Cần thay đổi chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non

05:11, 28/11/2018

Công việc của giáo viên mầm non thực tế không hề nhẹ nhàng cũng không phải không lao động trí óc. Tầm quan trọng của giáo dục đạo đức, nhân cách con người ở bậc học này cũng không thể thờ ơ.

 

Cùng tốt nghiệp ĐH hoặc CĐ, nhưng giáo viên mầm non (MN) lại có mức lương khởi điểm thấp hơn những cấp học khác: hệ số lương 1,86 cho tất cả các trình độ. Trong khi, ở cấp tiểu học, THCS, THPT được trả hệ số lương tương đương trình độ.

Hơn thế nữa, giờ dạy của giáo viên MN cũng nhiều hơn những cấp học này: giáo viên tiểu học là 23 tiết/tuần, THCS là 19 tiết, THPT 17 tiết. Trong khi, giờ dạy ít nhất của giáo viên MN là 30 giờ/tuần.

Công việc của giáo viên mầm non thực tế không hề nhẹ nhàng cũng không phải không lao động trí óc. Tầm quan trọng của giáo dục đạo đức, nhân cách con người ở bậc học này cũng không thể thờ ơ.

Kỳ 1: Những người ươm mầm xanh

Cô giáo mầm non không chỉ chăm sóc mà còn góp phần giáo dục trẻ nên người.
Cô giáo mầm non không chỉ chăm sóc mà còn góp phần giáo dục trẻ nên người.

“Dạy con từ thuở còn thơ”- các cô giáo MN cũng chính là những người mẹ nuôi dưỡng tâm hồn, xây dựng nhân cách trẻ. Nền tảng của một con người được xây dựng từ những năm đầu đời và trường MN chính là nơi nuôi dưỡng, ươm những mầm xanh hy vọng cho gia đình, xã hội mai sau.

Cô giáo MN không ngơi tay

Công việc của một cô giáo MN tưởng chừng đơn giản nhưng “làm không ngơi tay được”. Hơn thế nữa, cô giáo còn phải là người có tâm với nghề, yêu trẻ, biết cách chăm sóc, dạy trẻ chăm ngoan.

Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long Trương Thanh Nhuận cho biết: “Công việc của cô giáo MN bắt đầu từ lúc 6 giờ sáng và kết thúc lúc 17 giờ, có khi hơn thế nữa vì cô giáo phải đợi cha mẹ rước hết tất cả các bé xong mới được về nhà”.

Đối với một trường MN bán trú, mỗi ngày trẻ được ăn 1 bữa sáng, 2 bữa chính và 2 bữa phụ. Mỗi bữa ăn thì giáo viên đều phải dọn bàn ra rồi xếp bàn vào, lau chùi, quét dọn. Xen lẫn các bữa ăn lần lượt là giờ tập thể dục, giờ học, giờ ôn, giờ vui chơi…

Nuôi dưỡng những mầm xanh hy vọng.
Nuôi dưỡng những mầm xanh hy vọng.

Với chương trình MN mới “lấy trẻ làm trung tâm” các cô không chỉ chăm sóc mà còn cho trẻ phát huy khả năng của bản thân, khả năng đóng góp, suy nghĩ,… “Có những công việc không tên nhưng lại rất nhiều và không phải ai cũng có thể làm được”- bà Trương Thanh Nhuận nói.

So với những cấp học khác, MN cần nhiều đồ dùng, đồ chơi hơn, do các bé được học bằng chơi, chơi mà học. Do đó, cô giáo MN phải thường xuyên làm đồ dùng, đồ chơi và mỗi sản phẩm thường có vài chục món như nhau để bé nào cũng có.

Cô Trương Thị Kim Thoa- Hiệu trưởng Trường MN Mỹ Thuận (huyện Bình Tân)- là người có 16 năm trong nghề, từng làm giáo viên rồi đến cán bộ quản lý.

Cô so sánh dạy MN như “làm dâu trăm họ”. Giáo viên MN thường xuyên đi sớm về muộn, chăm sóc con mọi người nhưng không có thời gian chăm sóc con mình… và một khi có sơ suất xảy ra thì dù nhỏ giáo viên cũng sẽ “ăn không ngon, ngủ không yên”.

Chăm sóc, dạy dỗ hơn 30 đứa con cùng một lúc sẽ thế nào? Cô giáo MN thường biết rành những đặc điểm của các bé trong lớp như thích hay không thích ăn gì,…

“Và chuyện thường ngày là các bé bị bệnh nôn trong lớp học, bé nhỏ ị hoặc đi tè trong quần,… Nếu có bé bị bệnh thì cô phải thức canh chừng, mỗi tiếng ho giữa trưa và chỉ cần một vài tiếng ho là giật thót tim, không ngủ được”- cô giáo Nghiêm Thị Hồng Nga- Trường MN 8 (TP Vĩnh Long) chia sẻ.

Tỉnh Vĩnh Long có 130 trường MN, gồm 119 trường công lập và 11 trường tư thục. Trong đó, có 2 nhà trẻ, 45 trường mẫu giáo, 83 trường MN. Tính đến tháng 8/2018, Vĩnh Long có 108/109 xã- phường- thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục MN 5 tuổi, đạt tỷ lệ 99,1%; 100% huyện- thị- thành đạt chuẩn này.

Cho con ngoan, trò giỏi

Thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường MN lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2016- 2020”, tạo cơ hội cho trẻ tích cực khám phá, trải nghiệm và sáng tạo theo phương châm “Học bằng chơi, chơi mà học” phù hợp với lứa tuổi là việc MN Vĩnh Long đang làm.

“Dạy con từ thuở còn thơ”, trẻ em vốn như tờ giấy trắng mà giáo viên MN là những người tô hồng tờ giấy ấy bên cạnh ông bà, cha mẹ. Không thể phủ nhận vai trò rèn luyện nhân cách, đạo đức, khơi trí tưởng tượng, dạy bé hòa đồng, yêu thiên nhiên, sống kỷ luật,… của giáo dục MN.

Một đứa trẻ có thể ngỗ nghịch ở nhà nhưng khi được đến trường MN thì có thể thay đổi, trở nên ngoan ngoãn hơn. Không những thế, cô giáo còn là người chăm sóc, bảo vệ bé cho cha mẹ yên tâm làm việc.

Dạy trẻ biết yêu thương, chia sẻ.
Dạy trẻ biết yêu thương, chia sẻ.

Niềm vui của cô giáo MN chính là thấy các bé khỏe mạnh, chăm ngoan. Cô Giang Thị Hoàng Nương- chuyên viên phụ trách MN (Phòng GD- ĐT huyện Trà Ôn)- có 29 năm công tác ở các vị trí giáo viên, ban giám hiệu… Hạnh phúc của cô Nương là 14 trường MN trong huyện giờ đã không còn sự phân biệt trường làng, trường chợ “các bé được chăm sóc như nhau ở những ngôi trường tương tự nhau”.

Trường MN Tân Mỹ (Trà Ôn)- ngôi trường đạt chuẩn quốc gia- với 2 hàng phượng mùa này xanh mát. Ngôi trường khang trang với những lớp học đầy đủ đồ dùng, học sinh Kinh- Khmer được học tập, vui chơi thật tốt.

Cô Võ Thúy Hằng- Hiệu trưởng Trường MN Tân Mỹ- nói: “MN cũng như những bậc học khác, giáo viên soạn giáo án cụ thể, thậm chí đồ dùng dạy học còn nhiều hơn. Giáo viên phải không ngừng học tập, rèn luyện vì chương trình giáo dục luôn thay đổi.

Cho con đến nhà trẻ từ khi bé Su Su lên 2 tuổi, anh Nguyễn Văn Việt- một phụ huynh ở Phường 8 (TP Vĩnh Long)- rất hài lòng về ngôi trường của con: “Sân chơi, lớp học thoáng mát, sạch sẽ, có nhiều đồ chơi”.

Bé Su Su rất thích đi học vì có nhiều bạn bè và theo anh Việt thì từ khi được đến trường, Su Su ngoan hơn, biết dạ, biết cảm ơn, xin lỗi. Ngoài ra, bé Su Su đã học được cách tự múc cơm ăn, tự đi vệ sinh, tự dẹp chén sau khi ăn,… Anh Việt khoe: “Su Su giờ không gây gổ với em, không giành đồ chơi mà biết nhường nhịn em hơn, biết yêu thương chia sẻ với mọi người”.

“Có tài mà không có đức là người vô dụng”- đạo đức chính là cái gốc để mỗi con người trưởng thành, đóng góp cho xã hội. Những công việc tưởng chừng như đơn giản của các cô giáo MN thực chất được xây dựng bằng tình yêu nghề, yêu trẻ. Xin hãy trân trọng, cảm thông với những khó khăn, nỗi niềm mang tên “mầm non”.

 

 

Cô Trương Thanh Nhuận: Ngoài đời sống vật chất tức là lương của giáo viên MN cần được tăng bằng cách tính lương của các bậc học khác. Tôi còn lo lắng về đời sống hạnh phúc của các cô giáo MN, vì ít có điều kiện tiếp xúc bên ngoài, quá chăm lo cho công việc,.. không ít cô giáo MN không lập gia đình.

 


Cô Nguyễn Thị Tuyết Sương lo ngại độ tuổi hưu của giáo viên MN: 60 tuổi, tôi không biết còn bao nhiêu giáo viên MN còn đủ sức khỏe và có thể chịu được áp lực công việc, để trông chừng, dạy dỗ mấy mươi đứa con và hơn nữa là trẻ em vẫn thích cô giáo… trẻ đẹp.


Bài, ảnh: CAO HUYỀN

>> Kỳ cuối: Chia sẻ nỗi niềm cùng cô giáo mầm non

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh