Theo lịch tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, đến ngày 18/3 các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) và trung cấp (TC) đào tạo khối ngành sư phạm hoàn tất đề án tuyển sinh năm 2019 và cập nhật thông tin trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.
Theo lịch tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, đến ngày 18/3 các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) và trung cấp (TC) đào tạo khối ngành sư phạm hoàn tất đề án tuyển sinh năm 2019 và cập nhật thông tin trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.
Thí sinh thi THPT quốc gia năm 2018 |
Tuy nhiên, đến nay hàng trăm trường đã gửi đề án tuyển sinh nhưng vẫn chưa được cập nhật lên để thí sinh tìm hiểu. Trong khi theo quy định, từ ngày 1 đến 20/4, thí sinh phải hoàn thành đăng ký thi THPT quốc gia và đăng ký xét tuyển vào các trường. Vậy đâu là nguyên nhân của sự chậm trễ này?
Hàng trăm trường vẫn chờ duyệt đề án
Rất nhiều thí sinh và phụ huynh đang có thắc mắc tại sao hiện nay nhiều trường ĐH vẫn chưa được công bố đề án tuyển sinh lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, trong khi website của các trường thì đã có đề án tuyển sinh. Vậy thí sinh phải căn cứ vào đâu để làm hồ sơ đăng ký xét tuyển?
Chiều 26-3, thử vào Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, chúng tôi chỉ thấy vỏn vẹn có 8 trường công bố đề án tuyển sinh, gồm: ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, ĐH Văn Lang, ĐH Lạc Hồng, ĐH Việt Đức, ĐH Công nghệ Đồng Nai. Hàng trăm trường còn lại đều không có thông tin. Đi tìm nguyên nhân, chúng tôi được biết do năm nay có nhiều thay đổi của hệ thống quản lý dữ liệu thi THPT quốc gia.
Thay đổi thứ nhất là về khai báo thông tin đề án tuyển sinh, bao gồm khai báo ngành (chỉ chấp nhận những ngành có tên trong danh mục mã ngành cấp IV hiện hành, xác định chương trình đào tạo, cách thức sơ tuyển, sơ tuyển theo hộ khẩu); khai báo bổ sung tổ hợp môn (chỉ chấp nhận các trường khai báo tổ hợp có chứa môn năng khiếu); khai báo ngành theo đợt tuyển sinh (chỉ tiêu theo ngành, chỉ tiêu theo tổ hợp môn). Thay đổi thứ 2 là khai báo các thông tin xét tuyển gồm: khai báo điều kiện bổ sung (thay đổi giao diện chức năng); khai báo điểm sàn (bổ sung 12 ngành thuộc khối sức khỏe); sơ tuyển theo ngành (nhập kết quả sơ tuyển theo trường hoặc ngành).
Trong khi đó, với các trường sư phạm, các trường có đào tạo khối ngành sư phạm, đề án tuyển sinh hiện vẫn trống phần chỉ tiêu nên cũng chưa thể công bố. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, khối ngành sư phạm đề nghị các cơ sở đào tạo phải xác định theo năng lực đào tạo và nhu cầu sử dụng giáo viên các cấp học khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đảm bảo sinh viên ra trường có việc làm. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ quyết định chỉ tiêu tuyển sinh theo từng ngành, hình thức đào tạo, trình độ đào tạo cho các trường. Trong khi đó, trong công văn số 706 ban hành ngày 28-2, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường gửi báo cáo đăng ký chỉ tiêu về bộ trước ngày 11-3, sau thời hạn này bộ sẽ không cấp chỉ tiêu.
Nhiều băn khoăn
Theo Th.S Huỳnh Tổ Hạp, Trường ĐH Sài Gòn, trường đã gửi đề án tuyển sinh, báo cáo chỉ tiêu sư phạm, nhưng cho đến nay đề án tuyển sinh vẫn chưa đăng ký thành công do chỉ tiêu ngành sư phạm chưa được duyệt. Tuy nhiên, trường vẫn phải công bố thông tin tuyển sinh trên website nhà trường để thí sinh tham khảo. Còn về chỉ tiêu ngành sư phạm, đến khi nào Bộ GD-ĐT duyệt thì đó mới là chỉ tiêu chính thức.
TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, cho biết trường đã gửi đề án tuyển sinh theo đúng thời hạn bộ quy định và cũng công khai trên website trường. Tuy nhiên, kiểm tra lại thì vẫn chưa thấy duyệt để đăng trên cổng thông tin tuyển sinh của bộ. Trao đổi thêm về thông tin khai báo về sinh viên, TS Trần Đình Lý cho rằng năm nay có thêm phần khai báo thông tin sinh viên và phải kèm theo số điện thoại cha hoặc mẹ nên có chút trục trặc. Bên cạnh đó, một số ngành đạt chuẩn (đạt chuẩn kiểm định quốc tế) nên phần khai báo năm nay cũng có những điều chỉnh. Do đó, khi trường đã hoàn thành khai báo và chuyển đề án về bộ thì bộ nên sớm công bố trên Cổng thông tin tuyển sinh để thí sinh tham khảo, vì đây là thông tin chính xác nhất mà bộ đã duyệt.
Trong khi đó, đại diện Khoa Quản trị kinh doanh ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng khoa vẫn chưa khai báo thành công trên hệ thống dữ liệu thông tin, vì có nhiều ngành mới và ngành liên ngành không có trong danh mục mã ngành cấp IV hiện hành. Do hệ thống từ chối những thông tin trên nên chỉ tiêu cũng không thể khai báo thành công. Ngoài ra, một số ngành có điều kiện sơ tuyển là phỏng vấn nhưng trong phần mềm không có điều kiện để khai báo điểm cho phần phỏng vấn. Vì vậy, Bộ GD-ĐT phải có cơ chế khác hoặc điều kiện khác nhằm hỗ trợ cho các trường khai báo thành công để hoàn thành đề án tuyển sinh chuyển về bộ.
Nhiều trường có tuyển sinh khối ngành sức khỏe (sử dụng kết hợp nhiều phương án giữa sơ tuyển, thi tuyển kết hợp với xét học bạ, sử dụng một môn thi THPT quốc gia với điểm học bạ) tỏ ra băn khoăn với điều kiện điểm sàn mà Bộ GD-ĐT quy định. Đến thời điểm hiện nay, khá nhiều trường vẫn chưa “thông suốt” quy định trong Quy chế tuyển sinh ĐH năm 2019 với ràng buộc thí sinh phải đạt học sinh khá, giỏi mới được đăng ký xét tuyển vào 12 ngành thuộc khối ngành sức khỏe.
Ông Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết: “Do phần mềm chưa thể thỏa mãn hết các điều kiện tuyển sinh của các trường, nhất là các điều kiện xét tuyển riêng, những ngành mới… nên chúng tôi sẽ phối hợp để giải quyết. Những điều kiện xét tuyển nào chưa thể cập nhật trong phần mềm thì các trường phải chịu khó kiểm tra khi xét tuyển thí sinh. Với các trường sư phạm, chỉ tiêu chính thức phải được bộ trưởng phê duyệt” |
Theo THANH HÙNG/SGGPO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin