Chúng tôi không chọn… trường đại học

12:08, 01/08/2018

Lối vào ĐH càng ngày càng rộng mở với nhiều phương thức tuyển sinh mà "chỉ cần đậu tốt nghiệp là đậu ĐH". Tuy vậy, cũng có những ngã rẽ khác ngoài giảng đường ĐH. 

Lối vào ĐH càng ngày càng rộng mở với nhiều phương thức tuyển sinh mà “chỉ cần đậu tốt nghiệp là đậu ĐH”. Tuy vậy, cũng có những ngã rẽ khác ngoài giảng đường ĐH.

Bước qua tuổi 18, mỗi bạn trẻ hãy chọn cho mình một lối đi riêng: vào ĐH, chọn CĐ, trường nghề… hay đơn giản là chọn một công việc, một cái nghề thích hợp để mở cánh cửa vào đời bằng niềm đam mê, sáng tạo.

Nghề điện, điện lạnh đang hút nhân lực.
Nghề điện, điện lạnh đang hút nhân lực.

Không lo thiếu việc

Đủ điểm vào học hệ ĐH nhưng Nguyễn Phan Minh Tân lại chọn xét tuyển vào học CĐ, hiện bạn đang là sinh viên năm 3, ngành điện công nghiệp- Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long.

Tân cười thật tươi: “Hồi đó hàng xóm tưởng em khùng nhưng em nghĩ nhà mình khó khăn, ra trường sớm để phụ gia đình, với lại em chỉ thích học nghề để làm, không thích đi dạy nghề nên không muốn học ĐH”.

Vậy là ngay khi mới bước chân vào xưởng học thực hành, Tân đã tìm việc làm thêm- thợ điện- đúng chuyên môn của mình.

Tân cười nhớ lại những bài tập thực hành của thầy cho về “tìm lỗi mạch điện”, mỗi lần làm là nổ “bùm, lửa nháng ra cả khúc”.

Những bài học cho Tân lớn thêm, học hỏi nhiều thêm và giờ thì “năm rồi em dư hơn 20 triệu gửi về quê cho ba má mua dê nuôi, 3 năm học năm nào cũng được học bổng”. Chuẩn bị tốt nghiệp, Tân đã trở thành thợ với mức lương cơ bản khoảng 5 triệu/tháng.

Cùng làm chung với Tân là bạn Phan Lâm Tú- đang là học sinh Trường CĐ Nghề Vĩnh Long và chuẩn bị bước sang năm thứ 2 ngành điện công nghiệp.

Tú cười: “Em đi làm thêm vừa có tiền vừa học thêm kinh nghiệm, mỗi ngày được 120.000đ, lâu lâu em mới xin tiền nhà”.

Học xong lớp 11 thì Tú xin nghỉ học đi học nghề vì “học chữ nhiều quá hết vô nổi”, Tú chỉ thích đi sửa điện nên năn nỉ gia đình cho đi học nghề.

Đối với nhiều doanh nghiệp tư nhân, các công ty vừa và nhỏ với nhu cầu nhân lực có chuyên môn tay nghề là rất lớn. Đa phần, công ty không xem trọng bằng cấp mà xem nhân viên làm được gì.

Anh Thái Trung Tín- Giám đốc Công ty TNHH 1TV Dịch vụ kỹ thuật Tín Phát (Long Hồ) cho biết: “Nhu cầu lao động có tay nghề là rất cao và chúng tôi chỉ cần những bạn học trung cấp hoặc CĐ, chủ yếu là phải lành nghề.

Đối với các bạn mới ra trường thì lương khởi điểm khoảng 6 triệu”. Anh Tín chuyên nhận những công trình lắp đặt điện- điện lạnh và thường xuyên “cháy lao động, phải tìm liên tục”.

Vui với “bếp nhà Ninh”

Huỳnh Khoa Ninh- chọn nghề mình yêu thích để thỏa sức đam mê.
Huỳnh Khoa Ninh- chọn nghề mình yêu thích để thỏa sức đam mê.

Không nhất thiết phải học ĐH, nhiều người đã khẳng định mình bằng những lối đi riêng, phù hợp với bản thân.

Tốt nghiệp ra trường, Huỳnh Khoa Ninh (Phường 5- TP Vĩnh Long) không chọn thi ĐH mà chọn học trung cấp in và làm tại Công ty CP In Nguyễn Văn Thảnh.

Đang có công việc ổn định, song vì đam mê nấu ăn nên Ninh xin nghỉ và lấy tất cả tiền dành dụm khăn gói lên TP Hồ Chí Minh học nghề bếp tại Trường Trung cấp Du lịch và khách sạn Saigontourist.

Sau khi ra trường, Ninh đi làm cho các nhà hàng, cơ sở nấu ăn để vừa học thêm vừa tích lũy kinh nghiệm nghề “bếp tiệc”.

Hiện, Huỳnh Khoa Ninh- chủ dịch vụ nấu ăn Bếp nhà Ninh- càng ngày càng hút khách, được nhiều khách hàng khen ngon và ủng hộ.

Chị Trần Ngọc Mai (xã Thanh Đức- Long Hồ) xuýt xoa: “Tôi vừa đặt bàn tiệc thôi nôi (15 bàn) cho con trai tại Bếp nhà Ninh.

Thực đơn của Ninh có nhiều món rất phong phú, bạn bè và gia đình tôi khen lắm, đồ ăn ngon nên vợ chồng tôi rất vui”. Chị Mai tiếp lời: “Trong phòng tôi, ai muốn ăn gì thì điện thoại. Nếu em Ninh không nấu tiệc thì sẵn sàng nấu ship tận nơi”.

Thời gian rảnh, Ninh tự thưởng cho mình những chuyến đi chu du khắp nơi ở mọi miền Tổ quốc để chiêm ngưỡng cảnh đẹp vừa “để ăn, để học hỏi cách chế biến khẩu vị từng vùng miền nhằm bổ sung kiến thức cho nghề bếp”.

Ninh chia sẻ: “Em hạnh phúc khi được gia đình ủng hộ niềm đam mê nghề bếp, phục vụ những món ăn ngon cho khách hàng. Rảnh em đi vi vu; chia sẻ những mảnh đời khó khăn”. Công việc nấu ăn của Ninh còn tạo cơ hội cho nhiều bạn trẻ làm thêm, tăng thu nhập.

Qua những trường hợp trên cho thấy, vẫn có những ngã rẽ khác ngoài giảng đường ĐH. Bước qua tuổi 18, mỗi bạn trẻ hãy chọn cho mình một lối đi riêng: vào ĐH, chọn CĐ, trường nghề… hay đơn giản là chọn một công việc, một cái nghề thích hợp để mở cánh cửa vào đời bằng niềm đam mê, sáng tạo.

Theo các công ty tuyển dụng, học sinh tốt nghiệp các trường nghề hiện nay không đủ cung cấp cho nhu cầu của doanh nghiệp; các doanh nghiệp cần nhiều “thợ” hơn “thầy” trong khi xã hội lại đang thừa “thầy” thiếu “thợ”. Việc học nghề cũng có nhiều ưu điểm. Ngoài thời gian học ngắn, có cơ hội thực hành nhiều, bạn còn được tiếp xúc trực tiếp với các thầy là những người đang làm nghề thực tế ngoài xã hội.

Bài, ảnh: QUYÊN HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh