Tình trạng in lậu sách giáo khoa, sách tham khảo (SGK, STK) cùng hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động xuất bản đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp và kinh tế của tác giả, nhà xuất bản (NXB) cũng như các em học sinh.
Tình trạng in lậu sách giáo khoa, sách tham khảo (SGK, STK) cùng hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động xuất bản đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp và kinh tế của tác giả, nhà xuất bản (NXB) cũng như các em học sinh.
Tuy nhiên, chế tài xử phạt nhẹ cũng như sự quản lý của các cơ quan chức năng còn hạn chế khiến chưa thể kiểm soát, xử lý dứt điểm hoạt động này.
Ảnh minh họa. Nguồn: thethaovanhoa.vn |
Những ngày cuối tháng 5 vừa qua, Đội quản lý thị trường số 24, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội tiến hành kiểm tra, phát hiện một kho chứa số lượng lớn SGK, STK không rõ nguồn gốc tại xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.
Tại hiện trường, hơn 40.000 ấn phẩm là SGK, STK từ lớp 1 đến lớp 12 và hơn 30.000 băng, đĩa phục vụ công tác giảng dạy, truyện tranh làm giả NXB Giáo dục Việt Nam đang được đóng gói, đưa ra thị trường tiêu thụ.
Qua kiểm tra, phần nội dung một số ấn phẩm bị sai lệch, lỗi câu, từ hoặc các phép toán; số trang bị thiếu, từ tiếng Anh bị nhòe, mất nét, sai dấu, từ mã vạch đến tem chống hàng giả đều được làm giả tinh vi.
Chủ cơ sở khai nhận đã mua hàng từ một cơ sở in không được cấp phép, thu gom sách trôi nổi trên thị trường để chuẩn bị cung cấp cho các đại lý kinh doanh sách đón đầu năm học sắp tới.
Chủ cửa hàng chỉ mở kho sách vào ban đêm để vận chuyển bằng xe tải nhỏ tới cửa hàng và có nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm đối phó với lực lượng chức năng.
Ông Nguyễn Huy Cường, Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 24, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội cho biết: "Theo tài liệu ban đầu chúng tôi có được, đây là đối tượng chuyên cung cấp sách cho địa bàn huyện Hoài Đức và bán buôn đi các tỉnh.
Với những thủ đoạn rất tinh vi, đối tượng này có một cửa hàng bán sách thật, nếu ai đến mua nhiều hoặc mua buôn họ mới dẫn về kho để lấy.
Chúng tôi đã theo dõi đối tượng trong một thời gian dài mới phát hiện được kho sách này. Còn nếu kiểm tra tại cửa hàng thì chỉ có 1/3 là sách giả không có hóa đơn chứng từ, còn lại là sách thật".
Tác giả các cuốn sách và NXB chịu trách nhiệm phát hành sách sẽ là những cơ quan đầu tiên chịu hậu quả của nạn sách lậu, sách giả.
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Phạm Quỳnh, Phó giám đốc phụ trách nội dung Công ty Cổ phần Sách giáo dục tại TP Hà Nội cho biết: "Sách in lậu không phải trả tiền mua bản quyền cũng như các chi phí: Nhuận bút, biên tập... nên chi phí sản xuất giảm đáng kể. Với giá bán thấp hơn so với sách thật, loại sách này được tiêu thụ rất nhanh.
Sách bị in lậu nhiều nhất là các STK, SGK tiếng Anh, sách Mỹ thuật... Tuy nhiên, sách in lậu thường không bảo đảm về kênh chữ, kênh hình và những tiện ích hỗ trợ kèm theo.
Ví dụ, SGK tiếng Anh, kèm theo sách còn có đĩa file âm thanh để hỗ trợ các em học sinh kỹ năng nghe-nói. Mỗi đĩa kèm theo đều có tem chống hàng giả và một mã code để học sinh đăng nhập vào website của NXB và tải nội dung bài học.
Sách giả không thể làm được mã code này nên các đĩa kèm theo không thể sử dụng được. Nếu các em học sinh mua phải sách tiếng Anh giả sẽ ảnh hưởng đến việc học tập.
Trước nạn in sách lậu, sách giả, các NXB đã phải nâng cao chất lượng sách, giảm giá bán, dùng tem chống giả, quản lý chặt chẽ công tác phát hành… để hạn chế tình trạng làm giả.
Tuy nhiên chỉ sau một thời gian áp dụng, các cơ sở in sách lậu sẽ làm giả được ngay với mức độ rất tinh vi. Các NXB cũng đã quan tâm và triển khai nhiều biện pháp để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời.
Tuy nhiên, do hoạt động in lậu ngày càng phức tạp, tinh vi, nguồn lực thanh tra, kiểm tra còn mỏng nên việc kiểm soát tình trạng in lậu tuy có kết quả bước đầu nhưng chưa được như mong muốn.
Ông Phạm Quỳnh cho rằng: "Các biện pháp chống sách lậu bằng việc xử phạt như hiện nay là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe và hạn chế tình trạng này. Vì thế, nhiều cơ sở in lậu sẵn sàng nộp phạt hành chính và tiếp tục tái diễn sai phạm. Nguyên nhân chính là chế tài, khung hình phạt chưa đủ mạnh.
Mức xử phạt hành vi in, phát hành sách lậu, sách giả, cần phải nâng cao cả mức phạt hành chính và khung hình phạt hình sự để có thể chấm dứt tình trạng này".
Năm học cũ đã kết thúc, đây cũng là thời điểm phụ huynh học sinh đang chuẩn bị sách, vở năm học mới cho con em mình. Chính vì vậy, thị trường SGK, STK đang trở nên sôi động. Cùng với đó, việc in ấn, kinh doanh sách lậu, sách kém chất lượng cũng có cơ hội phát triển.
Chống nạn in lậu là việc làm cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các đơn vị xuất bản chân chính.
Đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị có liên quan tăng cường phối hợp trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng nên tẩy chay sách lậu bằng cách tìm mua sách ở những nhà sách, hiệu sách có uy tín.
Theo HUYỀN TRANG/QĐND
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin