh Hương- Trưởng Khoa Kinh tế- vẫn không quên: “Một thời gian khó, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng tình cảm thầy trò rất chan hòa”.

Rồi cô Hương dẫn chứng: “Hồi đó, cả trường có 1 phòng máy tính cho SV học với vài chục máy giờ hơn 300 máy cho SV, toàn trường có hơn 600 máy tính phục vụ giảng dạy”.

Trường ĐH Cửu Long là trường ĐH đầu tiên ở Vĩnh Long với tuổi đời 20 năm. ThS. Nguyễn Cao Đạt- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long- là 1 trong 10 nhà góp vốn sáng lập Trường ĐH Cửu Long, cho biết: “Tôi gắn bó với nhà trường đến nay được 20 năm 4 tháng, từng giữ các chức vụ: Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo, quyền Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng như bây giờ”.

Thầy Nguyễn Cao Đạt kể: Trước khi thành lập trường, những thành viên sáng lập đã đến Tây Ninh, Tiền Giang, rồi Vĩnh Long là điểm dừng chân thứ ba (vì lúc này nhiều tỉnh chưa có trường ĐH).

Nhận thấy Vĩnh Long là vùng đất học với các nhà lãnh tụ vĩ đại, nhà khoa học xuất chúng… “Chúng tôi quyết định thành lập trường ở đây và được lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long rất quan tâm hỗ trợ. Vĩnh Long chính là sự lựa chọn đúng đắn của chúng tôi”- thầy Nguyễn Cao Đạt nói.

Nỗ lực vươn cao

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long tự hào là nơi không có ranh giới giữa nhà trường và thực tế sản xuất.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long tự hào là nơi không có ranh giới giữa nhà trường và thực tế sản xuất.

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long hiện nay có khoảng 400 cán bộ, giảng viên, nhân viên, trong đó, 10,5% có trình độ tiến sĩ và có gần 10.000 SV đang theo học ở các hệ đào tạo.

Thầy Cao Hùng Phi cho rằng: “Thành tựu lớn nhất sau 45 năm giải phóng của nhà trường là đã khẳng định được uy tín, chất lượng trong lòng người dân ở ĐBSCL, để bà con yên tâm cho con em đến trường học tập”.

Có ngôi trường ĐH Cửu Long hôm nay là quyết tâm của những nhà sáng lập “nói là làm” để sau 3 năm thành lập là có một ngôi trường khang trang, có đủ tiện nghi cho 7.000 SV học tập, nay có thêm Nhà máy Năng lượng điện Mặt trời có công suất lớn nhất trong hệ thống các trường ĐH ở Việt Nam.

Thầy Đạt cười: “Tôi vẫn còn nhớ niềm vui của nhiều học sinh Vĩnh Long vì lần đầu tiên được học ĐH trên quê hương mình”.

Những SV Vĩnh Long đạt các giải thưởng trong nước, quốc tế, khả năng đáp ứng nhu cầu công việc,… cũng ngày một nhiều hơn, tốt hơn.

Điển hình là SV Nguyễn Tấn Toàn- Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long đã đạt giải nhất kỳ thi Tay nghề Asean và đại diện Việt Nam dự thi thế giới.

 “Đó là kết quả của một tập thể luôn xem sự nghiệp của trường là quan trọng nhất”- PGS.TS. Cao Hùng Phi nói. Trong tương lai, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long sẽ đi sâu vào nghiên cứu khoa học và hợp tác với các trường ĐH trên thế giới để nâng cao chất lượng giáo dục.

Bên cạnh đó, những chuyên ngành cũng thay đổi phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ và nhu cầu xã hội.

Qua 20 năm thành lập, xây dựng và phát triển, Trường ĐH Cửu Long đã đào tạo cho vùng và cả nước trên 22.000 kỹ sư, cử nhân; trên 550 thạc sĩ; nhiều cựu SV của trường đã trưởng thành, trở thành người lãnh đạo trong các doanh nghiệp, đơn vị, cơ quan. Một số trở thành thạc sĩ, tiến sĩ là giảng viên của ĐH Cửu Long và các trường ĐH khác trong vùng.

Có những em là cán bộ kỹ thuật có uy tín của các doanh nghiệp nước ngoài. Để có được những thành công này, ngoài nỗ lực của thầy và trò, thầy Nguyễn Cao Đạt không quên: “Chúng tôi luôn nhận được sự giúp đỡ chí tình của các cấp lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long”.

Đối với Trường ĐH Xây dựng Miền Tây, nơi chuyên đào tạo những kỹ sư xây dựng lành nghề với tỷ lệ SV có việc làm 95% thì thành công là kết quả phấn đấu của một tập thể.

TS. Trương Công Bằng- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Miền Tây- nói: “Để có được ngôi trường ĐH hôm nay, thầy trò đã đoàn kết cùng nhau vượt mọi khó khăn, thử thách, nỗ lực phấn đấu đưa nhà trường đến những thành tựu quan trọng”.

Mục tiêu của Trường ĐH Xây dựng Miền Tây là đào tạo đa ngành, đa hệ trong lĩnh vực xây dựng và các lĩnh vực kinh tế trọng tâm cho các tỉnh ĐBSCL. 

Phấn đấu đến năm 2030 đạt trình độ phát triển ngang bằng các trường ĐH có đẳng cấp trong nước, đến năm 2050 đạt trình độ tương đương ở khu vực Đông Nam Á và quốc tế.

Để đạt được điều này, TS. Trương Công Bằng cho biết: “Nhà trường sẽ kiện toàn bộ máy và phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ giảng viên đủ số và chất; phát triển công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học xây dựng chương trình đào tạo phù hợp nhu cầu xã hội.

Có thể nói, các trường ĐH ở Vĩnh Long đang vươn lên khẳng định chất lượng đào tạo, trở thành địa chỉ đáng tin cậy cho người dân, góp phần đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho Vĩnh Long và cả ĐBSCL.

TS. Đặng Huỳnh Mai- nguyên Thứ trưởng Bộ GD- ĐT, nguyên Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long

Ngay từ những ngày còn chiến tranh, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long luôn có những chủ trương, quyết sách đúng đắn mở đường cho giáo dục phát triển. Đào tạo nhân lực được lãnh đạo tỉnh chú trọng những chương trình học hệ B, dự bị ĐH, đào tạo theo địa chỉ sử dụng,… Nhờ đó, Vĩnh Long nhanh chóng có nguồn nhân lực chuyên môn. Cụ thể là trong thời điểm các tỉnh ĐBSCL còn thiếu giáo viên tiểu học thì tỉnh Vĩnh Long đã có đủ giáo viên. Tôi cho rằng hệ thống giáo dục ĐH, CĐ ở Vĩnh Long hiện nay rất tốt. Làm giáo dục phải có cái tâm tin tưởng vào con người, đừng quá chú trọng đầu vào, quan trọng là đầu ra. Khi SV yêu ngành nghề mình học, hết mình với nó và được những người thầy tâm huyết hướng dẫn sẽ học tốt, làm tốt.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh