Nhà trường tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước gắn việc học đi đôi với hành, xóa ranh giới giữa nhà trường và thực tế sản xuất.
PGS.TS Cao Hùng Phi nhận giấy chứng nhận của Tổ chức Skill International (New Zealand). |
Với phương châm “học đi đôi với hành”, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long không chỉ đầu tư xây dựng đội ngũ đông về số, mạnh về chất mà còn đầu tư các trang thiết bị hiện đại. Nhà trường tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước gắn việc học đi đôi với hành, xóa ranh giới giữa nhà trường và thực tế sản xuất.
Xây dựng nền tảng từ nhân lực
Xác định đào tạo nhân lực chất lượng là nhiệm vụ trọng tâm và con người là yếu tố quyết định. PGS.TS. Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long- quan niệm: “Khi tuyển dụng, tôi luôn chọn người thật sự giỏi, có trình độ kỹ năng, có niềm đam mê với nghề. Trong quá trình dạy tại trường, giảng viên được tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao trình độ kỹ năng”.
Nhờ đó, chất lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu không ngừng được nâng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, dạy và học.
PGS.TS. Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long- cho biết thêm: “Trong trên 300 cán bộ, giảng viên của trường thì có 100% giảng viên có trình độ sau ĐH; trong đó, có 10,5% là tiến sĩ và nghiên cứu sinh”.
Bên cạnh phát triển đội ngũ, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long còn tranh thủ các nguồn tài trợ, hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp… Nhờ đó, cơ sở vật chất được đầu tư hiện đại, gắn liền với thực tế sản xuất.
Mới đây, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long tổ chức lễ khánh thành các trung tâm: Trung tâm Năng lượng điện mặt trời; Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học; Trung tâm Dịch vụ ô tô; Bệnh xá Thú y.
Toàn cảnh Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long.Ảnh: Trường cung cấp |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Anh Thắng- Trưởng đại diện Văn phòng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tại TP Hồ Chí Minh đánh giá cao các hoạt động của trường.
Ông cho rằng: “Các trung tâm sẽ đáp ứng được nhu cầu học tập, nghiên cứu của giảng viên và sinh viên. Bên cạnh đó, nó còn có lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường”. Trong năm 2020, dự kiến nhà trường sẽ khánh thành thêm 6 trung tâm ứng dụng công nghệ cao khác để phục vụ nhu cầu giảng dạy học tập và nghiên cứu khoa học.
Ông Toru Kinoshita- Tổng Giám đốc Công ty Ôtô Toyota- tin tưởng rằng, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long sẽ trở thành một trung tâm đào tạo chất lượng cao trọng điểm trong thời gian tới, cung cấp các kỹ thuật viên lành nghề cho hệ thống đại lý của TMV trong tương lai.
Hiện nay, nhà trường và công ty đã đầu tư giai đoạn 2 và đã có những sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long ra trường, làm việc ở các đại lý của Toyota.
Ngoài ra, nhà trường đang tham gia dự án “Chương trình kỹ năng và kiến thức cho tăng trưởng kinh tế toàn diện- SKIEG” do Ngân hàng ADB tài trợ đầu tư 3 nghề trọng điểm: Công nghệ thực phẩm, công nghệ kỹ thuật cơ khí và công nghệ kỹ thuật điện, điện tử với tổng giá trị 8,4 triệu USD.
Điểm khác biệt nổi bật nhất so với các trường ĐH khác là sinh viên sẽ được miễn hoàn toàn học phí nếu trúng tuyển hệ ĐH Sư phạm kỹ thuật và miễn học phí năm thứ nhất cho sinh viên được tuyển thẳng. Bên cạnh đó, các chế độ miễn, giảm học phí và trợ cấp xã hội dành cho sinh viên thuộc diện chính sách cũng được nhà trường thực hiện theo quy định hiện hành. |
“Trái ngọt” cho đào tạo và nghiên cứu khoa học
Với sự đầu tư nền tảng từ con người cộng với cơ sở vật chất hiện đại, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long đã dần khẳng định được vị thế của mình qua tỷ lệ sinh viên có việc làm, sinh viên đạt giải cao và các công trình nghiên cứu
khoa học.
Đầu năm 2019, trường có 25 ngành đào tạo bậc ĐH và đào tạo 3 ngành thạc sĩ. Hiện trường đang có hơn 8.000 sinh viên theo học. TS. Phùng Thế Tuấn- Trưởng Phòng Công tác sinh viên nhà trường- cho biết: “92,3% có việc làm là con số khảo sát được sau khi sinh viên tốt nghiệp 12 tháng, gần đây nhất”.
Công tác tuyển sinh được đẩy mạnh qua từng năm học, cụ thể năm học 2018- 2019 có 104,3% thí sinh trúng tuyển vào làm thủ tục nhập học. Nhờ đó, chất lượng thí sinh đầu vào không ngừng tăng lên.
Bên cạnh hoạt động đào tạo, cán bộ giảng viên luôn xem nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ. Nhiều cán bộ giảng dạy có trình độ tiến sĩ đúng chuyên ngành, nhiều cán bộ tự nguyện học tập nâng cao trình độ ở trong và ngoài nước, tự bồi dưỡng khả năng sử dụng ngoại ngữ để có thể làm chủ bản thân trong các hoạt động khoa học.
PGS.TS Cao Hùng Phi cho biết: Năm 2020 nhà trường dự kiến đưa vào hoạt động 6 trung tâm khoa học công nghệ. Ảnh: Trường cung cấp |
Thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị thu hoạch, chẻ và thiết bị sấy cây lác ở tỉnh Vĩnh Long” rất khó khăn, khi chưa có một mẫu máy tương tự nào. Ông Cao Hùng Phi cho rằng: “Chúng tôi nghiên cứu khoa học cho bà con, biết khó nhưng vẫn làm. Mà qua nghiên cứu, giảng viên sinh viên sẽ phát huy được khả năng sáng tạo”.
Hoạt động khởi nghiệp của sinh viên cũng được nhà trường quan tâm hỗ trợ. TS. Lê Hồng Kỳ- Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cho biết: “Vườn ươm sáng tạo khoa học và khởi nghiệp” của trường nhằm hỗ trợ hình thành và phát triển các ý tưởng sáng tạo khoa học- công nghệ từ giai đoạn hình thành ý tưởng tới phát triển sản phẩm; hỗ trợ sinh viên phát triển và thương mại hóa tất cả các sản phẩm nghiên cứu khoa học.
Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp phải đạt chứng chỉ kỹ năng nghề 3/5, khẳng định chất lượng sinh viên đáp ứng nhu cầu xã hội. Là thành viên của Tổ chức RAVTE và TVET, chương trình đào tạo của nhà trường luôn được sự hỗ trợ từ các trường ĐH trong khu vực.
Nhà trường đã được Tổ chức Skill International (New Zealand) cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn cho 2 ngành Kỹ thuật điện công nghiệp và Công nghệ thông tin, đánh giá kỹ năng chuyên môn của sinh viên theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thông qua chương trình liên kết đào tạo và trao đổi sinh viên quốc tế với các trường trên thế giới, năm học qua, hơn 100 lượt sinh viên của trường đã tham gia các khóa học ngắn, trung và dài hạn.
Thực hiện sứ mệnh trồng người, PGS.TS. Cao Hùng Phi cho biết, trường luôn vì chất lượng đào tạo, vì lợi ích của người học, người dân “chúng tôi mong muốn được tiếp tục phát huy truyền thống đã đạt được và quyết tâm phấn đấu nhiều hơn nữa”- ông nói thêm- “Chúng tôi đã và đang xây dựng trường là nơi không có ranh giới giữa nhà trường và thực tế sản xuất, xứng tầm là một trường công lập, trường trọng điểm của khu vực ĐBSCL”.
Một số giải thưởng tiêu biểu của sinh viên trường Trong kỳ thi Tay nghề ASEAN lần thứ 12 tại Thái Lan năm 2018, sinh viên Nguyễn Tấn Toàn- ngành Công nghệ thông tin- đã đoạt Huy chương Vàng nghề Lắp cáp mạng thông tin. Tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp- SWIS 2018”, mô hình “nuôi cá tra, cá ba sa bằng thảo dược” của sinh viên Phan Tấn Khải- ngành Công nghệ thực phẩm- Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long đạt giải ba. |
Bài, ảnh: VĨNH PHÚC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin