Chọn nghề

12:07, 11/07/2018

Trong giờ sinh hoạt lớp, cô giáo chủ nhiệm hướng dẫn các bạn trong lớp tôi đăng ký nguyện vọng vào các trường ĐH, CĐ. Trước đó, cô giáo chủ nhiệm cũng đã khuyên các bạn nên cân nhắc thật kỹ càng khi chọn ngành nghề để đăng ký.

Trong giờ sinh hoạt lớp, cô giáo chủ nhiệm hướng dẫn các bạn trong lớp tôi đăng ký nguyện vọng vào các trường ĐH, CĐ. Trước đó, cô giáo chủ nhiệm cũng đã khuyên các bạn nên cân nhắc thật kỹ càng khi chọn ngành nghề để đăng ký.

Một lát sau, trong khi các bạn còn đang đắn đo suy nghĩ, ai cũng lo lắng và phân vân không biết nên chọn ngành nghề nào cho thích hợp với mình thì bạn Lan Hương là khác.

Trông bạn ấy rất bình thản, hình như đã có quyết định của mình từ trước rồi thì phải. Thấy vậy, cô giáo chủ nhiệm đến chỗ bạn Lan Hương ngồi, khẽ hỏi:

- Sao rồi, em có ý định chọn ngành gì chưa?

Không cần suy nghĩ, Lan Hương thẳng thắn trả lời:

- Dạ, thưa cô, có rồi ạ! Em chọn ngành xây dựng!

Khi Lan Hương vừa trả lời dứt câu, cả lớp nhốn nháo lên. Những lời nói thì thầm to nhỏ, những tiếng cười khúc khích cứ liên tục vang lên.

Nào là “con gái mà học ngành xây dựng?”, rồi “nó học ngành xây dựng sau này làm được gì?”… Đến nỗi cô giáo chủ nhiệm phải lên tiếng để can thiệp. Cô dõng dạc hỏi lớp:

- Điều quan trọng nhất trong việc lựa chọn ngành nghề để đăng ký học là gì các em có biết không?

Những lời bàn tán xì xào bỗng chốc nín lặng. Cô giáo chủ nhiệm lại nói tiếp:

- Các em nên nhớ, mình chọn nghề phải đúng theo sở thích của mình thì mới là điều quan trọng nhất.

Không phải tự nhiên mà các bạn trong lớp của tôi có sự phản ứng mạnh mẽ khi nghe Lan Hương nói “chọn ngành xây dựng”. Bởi nhìn vẻ bề ngoài của bạn ấy mảnh mai, nhỏ nhắn; da trắng trẻo. Trong khi ngành xây dựng hiện không phải là ngành “hot”.

Nhiều sinh viên học ngành này khi ra trường vẫn không tìm được việc làm. Trong khi đó, với sức học của Lan Hương thì việc chọn ngành nghề “hot”, nghề thích hợp cũng rất đỗi dễ dàng.

Bởi theo nhiều thầy cô trong trường: “Lan Hương là một học sinh chăm chỉ, cần cù, thông minh, chịu khó và đặc biệt là em hay giúp đỡ bạn bè”.

Lan Hương kể cho cô giáo nghe, từ năm học lớp 6 bạn ấy đã có ước mơ sau này làm một kỹ sư xây dựng. Đã 6 năm trôi qua, nhưng Lan Hương vẫn còn nhớ như in hôm cơn bão số 5 xảy ra. Hôm đó, nhà trường thông báo cho tất cả học sinh được nghỉ học ở nhà tránh bão.

Cũng như các bạn, Lan Hương ở nhà cùng với ba má. Trời mới vừa tờ mờ sáng đã xuất hiện cơn mưa như trút nước, những làn gió thổi mạnh dần, báo hiệu cơn bão đã đến.

Những luồng gió giật mạnh đã cuốn bay ngôi nhà của Lan Hương. Cả gia đình phải qua ở đậu nhà hàng xóm.

Cơn bão qua đi, được sự hỗ trợ của địa phương và người thì cho lá dừa nước, người thì cho cây tràm, cây bạch đàn; người thì cho tiền, gạo; người thì góp công dựng tạm lại cái nhà cho gia đình Lan Hương có chỗ trú mưa, trú nắng…

Kể từ đó, nỗi vất vả của ba má Lan Hương càng nhân lên gấp bội. Khó khăn chồng chất khó khăn.Thấy ba má cực khổ, nhiều lần Lan Hương có ý định xin nghỉ học để phụ giúp ba má.

Nhưng ba má của bạn ấy nhất quyết không cho. Mỗi lần Lan Hương mở lời xin nghỉ học, thì ba bạn ấy lại bảo:

- Bộ con không thấy ba má đây sao? Phải chi ngày xưa ba má được học hành, học đến nơi đến chốn thì bây giờ ba má đâu khổ vậy.

Nghe câu nói của ba, Lan Hương đứng lặng người, không nói được nên lời. Lúc này, bỗng dưng Lan Hương cảm thấy thương ba má mình vô cùng.

Điều đầu tiên Lan Hương nghĩ đến là ước sao mình có được ngôi nhà đẹp để ở; để mỗi khi trời đổ mưa, ba khỏi phải chạy đôn chạy đáo tìm tấm mủ cao su để che chống tạt ở bên hiên nhà; má thì không phải cuống cuồng đi lấy thau hứng nước mưa dột trong nhà.

Kể từ đó, Lan Hương quyết tâm học giỏi để đền đáp công ơn của ba má. Lan Hương ước sau này mình sẽ trở thành một kỹ sư xây dựng, để tự tay mình xây nên một ngôi nhà thật đẹp cho ba má ở. Và ước mơ ấy đến nay vẫn còn thường trực trong tâm trí của Lan Hương.

NGUYỄN VĂN DÔ (Long Hồ)

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh