Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm là con số thể hiện uy tín của một trường ĐH, CĐ. Vĩnh Long có đến 3 trường ĐH, 5 trường CĐ với hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp hàng năm và tỷ lệ sinh viên có việc làm luôn đạt từ 90% trở lên. Đây là con số đẹp so với mặt bằng chung cả nước.
Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm là con số thể hiện uy tín của một trường ĐH, CĐ. Vĩnh Long có đến 3 trường ĐH, 5 trường CĐ với hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp hàng năm và tỷ lệ sinh viên có việc làm luôn đạt từ 90% trở lên. Đây là con số đẹp so với mặt bằng chung cả nước.
Niềm vui tốt nghiệp của sinh viên Trường ĐH Cửu Long. |
Những con số đẹp
Khi cuộc cạnh tranh tuyển sinh ngày càng khốc liệt thì tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm chính là thước đo khẳng định vị trí, chất lượng và uy tín của một cơ sở giáo dục.
Theo báo cáo thống kê của các trường gửi về Bộ GD- ĐT trong năm 2018, các trường ĐH, CĐ ở Vĩnh Long có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm khoảng 90%.
Có 2 trường ĐH ở Vĩnh Long đã hoàn thành chương trình đánh giá ngoài và được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục là ĐH Xây dựng Miền Tây và ĐH Cửu Long.
PGS.TS. Lương Minh Cừ- Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long- nói: “Hôm trao bằng tốt nghiệp vừa rồi, tôi tìm sinh viên ngành du lịch và ngữ văn để giới thiệu cho doanh nghiệp, vậy mà không có, các em đều đã đi làm”.
Khoảng tháng 10, tháng 11 mỗi năm, Trường ĐH Cửu Long khảo sát tỷ lệ sinh viên có việc làm. ThS. Mai Thành Tâm cho hay: Con số mới tinh của năm nay là 98%, năm 2017 là 94,5% sinh viên ra trường có việc làm.
Lần đầu tiên, sinh viên miền Tây làm nên kỳ tích. Trong ảnh: Sinh viên Nguyễn Tấn Toàn- Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long- được thưởng do đạt huy chương vàng kỳ thi Tay nghề ASEAN. |
TS. Nguyễn Văn Xuân- Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Miền Tây- vui vẻ cho biết: “92,3% sinh viên có việc làm ra trường sau 6 tháng là con số mà đoàn kiểm tra của ĐH Đà Nẵng vừa thực hiện trong năm 2018.
Đoàn khảo sát đã gọi đến từng sinh viên tốt nghiệp và trong số hơn 7% chưa có việc làm thì có cả những em không liên lạc được”.
Ông cho rằng, việc làm là vấn đề trường không băn khoăn vì hiện nay nhu cầu nhân lực- nhất là nhân lực ngành xây dựng- đang rất cần và nhu cầu ngành này vẫn còn nhiều trong tương lai.
“Đây là con số của khóa sinh viên ĐH đầu tiên, trước đó khi trường còn là trường CĐ thì tỷ lệ sinh viên có việc làm sau ra trường đều ở mức 90% trở lên”- ông nói.
Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cũng có hơn 92% sinh viên ra trường có việc làm.
PGS.TS. Cao Hùng Phi cho biết: “Chúng tôi luôn quan tâm đào tạo đội ngũ giảng viên đông về số và mạnh về chất. Giảng viên không chỉ có trình độ mà còn truyền cả đam mê của mình để cho những thế hệ sinh viên có chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng. Nhiều sinh viên khi đi thực tập thì được nhận vào làm việc luôn”.
Trong khi đó tại các trường CĐ như CĐ Nghề Vĩnh Long, CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long tỷ lệ sinh viên có việc làm cũng luôn ở mức cao. Nhiều sinh viên còn có việc làm trước khi nhận bằng tốt nghiệp chính thức.
Gắn với doanh nghiệp, hướng tới khởi nghiệp
Giải bài toán sinh viên ra trường có việc làm, các trường ĐH, CĐ tỉnh luôn gắn liền với nhu cầu lao động của các công ty. Từ đó, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, sinh viên ra trường có thể thích ứng và làm việc ngay.
ThS. Nguyễn Thanh Toàn- Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Vĩnh Long- cho biết: “Chúng tôi có mối quan hệ với hơn 50 doanh nghiệp, thực hiện mô hình đào tạo tại doanh nghiệp, nhằm giúp học sinh- sinh viên nâng cao kỹ năng tay nghề và tích lũy kinh nghiệm thực tiễn”.
Cười thật tươi trong buổi lễ tốt nghiệp của Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long, cựu sinh viên Trương Ngọc Hân (ngành công nghệ thông tin) cho biết: “Em đang làm việc cho một công ty điện tử tại Trà Vinh, công việc ổn định và phúc lợi rất tốt”. Hân là sinh viên tốt nghiệp loại khá, nhận được công việc ngay sau khi ra trường.
Trường ĐH Cửu Long thì đẩy mạnh đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên thông qua các chương trình phối hợp với doanh nghiệp như “ứng viên tiềm năng” và chuẩn bị hướng dẫn sinh viên về khởi nghiệp.
“Số lượng sinh viên ra trường mỗi năm khoảng 700 em, nên chúng tôi khảo sát rất cẩn thận, đầy đủ”- PGS.TS. Lương Minh Cừ cho hay. Thông qua các ký kết hợp tác với doanh nghiệp, ĐH Cửu Long còn nhờ các doanh nghiệp góp ý về sinh viên, hội chợ việc làm cho sinh viên sắp ra trường.
ĐH Xây dựng Miền Tây cũng không lo lắng về việc làm cho sinh viên. TS. Nguyễn Văn Xuân cho hay: “Vì có những doanh nghiệp đến tuyển dụng còn không đủ người. Chúng tôi quan tâm đến học bổng và hỗ trợ tân sinh viên nhiều hơn, tất cả tân sinh viên vừa qua đều có học bổng”.
Bên cạnh xây dựng một chuẩn đầu ra cho sinh viên theo khung kỹ năng nghề Việt Nam, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long còn tăng cường hợp tác quốc tế.
Sinh viên được tạo điều kiện tốt để học đi đôi với hành. |
Nhà trường đã ký kết biên bản hợp tác với Tổ chức Skill International (New Zealand) nhằm đánh giá kỹ năng chuyên môn của sinh viên theo tiêu chuẩn quốc tế. Mục tiêu xây dựng, điều chỉnh các chương trình đào tạo phù hợp với chuẩn New Zealand, qua đó sinh viên sau khi ra trường sẽ có kiến thức và tay nghề đạt trình độ quốc tế.
Các trường ĐH, CĐ ở Vĩnh Long đang dần thoát khỏi những khó khăn do tuyển sinh, khẳng định uy tín chất lượng của nhà trường.
Hơn thế nữa, tỷ lệ sinh viên có việc làm còn tùy thuộc vào những kỹ năng của cá nhân sinh viên. Tiến xa hơn nữa là sinh viên tự chủ, sáng tạo và khởi nghiệp để mang lại lợi ích cho bản thân và cho cả cộng đồng.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ năm 2018, các trường ĐH phải công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm, điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo về đội ngũ giảng viên, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất... mới được phép công bố chỉ tiêu, phương thức tuyển sinh. Cụ thể, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 12 tháng ở một số trường: ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh 90,24%; ĐH Cần Thơ 90,2%; ĐH Tôn Đức Thắng 98,68%; ĐH Khoa học Tự nhiên- ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh 87,77%; ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh 93,42%; ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn- ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh 90,84%. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin