Dạo quanh một số hiệu sách ở TP Vĩnh Long để tìm mua sách tham khảo (STK), chúng tôi thật sự "choáng" với mức độ đa dạng, phong phú của loại sách này. Còn học sinh tìm mua, có khi phải chọn hàng tiếng đồng hồ… mà vẫn chưa đúng.
Dạo quanh một số hiệu sách ở TP Vĩnh Long để tìm mua sách tham khảo (STK), chúng tôi thật sự “choáng” với mức độ đa dạng, phong phú của loại sách này. Còn học sinh tìm mua, có khi phải chọn hàng tiếng đồng hồ… mà vẫn chưa đúng.
Chỉ có một môn nhưng có cả chục đầu sách tham khảo. |
Rối như tơ vò
Nhu cầu tìm mua các loại STK tăng cao nhất vào đầu năm học mới, mỗi học sinh, phụ huynh đều có một nhu cầu riêng về STK.
Đây là điều kiện để các nhà xuất bản, các nhóm chủ biên loại sách này tung ra thị trường với các chủ đề khác nhau, như sách nâng cao kỹ năng, sách bài tập, sách luyện thi, ngân hàng đề thi,…
Vào một hiệu sách lớn, chúng tôi đếm số lượng STK ở mỗi môn học, mỗi bậc học với tâm thế “sẵn sàng rối trí”.
Ví dụ, chỉ với mỗi môn Địa lý hay Hóa học của lớp 8 thì đã có khoảng 10 đầu STK với đủ các hình thức, của nhiều nhà xuất bản. Một vị chủ biên có thể đứng tên trên nhiều đầu sách khác nhau của cùng một bậc học.
Nếu như quan điểm STK chỉ có ở các lớp bậc trung học, thì nay, sách cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học cũng được các nhà xuất bản phát hành nhiều loại khác nhau, rất dễ mua nhưng cũng rất khó lựa chọn cho phù hợp với nhu cầu.
Nhiều phụ huynh đi mua STK cũng đành “bó tay” đành nhờ sự tư vấn của giáo viên hoặc nhân viên nhà sách…
Em Trần Trọng Nhân- học sinh lớp Sinh- Tin- Sử (Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm)- cho biết, thường đi mua STK để nghiên cứu thêm nhưng thật sự rất khó lựa chọn khi mỗi môn có hàng chục quyển với đủ “kiểu” khác nhau.
“Em đi tìm mua STK mất khoảng 3 tiếng đồng hồ chỉ để đọc lướt qua hết các sách để chọn 1 quyển duy nhất.
Đó là chưa kể, mỗi cuốn sách đều có ưu điểm, nhược điểm riêng, nếu không có sự tư vấn cũng như kiểm soát chất lượng đồng bộ thì em cũng như các học sinh khác rất khó để chọn được sách phù hợp”- Nhân chia sẻ.
Em Trần Phương Nhi- học sinh lớp 11/1- cũng cho biết, hiện nay ngoài các loại STK có trên thị trường thì học sinh còn có một kênh tham khảo khác là mạng Internet.
Tuy nhiên, Nhi cũng cho biết, các kiến thức, các dạng bài hoặc ngân hàng đề thi trên không gian mạng cũng không kém phần khiến học sinh “rối trí” như ở loại STK trên thị trường.
“Thật sự là tụi em rất khó lựa chọn, thường phải nhờ các anh chị đi trước hướng dẫn hoặc thầy cô tư vấn. Nếu không có mục đích hoặc sự hướng dẫn đúng thì rất dễ lẫn lộn giữa sách dùng để tham khảo hay chỉ để đối phó với bài tập trên lớp…”- Nhi cho biết.
Chọn sách tránh “hiệu quả ngược”
Thầy Nguyễn Hồng Phước- Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm- đánh giá: STK hiện nay trên thị trường rất đa dạng, phong phú, đây có thể được xem là ưu điểm vì để học sinh, phụ huynh có nhiều sự lựa chọn.
Nhưng để vận dụng STK có hiệu quả thì bản thân người học phải tự nhận thức được mình cần gì và muốn học thêm, nghiên cứu vấn đề gì.
Thầy Nguyễn Hồng Phước cũng chia sẻ thêm, hiện nay, đa phần phụ huynh thường mua STK theo kiểu sách nào cũng mua, môn nào cũng mua, như vậy xem như là đã “trang bị đầy đủ cho con đi học”.
Tuy nhiên, việc con mình học được gì, hiệu quả ra sao từ quyển STK đó lại là vấn đề mà phụ huynh rất khó theo dõi.
“Điều đó dẫn đến kết quả là học sinh chỉ dùng STK để đối phó với bài tập trên lớp, như vậy sẽ có hiệu quả ngược, rất hại đến những kiến thức nền tảng của các em…”- thầy Phước cho biết.
Trong khi đó, một giáo viên chuyên ôn luyện học sinh giỏi cho biết, hiện nay, học sinh chia làm 3 đối tượng gồm học sinh yếu, học sinh trung bình khá và học sinh giỏi.
Ở mỗi đối tượng học sinh có năng lực và nhận thức khác nhau nên việc vận dụng STK cũng sẽ khác nhau.
Giáo viên này dẫn chứng, đối với các em có học lực yếu, trung bình khá thì chỉ cần học hết kiến thức trong sách giáo khoa là được, còn nếu có nhu cầu thì các em nên chọn loại sách tổng hợp, gắn liền với kiến thức có trong sách giáo khoa.
Còn đối với các em học sinh có học lực giỏi, thường sẽ được thầy cô hướng dẫn chọn học theo chuyên đề, ví dụ như môn Toán, các em học và nâng cao về đại số, hình học hay hàm số,…
Và thông thường, các em thường tận dụng tài liệu tham khảo của giáo viên là chính để củng cố và nâng cao kiến thức, kỹ năng.
Thầy Nguyễn Hồng Phước chia sẻ thêm, đối với nguồn tài liệu, STK, các em cần biết tận dụng, khai thác mạng Internet cho việc tự học, còn nhu cầu STK cần lựa chọn theo chuyên đề.
“Không nên sách nào cũng mua, vì tốn nhiều chi phí mà các em tham khảo cũng không hết thì sẽ không có tác dụng gì nhiều.
Trong khi đó, hiện nay công tác xuất bản chưa có sự chọn lọc kỹ, nhiều đầu sách có cách giải chưa phù hợp hoặc chưa cập nhật chương trình hiện hành của Bộ GD- ĐT.
Do đó, các em cần căn cứ vào nhu cầu bản thân, sự tư vấn của thầy cô để lựa chọn cho mình một quyển sách phù hợp, phục vụ hiệu quả nhất cho nhu cầu học và nghiên cứu…”- thầy Nguyễn Hồng Phước khuyên.
Hiện nay, đứng trước “ma trận” STK trên thị trường, nhiều ý kiến cho rằng cần có một đơn vị chịu trách nhiệm chính biên soạn, phát hành để làm cơ sở chuẩn. Em Trọng Nhân đề xuất, có thể phát hành một bộ STK chuẩn, bằng cách tổng hợp các ưu điểm của các đầu sách lại với nhau để học sinh dễ lựa chọn. Có như vậy, STK mới có sự chọn lọc biên soạn, đầu tư và đảm bảo chất lượng phục vụ cho nhu cầu học tập, giảng dạy và nghiên cứu của giáo viên, học sinh… |
Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin