Nắm chắc kiến thức cơ bản, thay đổi cách học và tư duy phù hợp với từng dạng câu hỏi, đọc kỹ yêu cầu đề... là những điều thí sinh cần chú ý khi ôn tập và thi môn Toán để đạt được kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Nắm chắc kiến thức cơ bản, thay đổi cách học và tư duy phù hợp với từng dạng câu hỏi, đọc kỹ yêu cầu đề... là những điều thí sinh cần chú ý khi ôn tập và thi môn Toán để đạt được kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Ôn toán cần nắm kiến thức vững, tập giải nhanh, phù hợp. |
Lấy điểm trung bình không khó
Môn Toán là 1 trong 3 môn thi bắt buộc trong kỳ thi THPT quốc gia. Do đó, tất cả thí sinh đều phải ôn và thi môn này. Cô Trần Thị Hoàng Uyên- giáo viên dạy Toán, Trường THPT Nguyễn Thông (TP Vĩnh Long)- cho rằng: “Để tìm 5- 6 điểm môn Toán không khó”.
Trên lớp, các em tập trung nghe giảng để hiểu cặn kẽ kiến thức bài học, ghi chú những nhận xét mà các thầy cô giảng dạy lưu ý. Một số cách làm bài trắc nghiệm: Làm trực tiếp như tự luận, dùng cách loại trừ dần các đáp án sai, dùng phương pháp thử, dùng máy tính...
Trong quá trình học, các em nên tìm cho mình những cách giải nhanh phù hợp với từng dạng toán, phù hợp với bản thân mình.
Học kỹ lý thuyết, hiểu rõ bản chất của từng khái niệm, thuộc các công thức, tìm hiểu các ứng dụng của kiến thức đã học, làm một số bài tập cơ bản bằng tự luận để ghi nhớ công thức và sau đó làm các bài trắc nghiệm.
Một vấn đề thường gặp của thí sinh khi thi môn này là làm không kịp thời gian. Các câu từ 40 trở về sau thì khó hơn và đa số học sinh làm không kịp do thiếu kỹ năng làm bài.
“Trong quá trình làm trắc nghiệm, các em quá tập trung vào những câu khó làm mất nhiều thời gian. Trong khi, quỹ thời gian của mỗi câu trắc nghiệm môn Toán không quá 2 phút”- cô Uyên nói.
Cũng theo cô Uyên thì: Đề thi trắc nghiệm “chỗ nào cũng hỏi” do đó phải có kiến thức trọng tâm, câu nào cần sử dụng máy tính, câu nào cần tự luận. Kiến thức, công thức phải nằm lòng. Đề thi cơ bản có 4 mức độ, chương trình lớp 10- 11 chiếm 15% kiến thức theo đề thi minh họa.
Sai lầm cơ bản mà học sinh hay gặp phải khi làm bài trắc nghiệm là không đọc kỹ đề. Ví dụ: Cho số phức, tìm số phức liên hợp? Nhiều em lại tính xem số phức là bao nhiêu và vội vàng chọn đáp án, trong khi đề bài yêu cầu tìm số phức liên hợp. Trường hợp này gọi là đáp án nhiễu.
Đa số những câu hỏi hình học- nhất là hình học không gian- thường làm khó học sinh. Vì mức độ câu hỏi hình học thường ở mức phân hóa và phân hóa cao.
Do đó, học sinh cần có kiến thức tổng hợp mới làm tốt được. Biện pháp nhanh nhất là lấy các đáp án đã cho để thử lại. Một lưu ý nho nhỏ là không có chuyện “sạ hàng được 25% số điểm” do đáp án không phân bố đồng đều a, b, c, d như trước đây.
Tìm điểm cao, phải làm việc nhiều hơn
Thầy Nguyễn Văn Thanh- Tổ Trưởng tổ Toán Trường THPT Lưu Văn Liệt (TP Vĩnh Long) cho biết: Kỳ thi vừa qua, Trường THPT Lưu Văn Liệt có hơn 82% học sinh có từ 5 điểm Toán trở lên, cao hơn mặt bằng chung của tỉnh.
Thầy Thanh cho rằng thời gian thi môn Toán rất áp lực cho học sinh muốn kiếm điểm cao. Do đó, tùy theo câu hỏi mà các em có thể sử dụng máy tính hoặc chỉ cần “nhẩm” tính cũng ra.
Nhiều học sinh quen bấm máy đến độ những con số cực đơn giản cũng lấy máy tính ra bấm, làm mất thời gian.
Học sinh muốn điểm cao môn Toán phải làm việc nhiều hơn ngoài thời gian học trên lớp cần tự giải bài tập ở nhà, giải đề nhanh. Ôn Toán là việc mỗi ngày, phải có kế hoạch, định hướng để không bị “ngập” trong mớ hỗn độn kiến thức.
Thầy Thanh giải thích: Khi ôn tập trước hết các em nên ôn tập theo từng chủ đề. Mỗi chủ đề cần hệ thống lại những kiến thức cơ bản, những dạng toán thường gặp, những công thức tính nhanh dễ nhớ. Sau đó, các em tập giải các đề tổng hợp theo đúng thời gian cho phép.
Học sinh phải dành nhiều thời gian để rèn luyện được nhiều với các dạng câu hỏi có cấu trúc tương tự đề thi minh họa, phân phối thời gian làm bài hợp lý để không lúng túng và bị động khi làm bài thi.
Một khi đã quen tay thì “Các em cũng rèn được khả năng phản xạ nhanh, rèn kỹ năng tính toán nhanh, luyện tập bấm máy tính, các cách giải trắc nghiệm, tránh được các câu hỏi bẫy”- thầy Thanh nói thêm.
Học sinh giỏi Toán thì học ôn tới đâu phải chắc đến đó và phải có nền tảng từ lớp 10, 11. Các em cần tìm hiểu cách vận dụng linh hoạt các kiến thức đã học để xử lý các bài toán ở cấp độ vận dụng cao.
Dù dự thi môn Toán với mục đích xét tốt nghiệp hay xét tuyển ĐH thì thí sinh cũng không được lơ là với môn học quan trọng này. Dĩ nhiên, tùy nhu cầu, năng lực cá nhân mà có cách ôn thi cho thích hợp để đạt kết quả cao nhất có thể.
Với thi trắc nghiệm, lượng kiến thức rộng, học sinh không nên học tủ; không được bỏ bất kỳ phần nào trong sách giáo khoa và bài tập thuộc chương trình lớp 10, 11 và 12, kể cả phần đọc thêm; đặc biệt là chương trình lớp 12. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin