Qua 15 năm san sẻ khó khăn, tiếp thêm động lực cho hàng chục ngàn sinh viên trên cả nước, chương trình học bổng "Tiếp sức đến trường" của Báo Tuổi Trẻ gửi đi thông điệp: "Không để bất cứ bạn trẻ nào học giỏi, có ý chí vươn lên đậu ĐH mà vì nghèo khó phải từ bỏ ước mơ vào giảng đường".
Qua 15 năm san sẻ khó khăn, tiếp thêm động lực cho hàng chục ngàn sinh viên trên cả nước, chương trình học bổng “Tiếp sức đến trường” của Báo Tuổi Trẻ gửi đi thông điệp: “Không để bất cứ bạn trẻ nào học giỏi, có ý chí vươn lên đậu ĐH mà vì nghèo khó phải từ bỏ ước mơ vào giảng đường”.
Những tân sinh viên Vĩnh Long được nhận học bổng tại chương trình. |
Chương trình năm 2018 dành cho các sinh viên ĐBSCL vừa được tổ chức tại TP Cần Thơ, viết tiếp câu chuyện về nghị lực vượt khó để vươn đến làm chủ tri thức và lòng hiếu thảo đáng trân trọng từ những bạn trẻ.
Đồng hành những ước mơ
Ông Võ Thành Thống- Chủ tịch UBND TP Cần Thơ- bày tỏ sự ghi nhận và trân trọng sự nỗ lực của các bạn tân sinh viên: Mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có nghị lực phi thường vượt qua khó khăn để hoàn thành sứ mệnh học tập của mình.
Có nhiều bạn với hoàn cảnh đặc biệt: mồ côi cha mẹ bươn chải đủ nghề, có bạn vừa học vừa làm vừa chăm sóc mẹ bệnh ngặt nghèo, có bạn đến ngày nhập học vẫn phải đi kiếm tiền nhưng vẫn chưa đủ đóng học phí đành phải từ bỏ ước mơ,
thậm chí có bạn đậu ĐH liên tục 2- 3 năm vẫn không đến giảng đường được vì không có đủ tiền. Dù khó khăn nhưng tất cả vẫn nỗ lực vượt qua, không đầu hàng số phận.
Đó là những câu chuyện kể không bao giờ hết về những mảnh đời khó khăn khi đến với chương trình “Tiếp sức đến trường”.
Trò chuyện bên lề với nhà báo Phạm Diễm- Báo Tuổi trẻ, chị kể chúng tôi nghe những câu chuyện của tân sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh- Nguyễn Phương Tính.
“Hôm chúng tôi gọi báo tin được học bổng cho Tính và yêu cầu em đem theo chứng minh nhân dân thì em nói đã đi cầm xe và giấy tờ rồi”.
Để có tiền nhập học, Tính đã cầm phương tiện duy nhất của gia đình là chiếc Cup 50 với giá 5 triệu đồng.
Nhà báo Bùi Thanh- Tổng Thư ký tòa soạn Báo Tuổi Trẻ- chia sẻ chương trình xuất phát từ tấm gương vượt khó của một sinh viên Quảng Trị đậu 3 trường ĐH hơn 10 năm về trước mà không có cơ hội đến giảng đường, sau đó nhờ được hỗ trợ nên kịp thời đến trường.
Ông trăn trở: Những mùa khai giảng như thế này còn bao nhiêu hoàn cảnh như thế? Và từ đó, chương trình “Tiếp sức đến trường” ra đời.
Nhiều năm gắn bó với chương trình, ông Ngô Văn Đông- Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền, Phó trưởng ban Giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường”- cho biết nghị lực của các sinh viên đã tác động lớn đến các nhà tài trợ.
Ông nhắn nhủ: “Hãy trở thành những công dân tốt không phụ lòng những người đã giúp các em ở giai đoạn gian khó nhất”.
Gắn bó với chương trình suốt 15 năm qua, ông Lê Quốc Phong- Trưởng Ban tổ chức Giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường” cũng chia sẻ nghị lực từ những người trẻ đã lay động trái tim và giữ chân ông muốn gắn bó cùng chương trình mãi sau này nữa.
“Hỗ trợ về vật chất nhưng điều lớn nhất mà chúng tôi mong muốn trao đi là tấm lòng, là niềm tin rằng các bạn sẽ trưởng thành và có những cống hiến cho xã hội này”- ông bày tỏ.
Thắp lên hy vọng
Những hoàn cảnh khó khăn giao lưu trực tiếp với chương trình. |
Đối với những tân sinh viên khó khăn, hy vọng được tiếp tục đi học, được bước vào giảng đường ĐH, được thắp lên nhờ sự chung tay, đóng góp “nghĩa tình người phương Nam”.
Chú Đinh Văn Giàu (xã Lục Sĩ Thành- Trà Ôn) cười hạnh phúc khi thấy con gái Đinh Thị Kim Thùy lên nhận học bổng.
Chú chỉ tay lên sân khấu, nói nhỏ: “Con gái tui đó, 12 năm liền là học sinh giỏi, được 21 điểm thi ĐH. Hôm có kết quả trúng tuyển, tui vừa mừng vừa lo”.
Nhà không có đất sản xuất, thu nhập chỉ trông vào tiền làm thuê của vợ chồng chú để lo cho chị em Thùy và ông nội già yếu.
Giao lưu với chương trình, em Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (huyện Cần Đước- Long An) tân sinh viên Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh. 18 tuổi, Hạnh có gần 10 năm kinh nghiệm đi làm thuê.
Ngoài thời gian đi học, Hạnh lại ra tiệm tạp hóa trong chợ Cầu Xây cách nhà mấy cây số để phụ việc kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi. Có những ngày, Hạnh phải thức dậy từ 4- 5 giờ sáng.
Những năm khiêng hàng hóa, rau củ ở chợ, phụ quán, đôi bàn tay của cô gái nhỏ đầy những nốt chai sạn.
Ý chí sinh tồn của đứa trẻ bị cha mẹ ruột bỏ rơi từ khi mới 3 ngày tuổi đã hun đúc cho Hạnh tinh thần tự lập. “Điều may mắn bù lại là được cha mẹ nuôi hết mực lo lắng.
Cũng vì lẽ đó mà em quyết tâm học, học để thoát nghèo, có điều kiện báo đáp công ơn cha mẹ và những người hàng xóm đã cưu mang mình”- Hạnh rưng rưng nói về động lực để em cố gắng.
Không giấu được xúc động khi nhận được học bổng 10 triệu đồng, em Kim Thị Ngọc Chi (TX Bình Minh)- tân sinh viên Trường ĐH Cần Thơ cười trong nước mắt: “Em đã có tiền đóng phần học phí còn lại rồi, số tiền còn dư em sẽ chi tiêu thật tiết kiệm cho năm học đầu tiên”.
Cô bé Nguyễn Thị Uyển Nhi (ở Bình Tân) ngồi cạnh bên cũng sung sướng vì “đã có tiền trả nợ hôm nhập học”.
Số tiền 10 triệu, 15 triệu đối với 4 năm ĐH là không nhiều là chưa đủ nhưng đó chính là động lực, là ngọn lửa thắp lên hy vọng trong lòng những bạn trẻ khó khăn.
Hãy cứ ước mơ đi, khó khăn thì ai cũng phải đối mặt trong đời nhưng các bạn đã được sẻ chia từ những tấm lòng, từ nghĩa tình phương Nam như thế!
Học bổng “Tiếp sức đến trường” ở ĐBSCL với tên gọi “Nghĩa tình phương Nam” đã trao cho 219 tân sinh viên vượt khó của 11 tỉnh- thành ĐBSCL năm nay có tổng kinh phí hơn 2,2 tỷ đồng, trong đó mỗi suất học bổng là 10 triệu đồng, 7 suất đặc biệt trị giá 15 triệu đồng/suất. |
Bài, ảnh: HUYỀN THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin