Kỳ cuối: Nghiên cứu khoa học- chuyện sống còn

05:05, 09/05/2018

Nghiên cứu khoa học (NCKH) không bó hẹp ở phạm vi phát triển của trường ĐH mà nó còn là tiền đề, là nền tảng để phát triển kinh tế- xã hội của một địa phương, khu vực và cả đất nước. 

Nghiên cứu khoa học (NCKH) không bó hẹp ở phạm vi phát triển của trường ĐH mà nó còn là tiền đề, là nền tảng để phát triển kinh tế- xã hội của một địa phương, khu vực và cả đất nước.

Bởi, nguồn nhân lực NCKH chủ yếu tập trung ở các trường ĐH, CĐ; do đó, chính các trường phải gánh trách nhiệm này trước tiên và song hành, hỗ trợ cho nhiệm vụ đào tạo.

Trong hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2016, triển khai công tác năm 2017 với chủ đề “Khoa học và công nghệ (KH-CN) phục vụ phát triển kinh tế- xã hội”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu: Xóa bỏ rào cản thể chế để KH-CN phát triển mạnh mẽ.

Giải pháp nào cho KH-CN phát triển: cơ cấu các tổ chức NCKH để nâng cao hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên, sinh viên NCKH?

Khơi “lửa” đam mê

Hợp tác quốc tế để nghiên cứu khoa học.
Hợp tác quốc tế để nghiên cứu khoa học.

Theo GS.TS Hà Thanh Toàn- Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ thì sự phát triển và vị thế mà ĐH Cần Thơ có được hôm nay không thể không kể đến việc NCKH.

Ông nói: “Đó là những người thầy ăn ngủ cùng nông dân, nghiên cứu bằng niềm đam mê để cho ra đời những công trình mang tính ứng dụng cao”.

Điều quan trọng hơn hết là trường cần tạo điều kiện thuận lợi và thu hút giảng viên tham gia NCKH. Trường ĐH Bạc Liêu chủ chương đẩy mạnh NCKH trong giảng viên, sinh viên.

Tuy nhiên, với nguồn kinh phí hoạt động hạn chế, định mức mỗi đề tài NCKH cấp trường tối đa được đầu tư 30 triệu đồng, trường khuyến khích giảng viên kinh doanh, nghiên cứu phát triển liên quan chuyên ngành.

Và, TS. Lâm Tâm Nguyên- người vừa hoàn thành đề tài nghiên cứu sinh về cua giống- cũng là chủ một cơ sở sản xuất cua giống, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.

Để quản lý tốt và hiệu quả nhiệm vụ KH-CN, Trường ĐH Cần Thơ đã cơ cấu lại các phòng ban chức năng, trong đó, Phòng Quản lý khoa học là đơn vị đầu mối có chức năng quản lý các nhiệm vụ KH- CN và xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các công trình NCKH của nhà trường.

PGS.TS Lê Văn Khoa- Trưởng Phòng Quản lý khoa học, Trường ĐH Cần Thơ cho biết: Thành quả quan trọng trong chuyển giao kết quả NCKH là đã ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi và nhất là phòng chống dịch bệnh trong sản xuất lúa góp phần quan trọng cho phát triển cây lúa ổn định ở ĐBSCL.

Kết quả sinh sản nhân tạo cá tra thành công của trường đã đóng góp lớn vào phát triển cá da trơn đặc thù của vùng.

Ngoài ra, các mô hình canh tác lúa với cây trồng cạn và nuôi trồng thủy sản kết hợp được thực hiện thành công, phù hợp với điều kiện và tập quán canh tác vùng ĐBSCL đã được chuyển giao, các công trình này đã và đang đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế- xã hội.

Kinh nghiệm phát triển hoạt động NCKH mà ĐH Cần Thơ rút ra là lựa chọn đề tài phù hợp với nhu cầu phục vụ sản xuất của địa phương và yêu cầu của bộ ngành.

Đẩy mạnh đào tạo cán bộ khoa học cho trường và cho các địa phương để phát triển KH- CN và ứng dụng thành tựu khoa học.

GS.TS Hà Thanh Toàn nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn chủ động hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiên cứu và đào tạo, các địa phương trong vùng và cả nước, thường xuyên tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học, các khóa tập huấn chuyên đề.

PGS.TS. Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cho biết: Để đẩy mạnh NCKH trong cả giảng viên và sinh viên, dù giới hạn mức kinh phí cho mỗi đề tài nhưng xét về sự cần thiết và tính ứng dụng của đề tài, trường có thể hỗ trợ hàng trăm triệu đồng.

Nghiên cứu những đề tài mang tính ứng dụng cao là tiêu chí của trường. Hàng năm, ban giám hiệu trường thường đề ra những đề tài thiết thực phục vụ đời sống cho giảng viên, sinh viên thực hiện.

Cần cơ chế mở cho NCKH

Các doanh nghiệp trong nước và trường ĐH cần bắt tay nhau trong đào tạo nhân lực và nghiên cứu khoa học.
Các doanh nghiệp trong nước và trường ĐH cần bắt tay nhau trong đào tạo nhân lực và nghiên cứu khoa học.

Để làm mọi việc một cách tốt nhất thì phải có môi trường làm việc tốt. Môi trường đó không chỉ là một khoảng không gian riêng tư với cơ sở vật chất đầy đủ mà còn là một cơ chế mở.

Một số ý kiến cho rằng: các quỹ tài trợ nghiên cứu nên mở rộng cho các trường ĐH và các viện nghiên cứu trên cơ sở cạnh tranh, minh bạch và dựa vào bình duyệt của các chuyên gia độc lập.

Đề tài khoa học sẽ chờ nguồn kinh phí một cách bị động và điều này ít nhiều sẽ gây tác động tiêu cực tới chất lượng nghiên cứu.

Một giảng viên chia sẻ: Đôi khi nghiên cứu không… mệt bằng những thủ tục, chứng từ,… bởi vì mua vật dụng gì lắt nhắt nhỉnh hơn 200.000đ cũng cần hóa đơn đỏ.

Bên cạnh, còn có những định mức chi quá thấp so với công sức người nghiên cứu bỏ ra.

Trong thời gian tới, thiết nghĩ cần tăng cường đầu tư phát triển một số ĐH 4.0 để dẫn dắt, tổ chức nghiên cứu KH- CN gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tổ chức chương trình nghiên cứu gắn với từng giai đoạn, tránh dàn trải. Một giải pháp khác là thay đổi cơ chế phân bổ ngân sách với phương thức đấu thầu đặt hàng, người nghiên cứu sẽ không bị áp lực giải ngân.

Ths. Nguyễn Tấn Nó- Giảng viên Khoa Cơ khí chế tạo máy, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long- là người đã bỏ việc làm ổn định, lương cao ở TP Hồ Chí Minh để về trường này. Thầy là một điển hình đam mê NCKH và truyền ngọn lửa đam mê ấy đến sinh viên.

Hơn 3 năm công tác tại trường, thầy Nguyễn Tấn Nó đã hướng dẫn cho 2 sinh viên đạt giải nhì Hội thi tay nghề quốc gia; có thiết bị dạy học đạt giải quốc gia. Khi là sinh viên, thầy cũng đạt nhiều giải về NCKH.

“Mục đích của tôi khi về Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long là muốn truyền đam mê nghiên cứu về kỹ thuật cho các em. Tôi nghĩ sinh viên đang cần người truyền lửa!”

Thêm vào đó, sự phát triển KH- CN cần sự hợp tác giữa các trường ĐH trong nước với nhau, giữa trường ĐH trong nước với ĐH nước ngoài; giữa nhà trường và doanh nghiệp; giữa nhà trường với địa phương. 

TS. Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bạc Liêu- chia sẻ: Chúng tôi biết thực lực NCKH của mình, cho nên tùy từng đề tài mà trường thực hiện hay hợp tác, liên kết với các trường bạn thực hiện.

Khi hợp tác với các trường có kinh nghiệm và bề dày NCKH thì dĩ nhiên chúng tôi sẽ được học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức quý báu.

Theo GS.TS Hà Thanh Toàn thì nhà khoa học phải là người gần gũi với nông dân hay nói rộng ra là đối tượng đề tài mình phục vụ để nghiên cứu gắn với thực tiễn địa phương.

Phải có NCKH để cập nhật thực tiễn vô bài giảng của giảng viên, thể hiện vai trò của người thầy trong hội nhập quốc tế, chia sẻ kết quả nghiên cứu cho những người khác,…

Về vấn đề quy hoạch, các bộ và UBND cấp tỉnh cần nghiên cứu kỹ để đề tài gần thực tế, nhu cầu của cuộc sống đời thường.

Ngoài ra, cần có chế tài trong việc ứng dụng đề tài khi cấp kinh phí nghiên cứu dẫn đến tình trạng kết quả nghiên cứu bỏ xó dù kinh phí được cấp rất lớn.

Hoạt động NCKH là vấn đề đi trước và phải phát triển để kinh tế- xã hội phát triển. Với hơn 50% lực lượng nghiên cứu là cán bộ, giảng viên, nhân viên các trường ĐH thì hơn ai hết, các trường phải ý thức tầm quan trọng và ý nghĩa của NCKH để khơi sức sáng tạo trong nội tại.

Thêm vào đó, các đơn vị NCKH cũng rất cần những quy hoạch hợp lý, cơ chế mở phù hợp cho tư duy sáng tạo.

TS. Lâm Tâm Nguyên- giảng viên Trường ĐH Bạc Liêu

Tôi có vai trò là chủ doanh nghiệp và người thầy. Từ kiến thức chuyên ngành mình học và những đề tài mình nghiên cứu, tôi đã làm cua giống và sản xuất thực nghiệm từ năm 2005.

Đến năm 2009, tôi mua đất, hình thành cơ sở kinh doanh. Qua quá trình nghiên cứu, tôi tổng hợp về lý thuyết, rồi tự mình phải nghiên cứu thực hành và phát triển để ương giống cua năng suất và chất lượng cao.

Nghiên cứu không chỉ hỗ trợ tôi trong lĩnh vực kinh doanh mà còn cho tôi những bài giảng sinh động và mới nhất đến học trò. Hàng năm, tôi đều nhận sinh viên của Trường ĐH Bạc Liêu và một số trường khác đến thực tập và tuyển dụng luôn.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- CAO HUYỀN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh