Năm nay là năm thứ 2 môn Giáo dục Công dân có mặt trong kỳ thi THPT quốc gia. Tổ hợp môn thi gồm: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân.
Năm nay là năm thứ 2 môn Giáo dục Công dân có mặt trong kỳ thi THPT quốc gia. Tổ hợp môn thi gồm: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân.
Cô Lê Thị Thủy Tiên- Tổ phó Tổ Lịch sử, Công dân (Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm)- cho biết, về mặt cơ bản, nội dung ôn tập cũng sẽ tương đối giống với năm 2017, và các em nếu chỉ muốn đậu tốt nghiệp, chỉ cần nắm chắc kiến thức của chương trình lớp 12.
Điểm năm nay mới so với năm trước là có thêm chương trình lớp 11. Các em cần ôn tập và nắm kiến thức của năm học này bởi theo đề thi minh họa của Bộ GD- ĐT, chương trình lớp 11 sẽ có 8 câu hỏi.
Đây rõ ràng là phần kiến thức để phân hóa học sinh và bắt buộc các em phải ôn tập thật nghiêm túc. Đồng thời đề thi cũng sẽ phân hóa ở các mức độ biết, hiểu, vận dụng, vận dụng cao.
Nếu như năm 2017, phân hóa các câu hỏi vận dụng cao chỉ có 4 câu thì theo đề thi minh họa mới đây của Bộ GD- ĐT, sẽ có 12 câu hỏi. Do đó, nếu các em muốn đậu ĐH, nhất thiết cần phải nắm rất chắc kiến thức cả lớp 11 và lớp 12.
Song song đó, theo cô Thủy Tiên, trong ôn tập, các em cũng không thể bỏ phần nào, “học tủ” phần nào vì kiến thức thi sẽ trải dài và “không thể biết trước được gì”.
“Các em nên tìm đọc thêm sách giáo khoa, báo chí về các vấn đề xã hội, văn hóa, kinh tế, pháp luật,… để có kiến thức làm những câu hỏi có tính vận dụng cao. Đây cũng là điều cần thiết để các em đạt điểm cao môn học này”- cô chia sẻ.
Về kỹ năng làm bài, cô Thủy Tiên khuyên các em cần liên hệ thực tế, vận dụng kiến thức để giải quyết một số tình huống.
Đặc biệt là các em phải làm hết tất cả các câu trong đề, không nên bỏ câu nào, câu dễ làm trước, câu khó làm sau, cân nhắc thời gian cho hợp lý. Khi chọn đáp án thì tô liền, tránh để gần hết giờ có thể sẽ tô nhầm.
NGUYỄN DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin