Dịch COVID-19 khiến các trường ĐH phải tạm cho sinh viên (SV) ở nhà trong thời gian dài và hiện nhiều trường ĐH đang cho SV học online. Học trực tuyến bước đầu đã mang lại hiệu quả và phù hợp với tình hình. Tuy nhiên, hình thức này vẫn còn một số hạn chế, là bài toán đặt ra cho thầy và trò để cùng nâng cao chất lượng dạy và học.
Dịch COVID-19 khiến các trường ĐH phải tạm cho sinh viên (SV) ở nhà trong thời gian dài và hiện nhiều trường ĐH đang cho SV học online. Học trực tuyến bước đầu đã mang lại hiệu quả và phù hợp với tình hình. Tuy nhiên, hình thức này vẫn còn một số hạn chế, là bài toán đặt ra cho thầy và trò để cùng nâng cao chất lượng dạy và học.
Sinh viên Trường ĐH Cửu Long trong giờ học trực tuyến. |
Đầu tư, đổi mới
ThS. Nguyễn Cao Đạt- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long- vừa dạo quanh các phòng học trực tuyến xem tình hình các thầy cô giảng dạy.
Thầy cho hay: “Đa số SV có tham gia học đều đặn, khả năng hiểu bài tốt. Thanh tra đào tạo đã vào từng tài khoản kiểm tra, điểm danh số lượng SV học đạt loại khá”.
Tuy nhiên, những nơi có mạng Internet ổn định thì dĩ nhiên các em học tốt hơn là nơi sóng chập chờn. “Đây là những thách thức khi thực hiện hình thức đào tạo này”- ThS. Nguyễn Cao Đạt nói. Trường ĐH Cửu Long chỉ dạy những học phần lý thuyết trên mạng, riêng các học phần thực hành, thực tế,… thì phải đợi đến khi SV đi học tập trung trở lại.
Hiện tại, Trường ĐH Cửu Long viết chương trình chuẩn bị đào tạo từ xa và dự kiến đầu tư khoảng 1,6 tỷ đồng làm phòng studio.
Thầy Đạt nhận định: “Tình hình dịch bệnh thế này là dịp cho các trường phải tự đổi mới, thích ứng với tình hình hiện tại và cải thiện những điểm hạn chế. Tôi nghĩ trong tương lai hình thức dạy trực tuyến sẽ càng được ưa chuộng hơn và phát triển hơn”.
Trong khi đó, PGS.TS. Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long- cho biết: “May mắn của chúng tôi là đã có sẵn dàn siêu máy tính trị giá khoảng 5 tỷ đồng nên khi dạy trực tuyến không quá khó khăn. Mặc dù vậy, nhiều môn không thể dạy online được”.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long đã lên kế hoạch cho SV đi học lại vào đầu tháng 5/2020. Thầy cho rằng: “Tôi nghĩ sau khoảng thời gian học online tránh dịch này sẽ đào tạo được một lớp nhân lực thích ứng với công nghệ, kỹ thuật số”.
TS. Phan Anh Cang- Trưởng Khoa Công nghệ thông tin- Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long- cho hay: “Đa số SV đồng ý việc học trực tuyến và học khá đều đặn.
Giảng viên được tập huấn và có sự chuẩn bị từ trước nên không gặp nhiều khó khăn. Đối với các SV ngành công nghệ thông tin thì học online lại dễ dàng và phù hợp hơn”.
Khó khăn hiện nay là vấn đề này còn mới mẻ, giảng viên chưa có kinh nghiệm giảng dạy, SV chưa có thói quen học, hệ thống dạy học chưa chuyên nghiệp nên gây nhàm chán, không tạo ra hứng thú cho người học.
Sinh viên phải chủ động
Không trực tiếp gặp thầy cô trên lớp, học online có lợi là thuận tiện nhưng lại là cơ hội cho những SV lười học. Không ít SV không thèm vào học hoặc chỉ vào điểm danh rồi đi đâu không ai biết! SV Trịnh Ngọc Mai Khanh- ngành công tác xã hội, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long- đang học trực tuyến 6 môn.
Mai Khanh cho biết: “Em ở TP Vĩnh Long nên mạng ổn định không bị giật, nghe rõ. Một vài bạn trong lớp vùng sâu học khó khăn hơn”.
Nhiều học phần thực hành, sinh viên không thể học trực tuyến. |
Theo Khanh thì việc học trực tuyến đòi hỏi tinh thần tự nguyện, tự giác của SV rất cao nên các bạn chịu học thì sẽ học được. Trái lại, SV lười học có thể sẽ học tệ hơn khi học trực tiếp trên lớp vì khi học trực tuyến thì khó giám sát.
Song song đó, dạy online chỉ đáp ứng cho một bộ phận SV ở những nơi có điều kiện. SV của trường không chỉ có ở các đô thị mà có cả những vùng nông thôn khó khăn. Nhiều gia đình không lắp đặt Internet hoặc nếu có thì tốc độ đường truyền thấp không đủ đáp ứng để học online nên bộ phận này sẽ thiệt thòi.
Trong thư viện Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, Huỳnh Đắc Sơn Tiền- SV năm 3 ngành Điện- Điện tử đang học online. Học kỳ 2 này, Tiền học 26 tín chỉ và em đang học online 8 môn.
Sơn Tiền cho hay: “Em ở Đồng Tháp, khu vực sóng yếu em lại không có laptop nên dù được nghỉ học em vẫn lên trường học online”.
Nói về những khó khăn so với học trực tiếp, Sơn Tiền cười ngượng ngùng: “Em đã ngủ gật trong giờ học 2 lần rồi. Học trực tuyến thầy cô cho nhiều bài tập hơn và thời gian tự học nhiều, có khi em dành cả ngày để làm bài tập”.
Dạy và học trực tuyến là hình thức phù hợp trong thời gian nghỉ dài chống dịch COVID-19. Đây cũng là cơ hội và thách thức cho các trường nếu muốn nâng chất dạy học theo hình thức này. Đối với SV thì việc dạy học này đòi hỏi sự chủ động, tinh thần tự học cao.
Dạy học trực tuyến ngoài đầu tư cơ sở vật chất còn đòi hỏi giảng viên phải có tâm huyết và dành nhiều thời gian cho việc xây dựng bài giảng, kiểm tra bài tập và trao đổi với SV. Việc thiết kế bài giảng online phải phù hợp với đối tượng và chia nhỏ học phần thành các chủ đề, phải có đánh giá xem SV có hiểu bài không. Vấn đề này cần thời gian để thầy và trò cùng thích nghi. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin