Kỳ cuối: Chia sẻ nỗi niềm cùng cô giáo mầm non

05:11, 29/11/2018

Khi một số câu chuyện bạo hành trẻ mầm non (MN) được tung lên mạng, không ít người "vơ đũa cả nắm" và những giọt nước mắt của các cô giáo MN lại rơi, vì búa rìu dư luận, vì "con sâu làm sầu nồi canh". 

Khi một số câu chuyện bạo hành trẻ mầm non (MN) được tung lên mạng, không ít người “vơ đũa cả nắm” và những giọt nước mắt của các cô giáo MN lại rơi, vì búa rìu dư luận, vì “con sâu làm sầu nồi canh”.

Trong khi thời gian làm việc của giáo viên MN nhiều, mức lương khởi điểm thấp,… từ đó dẫn đến những vấn đề về hạnh phúc cá nhân, đời sống tinh thần thì mấy ai hiểu. Cô giáo MN và bậc học này rất cần được sự cảm thông, sẻ chia và thay đổi cho phù hợp.

Cô giáo mầm non cần được quan tâm, chia sẻ đời sống vật chất, tinh thần.
Cô giáo mầm non cần được quan tâm, chia sẻ đời sống vật chất, tinh thần.

Giáo viên “2 không”

Giáo viên MN- xin tạm gọi là giáo viên “2 không” theo cách gọi của một số người vì các cô thường “không có tiền dư và không có thời gian rỗi”.

Mức lương khởi điểm của một giáo viên MN hiện nay là 1,86 x lương cơ bản cộng 35% phụ cấp đứng lớp. Nếu trừ những khoản đóng BHXH, BHYT,… thì mỗi tháng, một giáo viên MN được nhận khoảng 3 triệu đồng.

Bà Trương Thanh Nhuận- Phó Giám đốc Sở GD- ĐT- giải thích những mâu thuẫn của bậc học MN từ mức lương đến thời gian làm việc: “Giáo viên MN không chỉ có mức lương khởi điểm thấp hơn mà còn có giờ làm việc nhiều hơn những cấp học khác rất nhiều”.

Theo Thông tư 07, về vị trí việc làm là 200 giờ/năm, trong khi giáo viên MN có thể dạy từ 300- 350 giờ/năm. Như vậy là có mâu thuẫn với Luật Lao động và có thể thấy khối lượng công việc các cô đang gánh vác là quá tải.

Bậc học mầm non góp phần xây dựng nền tảng nhân cách đạo đức cho trẻ.
Bậc học mầm non góp phần xây dựng nền tảng nhân cách đạo đức cho trẻ.

Cô Trương Thanh Nhuận cho biết thêm, cùng là giáo viên nhưng giáo viên MN lại có thang bậc lương thấp hơn những bậc học khác.

Một giáo viên MN luôn có hệ số lương khởi điểm là 1,86 dù giáo viên đó tốt nghiệp ĐH, CĐ hay trung cấp. Bà đề nghị: “Nên có sự công bằng trong ngạch lương, hạng lương ví dụ như giáo viên hạng 4 của MN phải bằng giáo viên hạng 4 của các bậc học khác”.

Có lẽ vì công việc nhiều nên không ít giáo viên MN không lập gia đình hay đổ vỡ hôn nhân (?) Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Sương nay đã gần 60 tuổi, đang dạy một nhóm trẻ tư thục ở TP Vĩnh Long cho biết:

“Đồng nghiệp cỡ tuổi tôi, nhiều người rất tốt, rất xinh đẹp vẫn chưa có chồng, cũng có người có chồng nhưng hôn nhân đổ vỡ”.

Cô Giang Thị Hoàng Nương- chuyên viên phụ trách MN, Phòng GD- ĐT huyện Trà Ôn- thì cho rằng: Khó khăn lớn nhất của giáo viên MN là giờ giấc và áp lực công việc.

Chính áp lực về thời gian này đã khiến không ít giáo viên MN không có hạnh phúc trọn vẹn. Cô Hoàng Nương thở dài “giáo viên MN thường có tỷ lệ ly hôn hoặc không kết hôn nhiều hơn những cấp học khác”.

Những ám ảnh mang tên...

Giờ làm việc nhiều nhưng lương lại thấp hơn giáo viên ở những cấp học khác là nỗi niềm đầu tiên của giáo viên MN. Bên cạnh đó, giáo viên MN còn chịu áp lực lớn từ phía phụ huynh bởi các cô không chỉ có nhiệm vụ dạy dỗ mà còn chăm sóc, bảo vệ trẻ an toàn.

Cô Trương Thị Kim Thoa- Hiệu trưởng Trường MN Mỹ Thuận (Bình Tân)- nói: Mỗi phụ huynh thường chỉ trông chừng 1- 2 bé, trong khi ở trường cô giáo phải giữ cả ngày từ 35- 40 bé, thậm chí nhiều hơn.

Nếu như có những bé hiếu động tinh nghịch hay chạy giỡn, bị té trầy xước hoặc đánh nhau, cắn bạn thì cô giáo ít khi nhận được sự thông cảm từ phụ huynh.

Cô Thoa chia sẻ: “Tôi đã nhiều lần bị phụ huynh tìm gặp trực tiếp để mắng vốn việc giáo viên làm té hoặc để bạn cùng lớp cắn con của họ… Tôi chia sẻ với phụ huynh, đồng thời, tôi cũng thông cảm với đồng nghiệp của mình”.

Cho các bé “học bằng chơi, chơi mà học”.
Cho các bé “học bằng chơi, chơi mà học”.

Khi còn là sinh viên thực tập ở TP Cần Thơ, cô giáo Võ Thị M.P. (TX Bình Minh) từng chứng kiến phụ huynh “làm loạn” ở trường vì phát hiện con họ có vết cắn, dù cô giáo đã xin lỗi nhiều lần phụ huynh nọ cũng không nguôi cơn giận.

Trong những sự đổ vỡ của giáo viên MN, cô Hoàng Nương ấn tượng với một cô giáo ở Thuận Thới, vì ngày đầu đi xin việc cô giáo trẻ được chồng chở đến Phòng GD-ĐT nộp đơn. Cô Hoàng Nương nói: “Lúc đó, tình cảm của họ rất tốt, người chồng rất muốn vợ có thể trúng tuyển, năm đó Trà Ôn thiếu giáo viên MN, vậy là cô vợ được việc làm”. Vậy mà khi có đứa con đầu lòng hơn 1 tuổi, người chồng đòi ly hôn. Lý do là “cô giáo không chăm sóc con, việc chăm con chỉ do bà nội làm, cô ấy không chăm sóc được gia đình”. Cô Hoàng Nương đã gần 50 tuổi và vẫn chưa lập gia đình, cười nhẹ: “Tôi còn chăm lo mẹ già… Năm trước, khi bệnh nằm viện, tôi cũng phải tự chăm sóc bản thân”.

Cô M.P. chia sẻ: “Nỗi lo lớn nhất của giáo viên MN là những cuộc điện thoại khuya khoắt của phụ huynh”. Sợ bị phụ huynh phản ánh, sợ trẻ bị thương tích, sợ… trong khi những lúc cô phải vừa dọn cơm vừa trông chừng bé, thì con số 35 đứa con là rất khó quản lý.

Một hiệu trưởng trường MN từng chia sẻ “tôi chỉ mong đến tuổi hưu được hạ cánh an toàn, không có trẻ thương tích, tai nạn gì”.

Áp lực của các cô giáo MN là rất lớn, trong khi, các cô cũng là những con người bình thường như những người mẹ bình thường, khác nhau ở chỗ những người mẹ này, bình quân có khoảng 30 đứa con!

Giáo viên MN cần lắm sự cảm thông chia sẻ về đời sống vật chất, tinh thần. Cần những thay đổi công bằng hơn về mức lương để các cô ổn định cuộc sống, yên tâm yêu nghề, yêu trẻ.

Cần lắm chỗ dựa vững chắc là người chồng, gia đình chồng có thể cảm thông, chia sẻ và san sớt những công việc gia đình, chăm sóc con cái.

Thiết nghĩ, việc bổ sung biên chế cho bậc MN là rất phù hợp và nhân văn vì phần đông giáo viên MN ở các trường đang trong độ tuổi sinh con. Thực tế thiếu giáo viên hiện nay làm một số lớp chỉ có 1 cô hoặc ban giám hiệu phải hỗ trợ giáo viên chăm sóc trẻ.

 

Cô Võ Thúy Hằng- Hiệu trưởng Trường MN Tân Mỹ nói: “MN cũng như những bậc học khác, giáo viên soạn giáo án cụ thể, thậm chí đồ dùng dạy học còn nhiều hơn. Giáo viên phải không ngừng học tập, rèn luyện vì chương trình giáo dục luôn thay đổi”. 18 năm gắn bó với trẻ, cô Hằng cười: Lúc trước làm giáo viên, đi suốt từ thứ hai đến thứ sáu, thứ bảy có thể họp nữa. Nay làm ban giám hiệu thì dường như không còn thứ bảy, chủ nhật nào trống nữa.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh