Đề xuất 2 phương án về lương nhà giáo

02:02, 20/02/2019

Xuất phát từ đặc thù của nhà giáo, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) cần thể chế hóa quan điểm của Đảng về lương nhà giáo, bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao, tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo trong xã hội. 

 

Xuất phát từ đặc thù của nhà giáo, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) cần thể chế hóa quan điểm của Đảng về lương nhà giáo, bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao, tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo trong xã hội. 

Nhiều ý kiến về tiền lương nhà giáo trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)
Nhiều ý kiến về tiền lương nhà giáo trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

Tính đến ngày 22/1/2019, qua 100 báo cáo, biên bản, tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương, địa phương và kết quả của các hoạt động lấy ý kiến khác thì đã có khoảng hơn 1 triệu lượt ý kiến của nhân dân tham gia góp ý về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi. Trên cơ sở kết quả này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT phối hợp với các cơ quan, tổ chức, chuyên gia nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu, chỉnh lý hoặc để giải trình.

Đáng chú ý, về lương nhà giáo có 2 loại ý kiến, trong đó có ý kiến cho rằng vấn đề lương của nhà giáo cần thực hiện theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, nhưng cũng cần đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Theo đó, “nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ”. Có ý kiến cho rằng thang bảng lương của nhà giáo hiện nay chưa phản ánh đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương II (khóa VIII) và Nghị quyết số 29-NQ/TW, theo đó lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Chính phủ tiếp thu ý kiến dự thảo luật quy định về lương của nhà giáo đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 27-NQ/TW, cụ thể nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ.

Tuy nhiên, dù đã tổng hợp ý kiến đóng góp của nhân dân, nhưng đây vẫn là một trong 4 vấn đề phức tạp và còn có nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi mà Chính phủ báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại phiên họp mở rộng của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi vừa diễn ra, nhiều ý kiến cũng đã góp ý về vấn đề này.

Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đề nghị tiền lương của nhà giáo phải như lực lượng vũ trang; công đoàn giáo dục các cấp đề nghị cần có chính sách tiền lương thỏa đáng, cao hơn các ngành nghề khác.

PGS-TS Chu Hồng Thanh, Phó tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, cho rằng nhà giáo cần có bảng lương riêng, bởi lao động của nhà giáo có tính đặc thù trong các loại hình đặc thù. Vì thế, nếu có khó khăn, vướng mắc từ thực tế thì cần xin ý kiến Bộ Chính trị để xác định trong luật này.

Bà Lê Thị Yến, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cũng cho rằng, nhà giáo phải có thu nhập tương xứng, có hệ số phụ cấp cao nhất. 

Liên quan đến vấn đề này, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, xây dựng chính sách tiền lương thỏa đáng cho nhà giáo là một trong những vấn đề lớn đã và đang đặt ra.

Tuy nhiên, Chính phủ đang triển khai xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Khóa XII. Vấn đề lương nhà giáo đang được xây dựng theo tinh thần của nghị quyết này.

Xuất phát từ đặc thù của nhà giáo, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) cần thể chế hóa quan điểm của Đảng về lương nhà giáo, bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao, tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo trong xã hội. 

Trên tinh thần đó, Thường trực Ủy ban đề xuất 2 phương án để xin ý kiến Thường vụ Quốc hội.

Cụ thể, phương án 1, Luật Giáo dục sửa đổi quy định bảng lương riêng cho nhà giáo bảo đảm tương xứng với đặc thù nghề nghiệp. Đây là quy định khác với tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW có 3 bảng lương.

Phương án 2, quy định phụ cấp ngành giáo dục có hệ số cao nhất để bảo đảm nhà giáo là nghề có thu nhập cao, tương xứng với vị trí, vai trò đặc thù của nhà giáo trong giáo dục và trong xã hội; đặc biệt, trách nhiệm của nhà giáo trong nhiệm vụ bảo vệ người học ở bậc học phổ thông và mầm non khi người học chưa thành niên.

Một số ý kiến tại phiên họp mở rộng của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tán thành với phương án 2 mà Thường trực Ủy ban đề xuất.

Theo PHAN THẢO/SGGP

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh