Ngày 19/7 tới, các thí sinh sẽ thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ 2018. Thí sinh lo lắng, phân vân có nên đổi nguyện vọng?
Ngày 19/7 tới, các thí sinh sẽ thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ 2018. Thí sinh lo lắng, phân vân có nên đổi nguyện vọng?
Sau khi biết điểm thi THPT quốc gia năm 2018 của con vào ngày 11/7, vợ chồng chị Đoàn Thị Hợi ở huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương lại cùng con gái lên mạng internet tiếp tục tìm hiểu thông tin điểm nhận hồ sơ xét tuyển của các trường đại học, cao đẳng.
Điểm thi của con chị được 19,5 điểm, khối A. So với năm 2017 thì điểm mà con gái chị đạt được thấp hơn mức điểm trúng tuyển của trường đã đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1.
Vợ chồng chị cũng tìm hiểu thông tin qua bạn bè, những người đã có con xét tuyển đại học, cao đẳng những năm trước để chọn trường cho phù hợp với điểm thi của con và có cơ hội trúng tuyển cao nhất.
Nhiều thí sinh lo lắng, phân vân về việc điều chỉnh nguyện vọng. (Ảnh: minh họa) |
Khi nghe thông tin tại Hà Nội có Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018, chị cùng con gái đã đi xe khách lên Hà Nội từ rất sớm, mong được cán bộ tuyển sinh của các trường tư vấn.
“Con tôi điểm thấp, nên là tôi cũng đang lo ngại không biết con mình có vào được những trường mà đã đăng ký không. Cháu đăng ký chuyên ngành kế toán, quản trị kinh doanh, nguyện vọng 1 đăng ký trước khi thi vào Học Viện tài chính.
Cháu thi thử thì toàn 22 với 24 điểm, nhưng đến lúc thi thật thì mức điểm quá bất ngờ. Muốn đến để xem mức điểm và sự tư vấn của các thầy, các cô, có thể phải thêm nguyện vọng, và cũng có thể phải xem trường nào thấp điểm hơn một chút, hoặc đăng ký vào khoa chất lượng cao, may ra có cơ hội”- chị Đoàn Thị Hợi chia sẻ.
Tâm lý lo lắng, phân vân có nên điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển hay không, điều chỉnh như thế nào để có cơ hội trúng tuyển cao nhất của gia đình chị Đoàn Thị Hợi cũng là tâm lý chung của rất nhiều phụ huynh và thí sinh trong thời điểm chuẩn bị điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018.
Khi đã có điểm thi, các thí sinh đều quan tâm tìm hiểu điểm nhận hồ sơ xét tuyển và điểm trúng tuyển dự kiến của các trường năm nay như thế nào.
Do phổ điểm năm nay của tất cả các khối ngành đều thấp thì liệu điểm chuẩn trúng tuyển của các trường có giảm hay không, dự kiến giảm bao nhiêu điểm so với năm ngoái... Nhiều thí sinh lại cân nhắc ưu tiên ngành nào, trường nào phù hợp với năng lực và điểm thi.
Trần Đức Hiếu, ở tỉnh Thái Nguyên được 23 điểm khối D chia sẻ: “Mình thi nguyện vọng 1 là công nghệ thông tin của Bách khoa Hà Nội, 2 là kế toán của Kinh tế quốc dân.
Mình nghĩ là mình có thể vào những khoa ở 2 trường này, những gì mình cân nhắc là mình sẽ chọn trường nào và có nên thay đổi nguyện vọng hay không.
Lần đầu tiên thì em đăng ký khoảng 10 nguyện vọng, nhưng mà sau khi biết kết quả thi nó có thể bị giảm xuống 1 chút, nhưng có lẽ em sẽ không thay đổi nhiều. Có thể sẽ phải điều chỉnh để tìm những khoa phù hợp hơn với mình”.
Phụ huynh sốt sắng, thí sinh lo lắng, áp lực cố gắng tìm ra hướng điều chỉnh nguyện vọng phù hợp với điểm của mình nên các cuộc gọi về đường dây nóng tuyển sinh của nhiều trường đại học thời điểm này luôn quá tải.
Có nhiều thí sinh sau khi được chuyên gia, cán bộ tuyển sinh của các trường tư vấn cũng chia sẻ, chắc chắn sẽ thay đổi nguyện vọng, thay đổi luôn cả trường xét tuyển để có cơ hội trúng tuyển cao nhất với điểm thi đã đạt được.
Trước những lúng túng của phụ huynh và học sinh trước thời điểm điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết,
thí sinh phải căn cứ vào tương quan điểm của mình đối với những người cùng thi và tương quan của trường mình đăng ký xét tuyển với các trường từng tuyển sinh ngành nghề mình sẽ đăng ký để điều chỉnh nguyện vọng cho phù hợp.
“Các em cần nắm được là mặt bằng điểm thi năm nay thấp hơn một chút so với năm ngoái. Như vậy thì các em tham khảo điểm của các trường của năm ngoái thì cũng sẽ nên hiểu rằng,
so với điểm năm ngoái thì mặt bằng điểm xét tuyển của các trường năm nay cũng sẽ thấp hơn, nhưng tương quan về điểm xét tuyển giữa các trường có thể không thay đổi và tương quan điểm thi của mỗi em với những người cùng thi thì các em phải tự đánh giá để chọn trường, chọn ngành phù hợp”- bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết.
Các chuyên gia cũng cho rằng, trước tiên, thí sinh nên lựa chọn ngành nghề mà mình thực sự yêu thích và có năng lực, sau đó mới chọn trường phù hợp với điểm thi.
Khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, các em nên để ngành mình thích nhất ở nguyện vọng cao nhất. Nếu không trúng tuyển thì vẫn còn cơ hội ở các nguyện vọng thấp hơn vì các nguyện vọng được xét tuyển bình đẳng căn cứ vào điểm thi./.
Theo VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin