Xây dựng CĐR chung cho các trường SPKT- liên kết để vươn xa

03:11, 22/11/2018

Ngày 12/11/2018 vừa qua, CLB khối sư phạm kỹ thuật (SPKT) thuộc Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã tổ chức hội thảo tiến tới xây dựng chuẩn đầu ra (CĐR) chung cho các ngành, chuyên ngành SPKT trong toàn quốc. GS.TS Trần Trung- Chủ nhiệm CLB nói: "Muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi xa phải liên kết lại".

 

Liên kết là nhu cầu cần thiết để các trường vươn xa hơn.
Liên kết là nhu cầu cần thiết để các trường vươn xa hơn.

Ngày 12/11/2018 vừa qua, CLB khối sư phạm kỹ thuật (SPKT) thuộc Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam đã tổ chức hội thảo tiến tới xây dựng chuẩn đầu ra (CĐR) chung cho các ngành, chuyên ngành SPKT trong toàn quốc. GS.TS Trần Trung- Chủ nhiệm CLB nói: “Muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi xa phải liên kết lại”.

Quy định trình độ và CĐR

Ngày 18/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1982/ QĐ- TTg ban hành khung trình độ quốc gia Việt Nam với những quy định rõ về CĐR cho từng bậc học, trong đó có 6 bậc trình độ ĐH. Từ các quy định này, đòi hỏi các cơ sở giáo dục ĐH phải rà soát, chỉnh sửa, cập nhật và cụ thể hóa CĐR, chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn.

Nói về tình hình đào tạo SPKT hiện nay, PGS.TS. Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng Trường ĐH SPKT Vĩnh Long cho rằng khó khăn còn nhiều: “Giáo viên trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề hiện vẫn còn 14,7% chưa đạt chuẩn đào tạo theo quy định. Phương pháp giảng dạy, phương pháp thực hành nghề nghiệp ở nhiều giáo viên còn rất hạn chế.

Còn thiếu nhiều giáo viên có kinh nghiệm thực tiễn và khả năng tiếp cận các công cụ hiện đại. Nội dung chương trình, phương pháp đào tạo trong các trường SPKT chưa theo kịp với những đổi mới của xã hội”.

Đại diện Viện SPKT- ĐH SPKT TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng: Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học- kỹ thuật, các sản phẩm công nghệ cao ngày càng được ứng dụng phổ biến trong sinh hoạt, trong sản xuất công nghiệp và trong giáo dục.

Đặc biệt, giáo dục kỹ thuật là lĩnh vực gắn liền với công nghệ và tác động qua lại trực tiếp với công nghệ nên nhu cầu học tập của người học có những thay đổi rất nhanh và đa dạng.

Giáo viên kỹ thuật cần giỏi về chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, vừa giỏi về kỹ năng thực hành nghề, khả năng đổi mới phương pháp và ứng dụng công nghệ trong dạy học. Vì vậy, chương trình đào tạo giáo viên kỹ thuật phải được xây dựng dựa trên sự tích hợp năng lực chuyên môn kỹ thuật, năng học thực hành kỹ năng nghề, năng lực dạy học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ trong dạy học,…

Xác định nhu cầu nguồn nhân lực giáo dục nghề nghiệp là rất lớn, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu lao động trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là công tác dự báo nhu cầu lao động của giáo dục nghề nghiệp chưa sát, chưa kịp thời, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Liên kết cùng phát triển

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại thực tế trên, Trường ĐH SPKT Nam Định xây dựng và công bố CĐR chương trình đào tạo.

Sau đó, thực hiện phân tích và đánh giá chương trình đào tạo hiện hành thông qua đối sánh chương trình hiện hành với CĐR mới bằng cách khảo sát giảng viên. Sử dụng kết quả phân tích, đánh giá để xây dựng, soạn thảo chương trình đào tạo mới.

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long quy định sinh viên ra trường phải đạt chuẩn kỹ năng nghề quốc gia từ bậc 3.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long quy định sinh viên ra trường phải đạt chuẩn kỹ năng nghề quốc gia từ bậc 3.

Đại diện Trường ĐH SPKT Nam Định cho rằng: “Các trường SPKT cần phối hợp xây dựng CĐR và chương trình đào tạo chung, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho liên thông giữa các trình độ đào tạo của các trường, đồng thời nguồn nhân lực do các trường cung cấp có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng của các vùng miền trên đất nước”.

PGS.TS. Cao Hùng Phi cho rằng: “Phải xây dựng chương trình đào tạo SPKT theo hướng giảm lý thuyết hàn lâm, tăng thực hành nghề nghiệp, có sự tham gia đào tạo thực hành- thực tập sư phạm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chú trọng kiểm tra đánh giá đầu ra”. Chương trình đào tạo giáo viên ngành SPKT cần phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các yếu tố của nhu cầu thị trường lao động.

PGS.TS Phan Cao Thọ- Hiệu trưởng ĐH SPKT- ĐH Đà Nẵng cho biết: Năm 2017, nhà trường đã mạnh dạn thiết kế lại chương trình đào tạo các ngành phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 theo định hướng ứng dụng với gần 40% học phần thí nghiệm, thực hành trong các chương trình đào tạo.

Thiết nghĩ, các thành viên trong hiệp hội các trường ĐH, CĐ cần có sự thống nhất cao về chủ trương và hành động.

Để xây dựng CĐR, chương trình đào tạo dùng chung cho các khối ngành của các trường trong khối ĐH SPKT cần có sự chung tay cộng tác và chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia đến từ các trường, cần được sự hưởng ứng và chia sẻ từ lãnh đạo của các trường và của hiệp hội.

Tính đến tháng 6/2018, cả nước có khoảng 86.350 nhà giáo giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó các trường CĐ có 37.826 nhà giáo, các trường trung cấp có 18.198 nhà giáo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác có 14.845 nhà giáo.

Theo chiến lược phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đến năm 2020 cả nước cần khoảng 148.500 nhà giáo, trong đó, có khoảng 61.500 giáo viên dạy CĐ, 69.000 giáo viên dạy trung cấp và 18.000 giáo viên dạy sơ cấp. Mặc dù số lượng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đã tăng trong thời gian qua. Tuy nhiên, so với nhu cầu của chiến lược phát triển hệ thống giáo dục mầm non thì số lượng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 vẫn còn thiếu, đặc biệt những ngành nghề mới, ngành nghề đào tạo nhân lực thích ứng cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

 

Bài, ảnh: VĨNH PHÚC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh