Nhiều ngày qua, tài liệu "Tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục" phải hứng chịu rất nhiều phản ứng gay gắt từ cộng đồng về cách đánh vần hoặc các mẩu chuyện trong đó. Người khen hay, người chê dở- do đó, ngoài những phản ánh từ cộng đồng, tài liệu này rất cần được đánh giá khách quan từ các nhà chuyên môn…
Nhiều ngày qua, tài liệu “Tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục” phải hứng chịu rất nhiều phản ứng gay gắt từ cộng đồng về cách đánh vần hoặc các mẩu chuyện trong đó. Người khen hay, người chê dở- do đó, ngoài những phản ánh từ cộng đồng, tài liệu này rất cần được đánh giá khách quan từ các nhà chuyên môn…
Bộ tài liệu Tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục. |
Hiểu lầm việc “vuông, tròn”
Mấy ngày nay, ông Nguyễn Văn Năm (79 tuổi ở xã Mỹ An- Mang Thít) luôn trong tâm trạng bối rối khi đứa cháu đang học lớp 1 lúc nào cũng học và phát âm theo hình “vuông, tròn, tam giác”.
Ông Năm cho hay, khi chỉ vào hình vuông, tròn thì bé đọc “ro ro”, còn khi chỉ vào các chữ phía trên thì bé… chào thua.
“Chính vì việc ngược đời như vậy mà người cô ruột của cháu cứ thắc mắc ở trong trường đang dạy cái gì và chất vấn liệu đây có phải là… tiếng Việt mới hay không?”- ông Năm cho biết.
Tài liệu “Tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục” là thành quả của một tập thể các nhà khoa học, đứng đầu là GS. Hồ Ngọc Đại. Tài liệu được thí điểm từ năm 1978 đến nay. Hiện bộ tài liệu này đã được áp dụng tại 49 tỉnh- thành với khoảng 800.000 học sinh. |
Cũng cùng suy nghĩ, bà Nguyễn Thị Đ. ở xã Thanh Đức (Long Hồ) có đứa cháu mới vào học lớp 1 ở một trường tiểu học thuộc Phường 4 (TP Vĩnh Long).
Bà Đ. cho hay, mấy ngày đầu chưa để ý nhưng sau đó thấy cháu cứ nhìn vào các ô vuông để đọc: “Mới đầu tui nghĩ đây là một cách học mới nhưng sao càng nghĩ, tui thấy thầy cô giáo trong trường nếu theo phương pháp này thì học sinh sẽ học vẹt,
và nếu như học sinh không chú tâm vào việc học thì không biết hậu quả sẽ như thế nào và việc học của các cháu có được tiếp tục hay không nếu như tiếng Việt chưa rành…”
Khá nhiều phụ huynh cũng không giấu vẻ “quan ngại” khi nhiều từ ngữ trong sách công nghệ này tương đối khó hiểu, thậm chí là đối với người lớn.
Ông Trần Văn Nghĩa (Khóm 7, thị trấn Long Hồ) dẫn chứng, trong sách có khá nhiều từ mà ông cho rằng, mang nặng khuynh hướng phương ngữ, ví như “gà qué”, “ngóe”, “chú ỉ”, “con rơi”, “bể”…
Đây là những từ khá khó hiểu và trẻ em không ở vùng có phương ngữ này sẽ rất khó học, phụ huynh cũng “bó tay”.
Trong khi đó, giáo viên của một trường tiểu học ở TP Vĩnh Long cho rằng, nhà trường đã áp dụng tài liệu này từ nhiều năm nay. Trong sách, ban đầu thật sự là gây khó khăn cho cả giáo viên, học sinh và đã có những phản ảnh của phụ huynh.
Hiện Vĩnh Long đã có 149 trường tiểu học triển khai Bộ tài liệu Tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục với 438 lớp và 13.540 học sinh. Ảnh minh họa |
Nhưng theo giáo viên này, sách Tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục đã sử dụng những ô vuông để các em có thể dễ dàng hình dung hơn.
Ví dụ, các em được học “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” thì mỗi ô vuông sẽ tượng trưng cho một tiếng trong câu thơ. Các em mới vào lớp 1 chưa biết chữ nhưng việc đếm từ 1- 20, thậm chí số cao hơn tương đối dễ dàng.
“Vì vậy, qua các ô vuông, chính là phương pháp trực quan, các em sẽ biết được câu thơ có bao nhiêu tiếng…”- cô giáo chia sẻ.
Tài liệu trực quan giúp học sinh đánh vần, viết chính tả tốt?
Là người đã giảng dạy theo sách Công nghệ giáo dục nhiều năm, cô T. (giáo viên tiểu học ở TP Vĩnh Long) cho rằng, các hình khối trong sách để minh họa cho “tiếng và từ” và đây là những bài học đầu tiên trong cuốn sách.
Cô T. cho hay, đối với các em lớp 1 khi chưa nhận biết được mặt chữ thì đây là lựa chọn trực quan nhất có thể. Sau đó, trẻ sẽ học được cách đánh vần chuẩn và viết chính tả tốt.
Một số từ ngữ gây khó hiểu cho giáo viên, phụ huynh và học sinh. |
Là một cử nhân chuyên ngành ngôn ngữ học, chị P.T. hiện đang công tác tại một đơn vị truyền thông cho rằng, “việc đánh vần như sách Công nghệ giáo dục lớp 1 là khoa học, dựa trên cơ sở ngữ âm tiếng Việt (ví dụ như chữ “k”, “qu”, “c” đều đọc là “cờ”) không có điều gì bất thường như mọi người bàn cãi trong thời gian qua.
Âm và chữ hay nói cụ thể tên con chữ và cách đọc con chữ đó hay âm cần phải phân biệt. Trước những điều mới hay những cải cách, khi chưa thật sự hiểu đúng mà nhiều bạn trẻ, trong đó có cả phụ huynh đã vội phản ứng tiêu cực.
Nếu không đồng tình với một vấn đề nào đó, mọi người có quyền lên tiếng phản đối, đó là quyền cơ bản. Và khi từ chối cho con em học chương trình này thì mọi người phải phản biện phương pháp đó, chứ không phải mắng chửi vô tội vạ cá nhân những người liên quan hoặc “tấn công” cả những người ủng hộ nó”.
Trong khi đó, thầy Võ Thành Long- Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Long Hồ (huyện Long Hồ) cho biết, nhà trường đã áp dụng chương trình Công nghệ giáo dục từ nhiều năm nay.
Kết thúc năm học 2017- 2018, toàn tỉnh có 149 trường tiểu học với 438 lớp và 13.540 học sinh học tài liệu “Tiếng Việt- Công nghệ giáo dục”. Trong đó, số học sinh đạt điểm 9, 10 trong kỳ kiểm tra cuối học kỳ II của năm học chiếm gần 72%; điểm từ 5- 8 là gần 28% và dưới điểm 5 là 0,64%. Riêng tổng hợp đánh giá, tỷ lệ học sinh hoàn thành tốt là gần 83%; hoàn thành gần 17% và chưa hoàn thành là 0,16%. |
“Chương trình sẽ gây khó khăn từ ban đầu nhưng thật sự hiệu quả trong giai đoạn sau, nhất là chỉ sau 1 học kỳ, các em sẽ đọc và viết rất chính xác.
Qua đó cho thấy hiệu quả của chương trình và không như suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh…”- thầy Long chia sẻ.
Còn thầy Bùi Chí Hiếu- nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm- cho rằng, giai đoạn “đánh vần” chỉ chiếm một quỹ thời gian ngắn trên con đường tiểu học.
Học sách hiện hành hay sách Công nghệ giáo dục, cuối cùng học sinh cũng đọc được. “Bằng chứng là con tôi hồi nhỏ học Trường Tiểu học Hùng Vương- nơi dạy thí điểm sách công nghệ- giờ đọc sách, viết chính tả ào ào, trúng phóc”- thầy chia sẻ.
Trong hội nghị tổng kết bậc tiểu học, năm học 2017- 2018, thầy Nguyễn Tương Xuyên Nghiêm- Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD- ĐT) thông tin, để triển khai “Tiếng Việt lớp 1- Công nghệ giáo dục”, ngành giáo dục tập huấn rất nhiều đợt, nhiều lớp để cán bộ, giáo viên nắm vững phương pháp, kiến thức để truyền đạt cho học sinh.
Đặc biệt, ngành cũng tập huấn luôn cho giáo viên khối lớp 2, tạo điều kiện tốt để giáo viên bám sát tình hình, thực tế của học sinh đã và đang học theo chương trình công nghệ giáo dục.
Theo Bộ GD- ĐT, căn cứ vào kết quả khảo sát, đánh giá của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và ý kiến kết luận của Hội đồng thẩm định tài liệu, Bộ GD- ĐT hướng dẫn đến các Sở GD- ĐT triển khai tài liệu này phù hợp điều kiện cụ thể từng địa phương trên nguyên tắc tự nguyện của trường trong năm học 2017- 2018 và năm học 2018- 2019 ở những nơi đang triển khai và không mở rộng để giữ ổn định cho đến khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. |
Bài, ảnh: KHÁNH DUY
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin