Một lần nữa vấn đề tự chủ đại học, tự do học thuật và hướng giáo dục đại học mở được các chuyên gia giáo dục, lãnh đạo nhiều trường đại học đặt ra trước khi Luật Giáo dục sửa đổi được thông qua.
Một lần nữa vấn đề tự chủ đại học, tự do học thuật và hướng giáo dục đại học mở được các chuyên gia giáo dục, lãnh đạo nhiều trường đại học đặt ra trước khi Luật Giáo dục sửa đổi được thông qua.
Quản lý hệ thống chưa nhiều thay đổi
Theo TS Vũ Ngọc Hoàng, Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, đặc điểm của một nền giáo dục đại học trưởng thành, thực chất, đúng nghĩa gồm tự chủ đại học và tự do học thuật.
Nếu không được tự chủ, nhất là tự chủ về chương trình và không có tự do học thuật thì đại học chưa phải là đại học. Ở nước ta, cho đến nay, vẫn chưa có tự chủ đại học theo nghĩa đầy đủ của vấn đề này. Cùng với đó, vấn đề tự do học thuật cũng bị hạn chế rất nhiều.
Tự chủ đại học- vấn đề được đặt ra rất nhiều nhưng giải quyết chưa được bao nhiêu. Ảnh: TTXVN |
Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này là do sự “hành chính hoá”, “chính trị hoá” khoa học và giáo dục. “Chính trị là một vấn đề rất quan trọng trong đời sống xã hội. Trong giáo dục rất cần thiết phải giúp cho người học tiếp cận với vấn đề chính trị. Nhưng đó là khoa học chính trị chứ không phải là học chính trị càng không phải là sự áp đặt chính trị vào trường học theo kiểu “chính trị hoá”.
Các nghị quyết của Trung ương và luật pháp do Quốc hội ban hành cần được giới thiệu cho sinh viên biết về lý do ban hành và nội dung chủ yếu, nhưng đó là công việc ngoại khoá, có tính chất “học chính trị”, chứ không phải là khoa học chính trị như chương trình chính khoá của các ngành liên quan.
Một nguyên nhân quan trọng được TS Vũ Ngọc Hoàng chia sẻ đó là, tự chủ đại học cần thiết phải có vai trò của một hội đồng trường thực chất là cơ quan quyền lực của nhà trường, không phải là một tập thể hình thức.
Hội đồng trường bao gồm những người đại diện cho các tổ chức, tập thể bên trong trường, đồng thời có đại diện của cộng đồng địa phương và mời một số nhà khoa học, quản lý giáo dục công lập tham gia. Hội đồng trường là cơ quan quyết định chức danh quản lý chủ chốt (hiệu trưởng) của trường, chứ không phải là một tập thể do hiệu trưởng quyết định.
Theo ông Dương Trường Phúc, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam hiện nay mặc dù có nhiều thay đổi so với trước đây nhưng việc quản lý hệ thống chưa có nhiều thay đổi. Ngoại trừ một số trường thuộc Đại học Quốc gia, tất cả các trường đại học công lập vẫn được quản lý theo cơ chế quản lý của thời kỳ bao cấp.
Các trường đại học công lập chịu sự xét duyệt từ số lượng tuyển sinh, chương trình đào tạo (chương trình khung), ngân sách tài chính, cho đến thù lao giảng viên, bổ nhiểm chức danh (GS, PGS).
“Các cơ chế quản lý của nhà nước hiện nay đối với các trường đại học công lập làm cho các trường đại học công lập có nguy cơ mất vị thế vì nguồn lực hạn chế nên không đảm bảo được chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học;
Thiếu sự hấp dẫn thu hút nhân tài, nhà khoa học có trình độ nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm, “chảy máu chất xám” và các nguồn lực đầu tư từ xã hội”, ông Dương Trường Phúc, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết.
Về vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết: Mặc dù các luật về giáo dục và Điều lệ trường đại học đã có quy định khá rõ về chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng đại học nhưng trên thực tế, Hội đồng đại học không phải đã được thành lập ở tất cả các đại học đa lĩnh vực và nếu có thì chúng chỉ giữ vai trò rất yếu thế trong các đại học này và thường bị Giám đốc đại học xem như một tổ chức tư vấn”.
Bãi bỏ “Bộ chủ quản”
Vấn đề “Bộ chủ quản” đang là vấn đề khá phức tạp trong quản lý và điều hành trường đại học. Đây cũng là mấu chốt trong nhiều vấn đề của tự chủ đại học. Và xung quanh câu chuyện của ĐH Tôn Đức Thắng là minh hoạ khá điển hình cho vấn đề tự chủ đại học.
Ông Dương Trường Phúc, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, thời gian tới, muốn việc tự chủ đại học và tự do học thuật thực hiện được thì tập trung sửa đổi Luật Giáo dục và Giáo dục đại học, từ đó rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tạo điều kiện thực hiện tự chủ đại học.
Bên cạnh đó, cần làm rõ trách nhiệm giải trình của các trường, phân biệt trường hoạt động vì mục đích lợi nhuận và không vì mục đích lợi nhuận để các trường hoạt động không vì mục đích lợi nhuận có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với các nguồn lực Nhà nước.
“Nghiên cứu giải quyết mối quan hệ giữa hội đồng trường với tổ chức, cá nhân có liên quan, trước hết là với Đảng uỷ ở trường công lập và nhà đầu tư ở trường tư thục, để hội đồng có đủ năng lực và thực quyền quyết định các vấn đề của nhà trường”, ông Dương Trường Phúc chia sẻ.
Đồng thời, ông Dương Trường Phúc khẳng định: “Bãi bỏ cơ chế “Bộ chủ quản”, các trường đại học chỉ chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Các trường cần xây dựng, công bố và thực hiện tiêu chuẩn cán bộ quản lý và giảng viên, quy chế tuyển dụng, làm việc, đề bạt cán bộ quản lý và giảng viên để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên”.
TS Lê Viết Khuyến, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết: Việc giao quyền tự chủ cho các đại học đa lĩnh vực nói riêng và cho các trường đại học, phải đi cùng với việc xoá bỏ cơ chế “bộ chủ quản” như đã chỉ ra ở Nghị quyết 14 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020.
Một khi bỏ được cơ chế “bộ chủ quản” và giao quyền tự chủ hoàn toàn cho các đại học đa lĩnh vực thì các trường thành viên sẽ xoá đi được ấn tượng về “hai cấp bộ chủ quản” gây khó cho hoạt động của họ.
Đến nay, vấn đề tự chủ đại học đặt ra đã được 10 năm nhưng nhiều đại học vẫn lúng túng và chưa có sự khởi sắc. Một lần nữa, vấn đề quản lý đại học, sắp xếp lại các trường đại học… đặt ra trong bối cảnh đổi mới giáo dục đang có những đòi hỏi bức thiết.
Theo Lê Vân/ Báo Tin tức
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin