Có cơ hội sang làm nghiên cứu sinh tại Đại học Newcastle (Australia), chuyên gia giáo dục, Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền đã có những trải nghiệm và cảm nhận rõ sự khác biệt trong tư duy về giáo dục của Việt Nam và các nước.
Có cơ hội sang làm nghiên cứu sinh tại Đại học Newcastle (Australia), chuyên gia giáo dục, Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền đã có những trải nghiệm và cảm nhận rõ sự khác biệt trong tư duy về giáo dục của Việt Nam và các nước.
Học sinh Việt Nam vẫn phải quay cuồng trong quá nhiều kỳ thi. Ảnh minh họa: Tô Thế. |
Ông cho rằng, tư duy “giáo dục toàn diện”, “bắt học sinh phải giỏi toàn diện” chính là quan niệm giáo dục sai lầm, không còn phù hợp.
Lao Động xin chia sẻ quan điểm của Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền về những điểm bất cập này.
Đây cũng là những góp ý của ông về việc xác định mục tiêu giáo dục, cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi đang được Bộ GDĐT lấy ý kiến trước khi trình Quốc hội thông qua:
Không nên bắt học sinh phải học giỏi toàn diện
Đối với các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến, học sinh ở độ tuổi 15, bước vào cấp ba là giai đoạn phân hóa nghề nghiệp theo năng lực và sở thích cụ thể của các em. Hệ thống trường trung học cũng được thiết kế theo các lĩnh vực mà các em có thể lựa chọn phù hợp với năng lực và sở thích. Các quốc gia như Nhật bản, Singapore, Úc, hay thậm chí Thái Lan cũng có cấu trúc hệ thống giáo dục tương tự.
Còn Việt Nam, chúng ta vẫn giữ quan niệm giáo dục sai lầm rằng phải phát triển các em trở thành con người toàn diện, mô tuýp của những bậc thánh nhân xưa. Tức là đào tạo một cá nhân trăm thứ đều hay, việc gì cũng biết nhưng điều này lại phản khoa học.
Vì thực chất mỗi cá nhân chỉ có thể có năng lực ở một vài lĩnh vực nhất định và thêm vào đó không phải tất cả các em đều giống nhau.
Vì vậy không thể và không bao giờ chỉ có một mô hình giáo dục cho tất cả. Một nền giáo dục toàn diện không phải là đào tạo ra những cá nhân toàn diện mà nó phải cung cấp các cơ hội để có thể phát triển toàn diện các năng lực của mỗi học sinh.
Ông Nguyễn Sóng Hiền cho rằng nên rút ngắn thời gian đào tạo cấp THCS. |
Nên rút ngắn thời gian giáo dục THCS
Cái khó của chúng ta hiện nay là cấu trúc hệ thống giáo dục thiếu sự thống nhất và kết nối chặt chẽ.
Với cấu trúc giáo dục song song một bên chuyên về văn hóa do Bộ GDĐT và một bên nghề do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý dẫn tới nhiều bất cập, chồng chéo.
Ngoài ra, các quốc gia có nền giáo dục tiến bộ đều thiết kế cấu trúc hệ thống giáo dục thống nhất gồm cả giáo dục chung, giáo dục nghề và theo mô hình: 6-3-3-4 (6 năm tiểu học, 3 năm THCS, 3 năm THPT và 4 năm đại học).
Nhưng Việt Nam vẫn duy trì với cấu trúc: 5-4-3-4 (5 năm tiểu học, 4 năm THCS, 3 năm THPT và 4 năm đại học) từ nhiều năm nay.
Việc giảm thời gian giáo dục tiểu học và tăng thời gian giáo dục cơ sở chỉ làm kéo dài thời gian bước vào giai đoạn phân hóa nghề theo năng lực của các em học sinh ở cấp ba.
“Giáo dục đồng phục thủ tiêu tính đa dạng trong năng lực của học sinh”
Bên cạnh đó hệ thống trường học chúng ta vẫn còn “đồng phục”, tức là một mô hình trường cho tất cả các em. Việc này làm hạn chế phát triển các năng lực nghề nghiệp của học sinh, thủ tiêu tính đa dạng trong năng lực của các em.
Việc tách rời giáo dục nghề và giáo dục chung dẫn tới sự thiếu thống nhất và đồng nhất trong việc cung ứng và đào tạo nhân lực cho xã hội.
Mục tiêu bất kỳ hệ thống nhà trường nào cũng hướng tới cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường chứ trường học không đơn thuần chỉ là nơi truyền thụ tri thức của thế hệ trước cho thế hệ sau. Thiết nghĩ, đến lúc chúng ta cần tái cấu trúc lại hệ thống giáo dục và cần sự thống nhất trong quản lý giáo dục nghề và giáo dục chung.
Ngoài ra, đối với giáo dục trung học cần có sự đa dạng trong các lĩnh vực nghề nghiệp mà các em có thể lựa chọn theo năng lực riêng của mình, chứ không nên giữ mãi quan điểm “học để thi, phải giáo dục học sinh trở thành con người giỏi toàn diện”.
Thạc sĩ Nguyễn Sóng Hiền
Theo Lao Động
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin