Đào tạo sau đại học, cần nâng cao cả lượng và chất

05:12, 05/12/2018

Đào tạo ĐH đang được "phổ cập" rộng rãi thì nhu cầu đào tạo sau ĐH tăng cao là tất yếu. Đào tạo sau ĐH giúp lao động nâng cao trình độ, kỹ năng, khả năng nghiên cứu ứng dụng liên quan đến công việc thực tiễn.

Đào tạo ĐH đang được “phổ cập” rộng rãi thì nhu cầu đào tạo sau ĐH tăng cao là tất yếu. Đào tạo sau ĐH giúp lao động nâng cao trình độ, kỹ năng, khả năng nghiên cứu ứng dụng liên quan đến công việc thực tiễn.

Những tân thạc sĩ của Trường ĐH Cửu Long.
Những tân thạc sĩ của Trường ĐH Cửu Long.

Nở rộ đào tạo sau ĐH

Con số thống kê gần đây của Bộ GD- ĐT, cả nước có hơn 180 cơ sở đào tạo trình độ thạc sĩ với quy mô khoảng 110.000 học viên. Đào tạo sau ĐH là nhu cầu tất yếu, bước phát triển sau chương trình đào tạo ĐH, tuy nhiên “nở rộ” phải song hành cùng với chất lượng và nhu cầu xã hội.

Kỳ tuyển sinh cao học đợt 1 năm 2018, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long trường thông báo tuyển 23 chuyên ngành khác nhau với hơn 600 chỉ tiêu.

Đây là các chương trình liên kết với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Vinh đào tạo dựa trên nhu cầu nhân lực sau ĐH của khu vực ĐBSCL.

Ông Mai Hoàng Long- Trưởng Phòng Đào tạo (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long)- cho biết: “Trong năm 2019, nhà trường sẽ tuyển sinh 4 ngành thạc sĩ đầu tiên là công nghệ thực phẩm, điện- điện tử, công nghệ thông tin, kỹ thuật cơ khí”.

Trường ĐH Cửu Long được phép tuyển sinh thạc sĩ từ nhiều năm nay và hiện tại trường này đang tự đào tạo 4 ngành quản trị, kinh doanh, tài chính ngân hàng, kỹ thuật xây dựng và văn học Việt Nam.

Ngoài ra, nhà trường còn liên kết với ĐH Sư phạm Huế, ĐH Khoa học Huế, ĐH Luật, ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, ĐH Kinh tế Đà Nẵng và ĐH Y tế công cộng Hà Nội để mở 14 ngành sau ĐH khác.

PGS.TS. Lương Minh Cừ- Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long- cho biết: Các ngành đào tạo sau ĐH trước hết dựa trên nhu cầu nhân lực của các tỉnh ở ĐBSCL, đặc biệt là Vĩnh Long. Đến nay, Trường ĐH Cửu Long đã có hơn 300 thạc sĩ ra trường.

Ở khu vực ĐBSCL có trường ĐH thuộc tỉnh còn cấp phép đào tạo chương trình nghiên cứu sinh. Cụ thể, Trường ĐH Trà Vinh được tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ từ năm 2017, hiện trường này đang thông báo tuyển sinh 6 ngành. Ngoài ra, trường này vẫn đang tuyển sinh 21 ngành thạc sĩ.

Cần số lượng và chất lượng

Liên kết đào tạo sau ĐH gắn chất lượng với số lượng. Trong ảnh: Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh trao thưởng cho thí sinh thủ khoa khóa thạc sĩ báo chí đầu tiên tại Vĩnh Long. Ảnh tư liệu
Liên kết đào tạo sau ĐH gắn chất lượng với số lượng. Trong ảnh: Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh trao thưởng cho thí sinh thủ khoa khóa thạc sĩ báo chí đầu tiên tại Vĩnh Long. Ảnh tư liệu

Đào tạo sau ĐH không chỉ là chuẩn cần thiết để học viên phục vụ nhu cầu công việc hiện tại.

Chương trình sau ĐH có thể nôm na gọi là chương trình nâng cao, phát triển đào tạo nhân lực theo hướng nghiên cứu và sẽ đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao hơn.

Do đó, đào tạo phải đáp ứng nhu cầu nhân lực địa phương, khu vực, đảm bảo chất lượng đầu ra là vấn đề rất cần thiết.

Nói như PGS.TS Lương Minh Cừ thì: “Đào tạo sau ĐH hay ĐH đều phải dựa vào nhu cầu của địa phương nói rộng ra là xã hội không thể chỉ dựa vào cái mình có”. Đó là điều kiện cần để cạnh tranh của các trường, nhất là trường ngoài công lập.

Một trong những khó khăn của người học ở ĐBSCL trước đây là đào tạo sau ĐH, nhất là đối với những ngành khá đặc biệt, ví dụ như ngành báo chí.

Mới đây, Trường ĐH Cửu Long phối hợp với ĐH Xã hội và Nhân văn Hà Nội mở ngành báo chí học (định hướng ứng dụng) có 46 thí sinh trúng tuyển và nhập học.

Hiện tại, các trường ĐH ở ĐBSCL chưa đào tạo ngành báo chí trong khi nhu cầu nhân lực ngành này ngày càng tăng.

Học viên Lê Thị Hồng Vân (Cần Thơ) cho biết: “Tôi làm việc trong ngành báo chí đã 8 năm nay, do không có chuyên môn đúng ngành báo chí nên rất muốn đi học sau ĐH đúng chuyên môn.

Tuy nhiên, việc lên TP Hồ Chí Minh học tập trung sẽ gặp khó trong việc sắp xếp công việc, may nhờ có lớp ở Vĩnh Long gần hơn và lịch học cũng được xếp vào các ngày cuối tuần rất thuận tiện”.

TS. Nguyễn Văn Xuân- Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Miền Tây- cho biết: “Chúng tôi đang xây dựng chương trình đào tạo sau ĐH với 2 ngành mũi nhọn là kiến trúc và xây dựng”.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Xuân thì tùy thuộc vào tính chất, đặc điểm ngành nghề nghiên cứu hay cần thực hành nhiều mà “gia giảm” để đào tạo nhân lực phù hợp.

Trường ĐH Xây dựng Miền Tây đang tuyển sinh sau ĐH ngành Quản lý kinh tế, kết hợp với Học viện Tài chính. TS. Nguyễn Văn Xuân cười khi nói về những nghịch lý khi tuyển sinh sau ĐH: “Dù chúng tôi liên kết với các trường ĐH uy tín để tuyển sinh thì cũng rất khó tuyển”.

Tâm lý của một số người học hiện nay “có bằng là được” nên đã chọn những trường dễ dãi hơn để học các chương trình sau ĐH.

Đào tạo sau ĐH là rất cần thiết để nâng cao trình độ, kỹ năng và chất lượng nguồn nhân lực. Tuy vậy, người học và các cơ sở đào tạo cũng đừng quên gắn với chất lượng, tránh nghịch lý trong tuyển sinh hiện nay là trường càng uy tín càng khó tuyển sinh.

Tại khu vực ĐBSCL, năm 2010 trở về trước chỉ có Trường ĐH Cần Thơ đào tạo sau ĐH. Trường ĐH Cần Thơ hiện tuyển sinh 33 ngành thạc sĩ và 16 ngành đào tạo tiến sĩ. Đến nay, các trường ở khu vực đều đào tạo hoặc liên kết đào tạo sau ĐH như Đồng Tháp, An Giang, Tây Đô, Nam Cần Thơ, Cửu Long, Kinh tế công nghiệp Long An... đều có tuyển sinh thạc sĩ.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh