Bước vào giảng đường, không còn là học sinh mà các bạn đã tiến lên một bước ngoặt khác trong cuộc đời mình, trở thành sinh viên (SV)! Cần chuẩn bị hành trang gì cho khoảng thời gian thanh xuân này thật có ý nghĩa?
Bước vào giảng đường, không còn là học sinh mà các bạn đã tiến lên một bước ngoặt khác trong cuộc đời mình, trở thành sinh viên (SV)! Cần chuẩn bị hành trang gì cho khoảng thời gian thanh xuân này thật có ý nghĩa?
Nhập học, tân sinh viên cần chuẩn bị tâm lý, kỹ năng để nhanh chóng thích ứng với cách học mới. |
Không phải trường cấp IV
Vào ĐH, CĐ chương trình học, cách học sẽ khác đi rất nhiều và không ít SV sẽ “sốc” nếu như không nắm bắt được cách học mới.
Khác biệt trước nhất là việc học theo tín chỉ, mỗi SV có thể xây dựng thời khóa biểu riêng cho mình bằng cách đăng ký học các môn tương ứng trong chương trình.
Đối với những trường càng lớn, càng đông SV thì sự chủ động này càng nhiều hơn. Ví dụ như SV ĐH Cần Thơ có thể xếp lịch học để ra trường sau 3 năm hoặc 6 năm; một môn học có nhiều giảng viên, mỗi giảng viên lại có nhiều nhóm lớp, một nhóm lớp có thời khóa biểu riêng.
Tất cả việc đăng ký này đều thực hiện trên máy tính và tân SV sẽ được hướng dẫn việc đăng ký học phần từ đầu năm học. Quan trọng là khi được hướng dẫn, các em không được lơ là, đôi khi đăng ký thiếu một môn học nào đó trong chương trình có thể “không kịp tiến độ ra trường”.
Các môn học của học kỳ 1 lại thường là nhóm môn chính trị, mà các SV đi trước gọi vui là 3K “khó, khô và khổ”. Nhớ về năm thứ nhất của mình, bạn Huỳnh Như học ngành Ngữ văn- Trường ĐH Cần Thơ nói:
“Sợ nhất là môn Triết học, học trong hội trường với hơn 100 SV, ban đầu mình cố nghe thầy giảng, càng nghe càng mệt và khó hiểu quá, sau đó thì buồn ngủ không chịu nổi. May mắn cho các bạn SV hiện nay vì đây là môn điều kiện lại thi đề mở”.
Chị Lê Hương Bình- Phó Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh Vĩnh Long, giảng viên Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long- cho biết: “Các môn học CĐ không đòi hỏi các bạn phải học thuộc lòng như ở phổ thông, các bạn chỉ cần nắm vững những kiến thức cơ bản và vận dụng thực tế”.
Nhưng chương trình đòi hỏi SV phải tự tham khảo và tìm tài liệu phục vụ cho các môn học. Các môn học mang tính lý thuyết nhưng kèm theo là liên hệ thực tế.
Thầy cô chỉ định hướng các nội dung, chủ yếu là các bạn làm việc nhóm, thảo luận và trình bày ý kiến về nội dung đã tìm hiểu. Các nội dung học tập thường được gắn kết giữa lý luận và thực tiễn.
Ngoài việc học ở trường SV phải tự nghiên cứu và phát huy vai trò học nhóm. Anh Lê Thanh Quang Đức- Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long- cho biết:
“Ngoài giáo trình, muốn hiểu bài phải chịu khó đọc sách, trên mạng và đặc biệt là thư viện. Ở ĐH, CĐ thì không có chuyện đi học thêm”.
Hạn chế mà anh Đức thường thấy ở các tân SV là các em khá nhút nhát, thầy giảng bài “hiểu hay không hiểu cũng êm ru”.
Coi chừng “mắc cạn”
Vào ĐH là một chuyện, đầu ra lại là chuyện khác. |
Rất nhiều SV phải sống xa nhà “xa tầm kiểm soát của bố mẹ” nên chuyện “thanh xuân có tươi đẹp hay không” còn tùy thuộc vào ý chí của mỗi người.
Sống xa nhà đòi hỏi tính tự lập của các bạn rất cao, do đó các bạn cần chuẩn bị về tinh thần, có thể sống cùng với những người bạn không quen biết, do đó cần phải biết dung hòa, nhường nhịn nhau trong cuộc sống, rèn luyện khả năng tự mình đối mặt với những khó khăn và biết cách xử lý tình huống khi gặp một số vấn đề bất ngờ khi xảy ra.
Một trường ĐH ở Vĩnh Long vừa trao bằng tốt nghiệp cho SV và có 60% SV tốt nghiệp. 40% còn lại đã “rơi rụng” theo năm tháng vì đủ lý do: nợ quá nhiều môn nên đang học lại, đã nghỉ học vì cảm thấy học nhầm ngành, chọn ngành không yêu thích,…
Có thể thấy con đường vào ĐH, CĐ tuy rộng mở nhưng “lối ra” sẽ có một chuẩn riêng mà không phải SV nào cũng đáp ứng được.
Vấn đề mà anh Lê Thanh Quang Đức cho là đáng quan tâm hiện nay là: “SV nghiện game. Có những SV vì mê game mà bỏ học, thậm chí có em phải đi chữa bệnh”- anh Đức dẫn chứng- “Có một SV khá nhưng mê game quá, giờ đang đi chữa bệnh tâm lý vì lúc nào cũng ngơ ngác, miệng cười cười và cổ lắc lắc”.
Đặc biệt với tân SV sống xa nhà, thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ- nếu đã nghiện game thì rất dễ “tái nghiện”.
Anh N.V.T. (Tam Bình) có con học ĐH ở Vĩnh Long đã từng “muốn rớt nước mắt tại trường” khi hỏi thăm phòng đào tạo mới biết con mình “còn nợ 8 môn, không ra trường được”.
Anh T. nói: “Tôi thấy bạn bè nó tốt nghiệp đăng Facebook mà nó cứ trơ trơ tuần nào cũng đi học, hỏi thì con không nói nên tôi mới lên tận trường”.
Anh T. còn được các thầy cô giải thích là con anh không phải “nợ môn do học kém mà là không chịu đi học”. Đến nhà trọ tìm con không gặp, anh T. được bà chủ nhà trọ chỉ điểm “qua tiệm game kế bên” thì thấy ngay con trai!
Bước qua tuổi 18, chúng ta phải học cách sống tự lập, tự làm chủ thời gian và phải cố gắng cho tương lai của chính mình. Học CĐ, ĐH không khó mà cũng không dễ, nơi đó chính là thanh xuân của bạn, do bạn chọn. Thanh xuân có tươi đẹp, ý nghĩa hay không tùy thuộc vào hành động của từng người.
Đã từng là sinh viên và làm công tác học sinh SV hơn 10 năm, anh Lê Thanh Quang Đức chia sẻ: “Học ĐH không hiểu bất cứ điều gì thì phải hỏi tới cùng, phải tự học và phát huy học nhóm. Tăng cường học tại thư viện và nhớ ngoại ngữ là chìa khóa thành công. Đồng thời, nên tham gia các đoàn thể, CLB có ích”. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin