Việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn

05:08, 29/08/2018

Đó là phong trào vận động học sinh giữ vệ sinh môi trường bằng "Kế hoạch nhỏ" do cô Lê Thị Hồng Nhan- giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Loan Mỹ (xã Loan Mỹ- Tam Bình) phát động.

Đó là phong trào vận động học sinh giữ vệ sinh môi trường bằng “Kế hoạch nhỏ” do cô Lê Thị Hồng Nhan- giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường THCS Loan Mỹ (xã Loan Mỹ- Tam Bình) phát động.

Hôm chúng tôi tìm đến trường đang lúc cô cùng học sinh đang làm kế hoạch nhỏ. Chỉ trong chốc lát từng thùng ly, lon nhựa được thu gom bỏ vào bao và để gọn vào khu vực quy định. Cô Nhan phấn khởi nói: đây là việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa.

Cô Nhan hướng dẫn học sinh cách phân loại rác.
Cô Nhan hướng dẫn học sinh cách phân loại rác.

Ít thì tích thành nhiều

Chúng tôi theo chân cô Nhan dạo một vòng quanh khuôn viên trường, cô cho biết: Trước đây, vệ sinh môi trường là vấn đề khó khăn và trăn trở của trường. Vì, trường không có điểm tập kết rác.

Hơn nữa, học sinh chưa quan tâm nhiều đến việc giữ gìn môi trường xung quanh nên dù có phân công, kiểm tra nhưng “đầu buổi học thì tương đối sạch sẽ đến giờ chơi đâu lại vào đó.

Sân trường, lớp học tiếp tục đầy rác, ly nhựa, vỏ chai nước”. “Giờ thì khác rồi, các em có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, không còn xả rác bừa bãi mà tự giác mang ly nhựa, vỏ bánh kẹo để gây quỹ phong trào kế hoạch nhỏ”.

Ngay cuối dãy hành lang trên lầu, vài học sinh đang đứng cạnh thùng nhựa có dán dòng chữ “Kế hoạch nhỏ” để phân loại rác. “Vỏ oshi thì bỏ vào đường ống dẫn xuống thùng rác.

Còn nước đá trong ly phải đổ hết vào đường ống dẫn riêng, xong mới bỏ ly vào thùng Kế hoạch nhỏ”- em Thạch Kim Minh Thư vừa làm vừa nói.

Minh Thư cho biết, từ khi phát động phong trào là em tự nguyện tham gia liền vì vừa làm đẹp trường, lớp lại còn gây quỹ cho hoạt động Đội nữa.

Cô Nhan chia sẻ: Phong trào nay đi vào nề nếp nhưng quá trình thực hiện chẳng dễ chút nào, bởi học sinh của trường phần đông có hoàn cảnh khó khăn, “mỗi em một nết”.

Hơn nữa cô luôn mong muốn học trò của mình thực hiện trên tinh thần tự nguyện, tự giác chứ không phải gượng ép hay bắt buộc gì.

Với mô hình “Thực hiện kế hoạch nhỏ bảo vệ môi trường”, cô Nhan đã đạt giải nhất hội thi báo công dâng Bác năm 2018 của tỉnh.

Thế là bắt đầu bằng những buổi sinh hoạt dưới cờ, cô lồng ghép vào những mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Bác về tiết kiệm.

Hay trong các buổi hoạt động ngoài trời, thầy trò cùng chia sẻ những mẩu chuyện nhặt nhạnh được từ những con người lam lũ vẫn cố vươn lên trong cuộc sống… Từ đó, các em đã tự rút ra bài học cho bản thân và ý thức hơn khi tham gia phong trào.

Ấy vậy mà có em vẫn thắc mắc “bán vài ký ly, mấy cái chai nhựa thì đâu được bao nhiêu tiền” hay “mục đích sử dụng của quỹ Kế hoạch nhỏ làm gì?”

Khi ấy cô bảo học trò rằng: Không có gì là ít cả, ít thì tích thành nhiều. Hàng ngày có những mảnh đời cơ cực phải đào bới rác để tìm kế sinh nhai, trong khi các em có sẵn tại sao không tận dụng để tạo thêm nguồn quỹ cũng là để cho trường trở nên sạch- đẹp hơn…

Chính từ những câu chuyện mang ý nghĩa sâu sắc ấy mà cô đã thay đổi hoàn toàn ý kiến trái chiều của học trò mình.

“Điều đáng mừng nhất là hầu như giờ các em đều nằm lòng câu: Cái gì dùng được nên dùng, bỏ đi không nên”- cô cười chia sẻ.

Rác khi được đặt đúng chỗ cũng sẽ tỏa sáng

Từ khi có phong trào này, cả thầy và trò đều có nhiệm vụ riêng và ai cũng phấn khởi thực hiện. Cô Tổng phụ trách thì đề xuất nhà trường mua thêm thùng rác, lắp đặt các đường ống dẫn rác vừa tiện lợi vừa giúp các em hứng thú hơn khi thực hiện phân loại rác.

Cô còn kiêm luôn việc hợp đồng với người mua ve chai. Còn trò thì phân loại và để rác đúng quy định, các lớp thì thực hiện xoay vòng thu gom ly, chai nhựa vào bao và để gọn vào khu “Kế hoạch nhỏ”.

Mỗi khi ăn bánh hay uống nước xong là em Nguyễn Thị Hồng Tươi lại đến nơi quy định bỏ rác, bởi “nếu mình bỏ rác bừa bãi thì sẽ làm mất vẻ mỹ quan của trường, lớp. Với lại mấy vỏ chai, ly nhựa này còn sử dụng để bán được mà, bỏ đi thì uổng lắm”.

Giờ đây cứ mỗi buổi ra chơi, học sinh thường mang giấy, các loại ly, chai nhựa bỏ vào các thùng “Kế hoạch nhỏ”. Và sau mỗi ngày, lớp nhận nhiệm vụ sẽ sắp xếp chúng gọn gàng, để đúng chỗ.

“Mỗi lần nhìn thùng kế hoạch nhỏ đầy là em thấy rất vui. Em và các bạn rất thích tham gia vì đây hoạt động chung, ý nghĩa của tập thể mà”- em Trương Thị Thảo Hương bày tỏ.

Thu gom kế hoạch nhỏ giờ đây đã trở thành phong trào chung và sôi nổi của toàn trường. Không chỉ thực hiện, các em còn đôn đốc, nhắc nhở và thi nhau mang những ly, chai nhựa bỏ vào thùng.

Nhiều em còn đưa cả phong trào này về nhà góp phần làm cho môi trường sạch, đẹp hơn”- cô Nhan phấn khởi cho hay.

Năm học qua, phong trào đã gây quỹ được hơn 2,5 triệu đồng. Tuy không nhiều nhưng quan trọng nhất là thay đổi được nhận thức giữ gìn bảo vệ môi trường, tiết kiệm, ý thức chấp hành nội quy tập thể của học sinh.

Và số tiền ấy dành tặng thưởng cho các đội viên hoàn cảnh khó khăn nhưng có đóng góp nhiều trong hoạt động Đội, hỗ trợ cho học sinh hiếu học…

“Khi chứng kiến thành quả của mình mang lại niềm vui cho bạn nghèo vượt khó, các em sẽ nhận thấy ý nghĩa của việc mình làm. Rác khi được đặt đúng chỗ cũng sẽ tỏa sáng’’- cô Nhan nhấn mạnh.

Theo cô Nhan, để giáo dục học sinh hiệu quả, yếu tố tiên quyết của một giáo viên tổng phụ trách cần phải có là cái tâm, lòng nhiệt tình, niềm tin và chữ tín đối với học sinh.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh