Gặp lại những giáo viên trưởng thành từ vùng kháng chiến, rồi đến ngày giải phóng, những sự đổi thay của giáo dục xưa và nay đã có sự thay đổi sâu sắc… đến bất ngờ.
Gặp lại những giáo viên trưởng thành từ vùng kháng chiến, rồi đến ngày giải phóng, những sự đổi thay của giáo dục xưa và nay đã có sự thay đổi sâu sắc… đến bất ngờ.
Hệ thống trường lớp được xây dựng kiên cố đến tận vùng nông thôn sâu. Trong ảnh: Một lớp học tại Trường Mẫu giáo Tân Mỹ. Ảnh: Tư liệu |
“Giáo dục ngày trước chỉ bằng 1% ngày nay”
Chúng tôi tìm đến nhà thầy giáo Phạm Đình Lộc- cán bộ Tiểu ban Giáo dục Vĩnh Long- để nắm thêm tình hình về công tác GD- ĐT trước năm 1975. Giữa năm 1970, thầy Lộc là một trong những giáo viên miền Bắc được chi viện cho chiến trường miền Nam.
Công tác tại Hóa Thành (huyện Bình Minh, nay là TX Bình Minh) rồi chuyển sang các địa bàn Tam Bình, Châu Thành A, Cái Nhum, Trà Ôn, Vũng Liêm,… thầy Lộc nắm rõ từng khó khăn, gian khổ mà cán bộ giáo viên phải trải qua để đem con chữ truyền đến các học sinh ngày ấy.
Thầy Lộc nói đùa “lúc đó giáo dục chỉ được bằng 1% so với ngày nay, khi trường lớp có khi chỉ là những chuồng trâu, gian bếp, miễn chỗ nào ngồi học được là có lớp. Mà hồi đó, địch nghi chỗ nào là lớp học đều đốt phá cho bằng được…”
Sau 1975, ngành giáo dục tiếp tục có một số khó khăn nhất định khi nhu cầu đi học của người dân tăng đột biến, nhưng cơ sở vật chất chỉ đủ đáp ứng được một phần nhỏ.
Ở nông thôn, phải dựa vào dân để mở lớp. Lớp học chỉ làm bằng tre lá tạm bợ, còn giáo viên thì thiếu nguồn nên phải tận dụng hoặc được tăng cường từ tỉnh Thái Bình… Tuy nhiên, trình độ thì không đồng đều và yếu ở đa số giáo viên.
Thầy Lộc nhớ lại, ngay cả sách giáo khoa, cả tỉnh chỉ có được vài bộ, giáo viên phải tự nghĩ ra những cách để nhân bản- nhất là năm đầu tiên sau giải phóng.
“Hồi đó, chỉ biết làm thế nào để dạy cho học sinh biết đọc, biết viết, chứ chưa dám nghĩ đến chất lượng đào tạo…”- thầy Lộc cho biết.
Nhà giáo Nhân dân, Tiến sĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Đặng Huỳnh Mai trải lòng trong “Ký ức giáo dục Vĩnh Long thời kháng chiến”:
Thời điểm năm 1969, Trường Lê Văn Tám khi đó chỉ có 1 hiệu trưởng và 3 giáo viên, đồng thời cũng chỉ có 3 lớp học với mỗi lớp chỉ 4- 7 học sinh, được tổ chức ở 3 gia đình.
“Để đi từ căn cứ đến điểm dạy, chúng tôi phải dùng bè chuối để đi qua một con rạch nhỏ, băng qua một cánh đồng rất rộng.
Chính vì phải băng qua cánh đồng này nên khả năng bị trực thăng hoặc máy bay “cán gáo” phát hiện bắt sống hoặc bị bắn hy sinh trên đường đi công tác là rất dễ xảy ra hàng ngày…”
Nhắc đến những năm đi dạy khoảng năm 1979, 1980, thầy Trầm Văn Đông- nguyên giáo viên Trường Tiểu học A thị trấn Long Hồ cho biết:
Sau khi học xong Trường CĐ Sư phạm thì được phân công về công tác tại huyện Càng Long. Đây là khoảng thời gian rất khó khăn khi có nhiều giáo viên không “trụ được với nghề”.
“Giáo viên vận động người dân cây cối, dừa nước để dựng lớp học, giáo viên thì tự tăng gia để cải thiện đời sống. Nói chung là chỉ có những giáo viên đã trải qua giai đoạn này mới cảm nhận được hết sự cực khổ để gieo chữ…”- thầy Đông cho biết.
Giáo dục đổi thay sau mấy mươi năm
Trong không khí hân hoan cả nước chào mừng kỷ niệm 73 năm ngày Quốc khánh (2/9/1945- 2/9/2018) với biết bao thành tựu đạt được, trong đó có ngành giáo dục, thầy Lộc đánh giá:
Hiện nay, giáo viên, học sinh đã đủ điều kiện để giảng dạy và học tập, nhất là hiện nay nhiệm vụ chính là nâng cao chất lượng GD- ĐT nguồn nhân lực chất lượng cao…
Hiện nay, tổng dân số trong độ tuổi 15- 25 biết chữ đạt 99,75%; độ tuổi từ 26- 35 biết chữ đạt 94,76%; độ tuổi từ 36 trở lên biết chữ đạt 83,06%. |
“Hệ thống trường lớp đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh, đường sá đến trường khang trang, sạch sẽ, không còn cảnh phải lội đồng, băng ruộng như hàng chục năm trước,
học sinh thì học kiến thức chuẩn và đáp ứng được yêu cầu đổi mới đất nước,… đó là những thành tựu mà giáo dục đã đổi thay sau mấy mươi năm”- thầy Lộc chia sẻ.
Theo Sở GD- ĐT, kết thúc năm học 2017- 2018, toàn tỉnh có 216/436 trường mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia. Số lượng phòng học kiên cố, bán kiên cố ở các bậc học đạt gần 100%.
Trong khi đó, hiện có 99,9% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn đào tạo, có trên 72% đạt trên chuẩn. Đó là chưa kể Vĩnh Long có 3 trường ĐH, 3 trường CĐ và 1 trường trung cấp với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ của riêng Vĩnh Long mà còn khu vực ĐBSCL.
Công tác xã hội hóa để chăm lo cho giáo dục được thực hiện hiệu quả…
Trong khi đó, chất lượng GD- ĐT của tỉnh không ngừng được nâng lên khi số lượng học sinh giỏi, có hạnh kiểm tốt được duy trì và phát huy. Trong đó, có nhiều học sinh đạt các giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, cuộc thi Khoa học Kỹ thuật quốc gia, và nhiều kỳ thi quốc tế…
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD- ĐT- cho biết, năm học 2018- 2019, ngành giáo dục Vĩnh Long quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra, tạo đà cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đặc biệt là đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị các phòng bộ môn, thực hành, thí nghiệm, đảm bảo điều kiện để tổ chức học 2 buổi/ngày đối với học sinh tiểu học.
Năm học 2018- 2019 này, ngành giáo dục đầu tư hơn 277 tỷ đồng hoàn thành các khối công trình thuộc đề án kiên cố hóa trường lớp, xây mới 147 phòng học với tổng kinh phí đầu tư trên 159 tỷ đồng; duy tu sửa chữa 655 phòng học với tổng kinh phí hơn 87 tỷ đồng. Đặc biệt là mua sắm thiết bị phòng học vi tính, phòng học ngoại ngữ và đồ dùng, đồ chơi mầm non với tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng… |
KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin