Thái Bình- Vĩnh Long, 60 năm "gừng cay muối mặn"

06:02, 03/02/2020

Khi đất nước bị chia cắt làm 2 miền Nam- Bắc (1954 theo Hiệp định Genève) thì miền Bắc tổ chức các phong trào "Vì miền Nam ruột thịt" mang đậm nghĩa tình Bắc Nam. Nhiều tỉnh- thành ở 2 miền kết nghĩa với nhau. Ngày 20/3/1960, 2 tỉnh Thái Bình và Vĩnh Trà (lúc này gồm 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh) kết nghĩa.

Khi đất nước bị chia cắt làm 2 miền Nam- Bắc (1954 theo Hiệp định Genève) thì miền Bắc tổ chức các phong trào “Vì miền Nam ruột thịt” mang đậm nghĩa tình Bắc Nam. Nhiều tỉnh- thành ở 2 miền kết nghĩa với nhau. Ngày 20/3/1960, 2 tỉnh Thái Bình và Vĩnh Trà (lúc này gồm 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh) kết nghĩa.

Chính những tình cảm đồng bào ruột thịt không có quyền lực, không có vĩ tuyến nào chia cắt được, đã làm nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc Việt Nam; làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975 vang dội để đất nước thống nhất “Bắc Nam sum họp một nhà”.

Những giáo viên Thái Bình đã góp phần xây dựng nền giáo dục Vĩnh Long từ khi mới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Những giáo viên Thái Bình đã góp phần xây dựng nền giáo dục Vĩnh Long từ khi mới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

“Cõng chữ” vượt Trường Sơn

Năm 1960, theo chủ trương của Đảng, Chính phủ, tỉnh Thái Bình kết nghĩa với tỉnh Vĩnh Trà. Thái Bình trên con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa, là quê hương “5 tấn” đầu tiên của cả nước, cùng với các tỉnh miền Bắc làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam trong sự nghiệp chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc theo lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn…

Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”.

Do điều kiện lúc đó, Thái Bình chủ yếu hỗ trợ Vĩnh Trà về nhân lực trên lĩnh vực giáo dục. Đây là lực lượng quan trọng, góp phần đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng Vĩnh Long trong kháng chiến và bước đầu xây dựng xã hội chủ nghĩa sau ngày giải phóng.

NGND. TS. Đặng Huỳnh Mai- nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nguyên Giám đốc Sở GD- ĐT tỉnh Cửu Long, tỉnh Vĩnh Long cho biết: Ngay từ đầu những năm 60 của thế kỷ XX, từng đoàn giáo viên miền Bắc, trong đó có tỉnh Thái Bình đã lên đường vượt Trường Sơn vào miền Nam để đào tạo giáo viên cho 6 tỉnh: Cà Mau, Rạch Giá, Sóc Trăng, Cần Thơ, Trà Vinh và Vĩnh Long. Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất, Thái Bình là tỉnh chi viện giáo viên cho tỉnh Vĩnh Long nhiều nhất.

Nhiều thầy giáo từ Thái Bình vì miền Nam, vì kháng chiến thắng lợi đã vượt Trường Sơn vào đây đã tạm gác lại nỗi nhớ nhà, trực tiếp mở và phụ trách các trường sư phạm vừa giảng dạy học sinh vừa đào tạo giáo viên.

Năm tháng chiến tranh ác liệt, các thầy cô giáo 2 tỉnh Thái Bình và Vĩnh Long đã cùng nhau đi giảng dạy dưới bom đạn của giặc, cùng lao động, cùng chiến đấu, cùng góp phần xây dựng Vĩnh Long đến ngày nay.

Phát biểu tại buổi gặp mặt tri ân nhà giáo đi B, tháng 5/2018 tại Thái Bình, đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long- gửi lời tri ân sâu sắc đến tất cả các nhà giáo, những người đã dành trọn tâm huyết và ý tưởng của mình để vun đắp cho ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Long qua nhiều thời kỳ. Đó là những cống hiến to lớn, tận tụy với nghề của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, trong đó có sự đóng góp vô cùng quý báu của thầy cô giáo kháng chiến và những người chi viện từ Thái Bình đến với Vĩnh Long. Đồng chí mong muốn các thầy cô giáo sống vui, sống khỏe, làm cầu nối thắt chặt hơn nữa tình cảm giữa Thái Bình và Vĩnh Long.

Chúng tôi đến nhà ông Phạm Đình Lộc (Năm Lộc)- nguyên Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long (nay 73 tuổi) và những câu chuyện hơn 60 năm về trước được ông Năm kể lại tươi nguyên như thuở ban đầu.

Ông Năm Lộc là người đầu tiên của quê hương kết nghĩa Thái Bình đến Vĩnh Long hỗ trợ.

Năm 1968, người giáo viên trẻ Phạm Đình Lộc mới 22 tuổi được phân công về miền Nam.

Ông Năm Lộc cười: “Vác ba lô trên vai, ròng rã mấy tháng trời, vượt Trường Sơn về tới Cà Mau thì quần áo “te tua”. Người miền Nam vỗ vai tôi ngay mới lần đầu gặp mặt và chất phác hỏi thăm”.

Những năm tháng ấy có quá nhiều kỷ niệm không thể nào quên, những tình cảm giữa người với người trong gian khó, những bữa ăn cơm nguội mang theo từ tối, cơm sấy ngâm nước lạnh, mì sống…

Đầu năm 1971, ông Năm Lộc được phân công bám vùng “meo” xã Mỹ Hòa (huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) nhận được nhiều tình cảm chan chứa của nhân dân ở đây.

“Khi tôi rời đi chưa được bao lâu thì hay tin hộ dân tôi nương nhờ ở xã Mỹ Hòa bị thảm sát, 7 người trong gia đình cùng du kích xã hy sinh. Cháu nhỏ nhất mới 3 tuổi”- ông nhìn xa xăm.

Năm 1972, khi mở Trường Nội trú Lưu Văn Liệt ở huyện Vũng Liêm, ông Năm Lộc vừa là hiệu trưởng vừa làm thầy giáo.

Ông kể: “Học sinh từ 9- 15 tuổi, thời gian chạy giặc ngang với thời gian học. Tuy vậy, vẫn cố gắng để đúng chương trình”. Trường học nằm ở vùng giáp ranh giữa Vĩnh Long với Trà Vinh. Mỗi lần lính Sài Gòn mở đợt đi càn thì các thầy bồng bế học trò băng lộ qua tỉnh Trà Vinh lánh nạn.

Nhớ những ngày tháng về công tác ở Lục Sĩ Thành năm 1974, có đêm: “Chúng tôi trải những tấm đệm bàng, uống trà ăn kẹo đậu phộng tự làm, vừa ăn vừa ca hát. Người hát trước chỉ người hát sau.

Ca nhạc, ca cổ, ai biết gì hát nấy, chúng tôi gọi nhau là “hòa hợp dân tộc”- ông Năm Lộc kể và nói thêm- “Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ những ngày tháng đơn sơ mà vui vẻ, nghĩa tình như vậy”.

“Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”

Có những người con trên quê hương Thái Bình đã nối “dây tơ hồng” với những cô gái Vĩnh Long và định cư tại vùng đất này, mà ông Năm Lộc nói- như thơ Chế Lan Viên- là “tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”.

Trong thời gian dạy học ở Vũng Liêm, ông Năm Lộc gặp người nữ dân y Lê Thị Thu Hương. Cô Hương quý thầy giáo người Thái Bình cùng chí hướng, thương học trò,…

Cô Hương cười: “Mỗi lần thầy trò chạy giặc càn hay ngủ chuồng gà nhà tôi lánh nạn, thấy thương lắm nên tôi luôn quét dọn sạch sẽ. Riết rồi yêu và cưới nhau”. Từ đó, người con trai Thái Bình Phạm Đình Lộc gắn bó với Vĩnh Long, xem đây là quê hương thứ hai của mình.

Đối với ông Hai Thiều (Nguyễn Ngọc Thiều- sinh 1949)- nguyên Hiệu trưởng Trường Cấp II- III Vũng Liêm- thì Vĩnh Long là nơi lưu giữ thanh xuân, không bao giờ quên được.

Năm 1972, khi đang công tác tại Trường Sư phạm Thái Bình thì ông Hai Thiều được điều động đi chiến trường miền Nam, hỗ trợ anh em kết nghĩa Vĩnh Long. Vĩnh Long trong mắt thầy giáo Hai Thiều rất trù phú với nhiều cá tôm và thân thương quá đỗi.

“Tôi nhớ có lần cùng đồng đội là Năm Bình đi chài, bắt được rất nhiều tôm cá. Những lần trầm sông, rạch mò tôm, hai tay là hai con tôm to, thích ghê cơ”.

Nhớ những lần địch (lính Sài Gòn) càn vào cứ, tôi cùng mọi người ra chiến hào quanh trường chặn địch, rất nguy hiểm mà sao lúc đó chúng tôi cũng không sợ sống chết là gì cả. Rồi những ngày in tài liệu, truyền đơn tuyên truyền, cổ động kháng chiến, thanh niên tòng quân đánh giặc không mệt mỏi…

Năm 1971, Đoàn giáo viên tỉnh Thái Bình vào công tác ở tỉnh Vĩnh Long có 3 thầy là: Phạm Đình Lộc, Nguyễn Doãn Tịnh và thầy Tư Hoản. Đến 1972, có thầy Nguyễn Ngọc Thiều và thầy Nguyễn Quang Nhung, thầy Huỳnh Phước Hồng cùng được tăng cường về Vĩnh Long công tác và phụ trách mở trường sư phạm các cấp cho tỉnh.

Sau ngày miền Nam giải phóng, có 4 đợt tỉnh Thái Bình chi viện giáo viên vào tỉnh Cửu Long (Vĩnh Long và Trà Vinh) với số lượng gần 300 người. Trong đó, giáo viên người Thái Bình là nhiều nhất.

Ấn tượng nhất với ông Hai Thiều là ngày 30/4/1975: “Trên đường chạy tam bản (xuồng máy) rước một học sinh về trường, tôi ghé một gia đình xin nước uống.

Chủ nhà là một nông dân tuổi trung niên hỏi, có radio không? Tôi nói có. Chú kêu mở Đài Tiếng nói Việt Nam nghe, Dương Văn Minh đang đầu hàng đó!” “Vừa mở radio tôi vừa trèo lên cây xem xe chạy ngoài đường mà rơi nước mắt.

Đêm đó, tôi từ huyện Long Hồ chạy xuồng máy chở mọi người ra TX Vĩnh Long tiếp quản. Sau giải phóng, tôi về làm Hiệu trưởng Trường Cấp II- III Vũng Liêm.

Vài năm sau thì tôi về lại Thái Bình, đến nay đã mấy lần vào Vĩnh Long thăm đồng đội”- ông Hai Thiều kể.

Đoàn cán bộ, giáo viên tỉnh Vĩnh Long sau giải phóng cũng đã 2 lần đến Thái Bình để gặp gỡ, tri ân các nhà giáo đi B. Lần gần đây nhất là năm 2018.

NGND. TS. Đặng Huỳnh Mai- nguyên Thứ trưởng Bộ GD- ĐT, cho biết: Cách đây 23 năm, nhân dịp 20 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, UBND tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo Sở Giáo dục Vĩnh Long tổ chức một đoàn cán bộ, giáo viên kháng chiến, nhà giáo đi B, giáo viên chi viện vào miền Nam công tác, sau đó ở lại Vĩnh Long sinh sống để trở về giao lưu với các nhà giáo tỉnh Thái Bình.

Lần gặp gỡ giao lưu ấy đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng các nhà giáo đi B của cả tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Thái Bình, còn lần thứ hai, vào dịp sinh nhật Bác 19/5/2018.

Xa hơn, tháng 7/1975, đoàn cán bộ giáo viên Thái Bình cũng vào thăm Vĩnh Long. Ông Năm Lộc kể: “Hôm đó trời mưa, vậy mà bà con Vĩnh Long nghe nói đoàn Thái Bình vào thì đứng chờ bên đường để đón. Mặc kệ mưa, bà con chờ đông kịt từ phà Mỹ Thuận tới Phường 1”.

Có thể nói, những người anh em đến từ quê hương “5 tấn” ngày nào, dù có mặt trong những năm tháng chiến tranh ác liệt hay sau khi đất nước thống nhất để cùng đồng đội, đồng chí ở Vĩnh Long đồng cam cộng khổ khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định cuộc sống nhân dân, xây dựng chính quyền cách mạng luôn tự hào, trân trọng thời gian chúng ta đã cùng nhau xây dựng tỉnh Vĩnh Long phát triển như hôm nay nói chung và cho sự nghiệp trồng người nói riêng.

Xin cảm ơn những người anh, người chị Thái Bình đã chọn Vĩnh Long là đất dừng chân để công tác, để lập nghiệp và cùng người dân Vĩnh Long trải qua những năm tháng khó khăn, gian khổ nhất.

Thời gian và khoảng cách có thể làm thay đổi nhiều thứ nhưng những người con gắn bó giữa 2 quê hương sẽ luôn là cầu nối thắt chặt tình nghĩa Thái Bình- Vĩnh Long.

Tình cảm anh em Thái Bình- Vĩnh Trà còn được lưu truyền qua bài hát: “Hai chị em” của nhạc sĩ Hoàng Vân với lời giản dị, sâu lắng -“Cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh, chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình. Hai chị em trên hai trận tuyến, anh hùng bất khuất, trung hậu đảm đang...” .

Dấu ấn tình nghĩa anh em còn được thể hiện qua những địa danh. Tại TP Thái Bình có rạp chiếu phim mang tên Vĩnh Trà, sông Vĩnh Trà, phố Bắc Vĩnh Trà, Nam Vĩnh Trà. Ở Vĩnh Long từng có Sân vận động Vĩnh Thái, Cảng Vĩnh Thái (ghép tên Vĩnh Long- Thái Bình) hay Trường Trung học Thái Bình (Trà Vinh).

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh