Nâng cao năng lực ngoại ngữ cho thầy và trò

03:02, 27/02/2019

Sau hơn 3 năm triển khai giảng dạy chương trình Tiếng Anh theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, ngành giáo dục Vĩnh Long đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Qua đó góp phần từng bước nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cả thầy và trò…

 

Học sinh học chương trình theo đề án có các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tốt hơn so với chương trình đại trà.
Học sinh học chương trình theo đề án có các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tốt hơn so với chương trình đại trà.

Sau hơn 3 năm triển khai giảng dạy chương trình Tiếng Anh theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, ngành giáo dục Vĩnh Long đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Qua đó góp phần từng bước nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cả thầy và trò…

Nhiều kết quả quan trọng

Theo báo cáo của Phòng Giáo dục Trung học (Sở GD- ĐT) khi đánh giá 3 năm sau khi triển khai chương trình từ năm học 2015- 2016, từ lúc chỉ có 4 lớp 10 với 149 học sinh (HS) và 18 lớp 6 với 806 HS thì đến cuối năm học 2017- 2018, quy mô lớp và HS tham gia chương trình tiếng Anh theo đề án tăng lên rất nhiều.

Ở cấp THCS đã có 216 lớp với 7.244 HS (có 848 HS lớp 9), ở cấp THPT có 146 lớp với 5.045 HS (trong đó có 1.414 HS đang học lớp 12). Theo đánh giá từ các trường triển khai, HS học tiếng Anh theo chương trình này có kỹ năng nghe, nói, đọc, viết trội hơn so với HS học tiếng Anh bình thường.

Trong khi đó, theo Sở GD- ĐT, thực hiện những nhiệm vụ thuộc đề án Ngoại ngữ, các mặt công tác đi theo đã mang lại nhiều kết quả quan trọng.

Trong đó, việc bồi dưỡng đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ được quan tâm nhằm giúp cho giáo viên dạy tiếng Anh đáp ứng nhu cầu năng lực sử dụng tiếng Anh theo quy định của Bộ GD- ĐT. Cụ thể, việc đáp ứng về nhu cầu năng lực tăng theo từng năm ở từng cấp học.

Theo Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Trương Thanh Nhuận, việc bồi dưỡng phương pháp giáo dục có sự cập nhật những xu hướng mới về phương pháp dạy tiếng Anh cho giáo viên các cấp góp phần khai thác hiệu quả bộ sách giáo khoa theo chương trình của đề án.

Song song đó, ngành cũng đổi mới phương pháp giáo dục theo hướng ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong dạy môn Tiếng Anh. Hiện ở bậc THPT có 100% trường được cấp ít nhất 1 phòng học ngoại ngữ, cấp THCS có 40/88 trường và tiểu học có 51/185 trường.

“Chương trình Tiếng Anh theo đề án Ngoại ngữ gồm 10 năm học từ lớp 3 đến lớp 12 cấp THPT. Chương trình Tiếng Anh này cùng với bộ SGK được biên soạn nhằm phát triển kỹ năng giao tiếp tiếng Anh cho người học.

Khi học hết lớp 12, người học sẽ đạt bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam. HS học chương trình 10 năm theo đề án có tỷ lệ bài thi THPT quốc gia năm 2018 cao hơn nhiều so với hệ 7 năm chương trình Tiếng Anh đại trà với 55% so với 11%”- bà Trương Thanh Nhuận cho biết.

Tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, hiện nay toàn bộ HS các lớp ở các khối đều học theo chương trình đề án.

Hiện nhà trường cũng có 11/13 giáo viên môn Tiếng Anh đạt chuẩn C1 theo Khung tham chiếu Châu Âu. Thầy Võ Ngọc Đăng Khoa- Phó Hiệu trưởng nhà trường- cho biết, trường triển khai tương đối thuận lợi và góp phần rất lớn để nâng cao năng lực ngoại ngữ cho các HS, giúp các em nhanh chóng hội nhập với môi trường ngày càng phát triển như hiện nay.

Cô Trương Thị Đan Ngân- giáo viên môn Tiếng Anh (Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) cho biết, sự khác biệt lớn nhất của chương trình theo đề án so với chương trình đại trà là nâng cao năng lực giao tiếp cho các HS. Giao tiếp tốt cũng chính là cầu nối để các em hội nhập được với các môi trường học tập, làm việc hiện nay.

Nâng chất trong thời gian tới

Tuy triển khai tương đối thuận lợi và đạt nhiều kết quả, song việc dạy và học theo đề án hiện vẫn tồn tại một số khó khăn.

Theo Sở GD- ĐT, việc triển khai chương trình Tiếng Anh theo đề án vẫn còn khá chậm, nhiều HS và phụ huynh không chọn tham gia chương trình vì cho rằng chương trình 10 năm sẽ khó và nặng hơn chương trình hệ 7 năm. Hơn nữa, những HS đăng ký tham gia chương trình thì năng lực Tiếng Anh đầu vào chưa đáp ứng yêu cầu.

Bà Trương Thanh Nhuận đánh giá, hiện nay việc bồi dưỡng chuẩn năng lực ngoại ngữ cho giáo viên Tiếng Anh THPT gặp khó để đảm bảo 100% đạt chuẩn, do một số giáo viên lớn tuổi (từ 50 tuổi trở lên) còn ngại tham gia các đợt bồi dưỡng, một số được bồi dưỡng theo lộ trình nhưng tiến độ rất chậm.

Trong khi đó, cũng theo bà Trương Thanh Nhuận, việc thực hiện chương trình Tiếng Anh 4 tiết/tuần từ lớp 3 ở cấp tiểu học chưa thực hiện đại trà do thiếu phòng học và giáo viên môn Tiếng Anh.

“Việc triển khai dạy tích hợp ngoại ngữ đối với các môn học và dạy các môn khác bằng ngoại ngữ chỉ dừng lại ở các tiết hội giảng, chuyên đề. Giáo viên chưa thực sự giảng dạy theo hướng tích hợp nội dung và ngôn ngữ”- bà Trương Thanh Nhuận cho biết.

Để giải quyết các vấn đề khó khăn, thời gian tới, Sở GD- ĐT cũng sẽ tiếp tục triển khai rộng rãi chương trình Tiếng Anh 10 năm để HS được tiếp cận với chương trình mới, phương pháp, cách thức tổ chức hoạt động mới. Từ đó giúp dần nâng cao năng lực ngoại ngữ. Đồng thời huy động 100% HS đã được học chương trình này từ lớp dưới tiếp tục học ở cấp học tiếp theo.

Bà Trương Thanh Nhuận chia sẻ, thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá năng lực ngoại ngữ và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên. Lập kế hoạch, xem xét, lựa chọn đơn vị tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ độc lập với đơn vị bồi dưỡng.

“Đồng thời khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn học liệu về dạy và học ngoại ngữ, khuyến khích và huy động tổ/nhóm giáo viên Tiếng Anh ở các cơ sở giáo dục xây dựng nguồn học liệu mở, tài liệu dạy học tham khảo cho giáo viên và HS…”- bà cho biết.

Thời gian tới, sẽ thí điểm dạy học các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và các trường có điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và năng lực học sinh.

Hiện nay, ngành đã triển khai chương trình Tiếng Anh hệ 10 năm ở tất cả các bậc học. Trong đó, bậc THPT có 25/31 trường (đạt 80,6%), bậc THCS có 74/96 trường THCS, THCS- THPT (đạt 77%) và tiểu học có 184/185 trường (99,45%).

Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh