Để làm tốt bài thi tổ hợp khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục Công dân) trong kỳ thi THPT quốc gia, học sinh cần nắm vững kiến thức học hiểu và rèn các kỹ năng cần thiết.
Để làm tốt bài thi tổ hợp khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục Công dân) trong kỳ thi THPT quốc gia, học sinh cần nắm vững kiến thức học hiểu và rèn các kỹ năng cần thiết.
Ôn tập môn Địa cần học hiểu các kiến thức kết hợp rèn kỹ năng xem atlat. |
Môn Lịch sử- học hiểu theo hệ thống
Với những con chữ chi chít cộng với mốc sự kiện, môn Lịch sử thường làm cho học sinh rối và dễ quên. Điều này thường thấy ở những học sinh “học vẹt”, do đó, hãy nói không với “học vẹt”. Đừng cố gắng nhồi nhét những con chữ, con số vào đầu một cách không hệ thống, không khoa học.
Cô Bùi Thị Mỹ Lệ- Tổ phó Tổ Sử địa, Trường THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn)- cho biết: Đối với môn Lịch sử, học sinh phải xâu chuỗi kiến thức, ôn thi bằng sơ đồ tư duy.
Dựa theo đề minh họa của Bộ GD- ĐT thì kiến thức cho trong đề chủ yếu là lớp 12, chiếm 90%; chương trình 11 chiếm 10%. Cô Lệ lưu ý: “Đề thi minh họa đã hạn chế ngày tháng năm, tuy nhiên các em phải nắm rõ từng giai đoạn và các mốc thời gian quan trọng”. Ví dụ: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời phải gắn đến nhiệm vụ, vai trò lịch sử của Nguyễn Ái Quốc.
Học sinh cũng cần lưu ý không “học tủ”, vì đề trắc nghiệm sẽ cho rải đều trong chương trình. “Đề thi trắc nghiệm thường dễ lầm lẫn, do đó, các em phải nắm vững kiến thức, thuộc để hiểu, học theo hệ thống sẽ dễ nhớ hơn”- cô Lệ khuyên.
Học Lịch sử phải theo lịch sử, không được nhảy giai đoạn. Lịch sử là một môn học có những giai đoạn lịch sử, mốc lịch sử cụ thể. Chính vì thế các em không nên đang học ở giai đoạn 1911- 1920 chưa xong mà nhảy sang học giai đoạn 1954-1975. Vì như vậy rất khó hệ thống và ghi nhớ được.
Môn Địa lý- chú ý rèn kỹ năng
Cô Nguyễn Kim Tuyền- Tổ trưởng Tổ Sử- Địa Trường THPT Lưu Văn Liệt (TP Vĩnh Long) cho rằng: Cách ôn thi môn Địa lý dễ nhớ là các em lập dàn ý chi tiết cộng với việc mở atlat Địa lý ra vừa quan sát vừa học.
Làm như vậy các em có thể đối chiếu được với tài liệu ôn tập. Đối với những học sinh muốn đạt điểm cao môn này thì nhất thiết phải đọc sách giáo khoa. Ngoài kiến thức chuẩn, đề thi Địa lý thường cho những kiến thức nho nhỏ trong sách giáo khoa.
Bên cạnh đó, cô Tuyền khuyên các em nên rèn luyện kỹ năng chú ý từ khóa, dấu hiệu để nhận biết. Đối với các câu hỏi cho 4 phương án, chọn phương án đúng nhất. Tăng cường khả năng đọc hiểu với tốc độ nhanh, chính xác và để làm việc này không cách nào khác là làm mỗi ngày.
Cô Tuyền chia sẻ: Sau khi đọc kỹ câu hỏi thì sử dụng phương pháp loại trừ để tìm câu trả lời phù hợp. Quan trọng nữa là các em phải biết phân bố thời gian làm bài thi. Những câu dễ chỉ cần vài giây là có thể làm xong, những câu khó hơn thì bình quân mỗi câu có thời gian suy nghĩ khoảng 1 phút.
Ngoài ra, nên chú ý nhận dạng các dạng biểu đồ, nắm vững các dạng và từ khóa. Cô Tuyền ví dụ: Sự thay đổi cơ cấu, cho số liệu từ 4 năm trở lên thì vẽ biểu đồ miền; sự tăng trưởng vẽ biểu đồ đường; cơ cấu đối tượng thời gian cho từ 3 năm trở xuống thì vẽ biểu đồ tròn; biểu đồ cột thì thể hiện giá trị của đối tượng; biểu đồ kết hợp thường cho 2 đơn vị khác nhau.
Một lưu ý cho học sinh là phải sử dụng atlat thường xuyên, nội dung cụ thể trang nào có cho sẵn trong yêu cầu. Các em phải thao tác nhanh chóng để tránh mất thời gian. “Đặc biệt, các em không nên chỉ lo học trong sách mà quên chú ý các vấn đề thời sự của đất nước, sẽ có đề cập trong đề thi”- cô Tuyền nhắc thêm.
Môn Giáo dục Công dân-phối hợp kiến thức bên ngoài
Cô Lê Thị Thủy Tiên- Tổ phó Tổ Lịch sử- Công dân (Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) chia sẻ: Đề thi vẫn nằm trong phần kiến thức 3 năm phổ thông, nhưng chủ yếu vẫn là chương trình lớp 12.
Đối với môn học này, đòi hỏi các em phải vận dụng cao các kiến thức để làm bài. Theo cô Tiên, các em nên nắm bắt kiến thức cho vững, học từ từ, từng bài nắm chắc kiến thức của bài đó theo nội dung mà giáo viên đã ôn tập trên lớp, tránh trường hợp để dồn kiến thức đợi đến khi thi mới học thì không được. Học sinh cũng không được bỏ phần nào hay “học tủ”.
Khi học sinh cần liên hệ thực tế, vận dụng kiến thức để giải quyết một số tình huống (phần vận dụng và vận dụng cao trong môn Giáo dục Công dân liên quan đến tình huống) thì cần cập nhật các kiến thức về pháp luật, gần gũi với thực tiễn cuộc sống (vì hầu hết chương trình Giáo dục Công dân lớp 12 là những kiến thức pháp luật).
Đặc biệt khi làm bài, các em nên suy nghĩ kỹ, câu nào dễ làm trước, câu khó làm sau và cân nhắc thời gian làm bài cho hợp lý (40 câu/50 phút).
Một số lưu ý đối với các em là căn cứ vào đề thi minh họa và đề thi thử của Bộ GD- ĐT, học sinh trung bình cũng có thể làm đạt từ 5- 6 điểm. Do vậy, để đạt điểm cao hơn thì các em cần lưu ý như: Cố gắng học thuộc bài trong sách giáo khoa và chuẩn kiến thức- kỹ năng; tham gia ôn tập đầy đủ và chú ý nghe giảng bài, tham gia phát biểu ý kiến xây dựng bài.
“Cần đọc báo, xem đài, cập nhật kiến thức để vận dụng kiến thức giải quyết tình huống liên quan; làm hết câu hỏi trắc nghiệm mà giáo viên đã giao tại lớp hay về nhà; khi thi các em phải làm hết tất cả các câu trong đề, không nên bỏ câu nào hết, khi đã chọn được đáp án thì tô liền, tránh để gần hết giờ mới tô rất dễ dẫn đến tô nhầm đáp án…”- cô Tiên chia sẻ.
Bài, ảnh: QUYÊN HUYỀN DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin