Tăng cường hợp tác, gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo nhằm tạo việc làm bền vững cho người học sau khi tốt nghiệp là 1 trong 3 khâu đột phá mà Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội xác định trong năm 2018.
Tăng cường hợp tác, gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo nhằm tạo việc làm bền vững cho người học sau khi tốt nghiệp là 1 trong 3 khâu đột phá mà Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội xác định trong năm 2018.
Đây là công tác đã có từ trước ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, công tác này cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Trường CĐ Nghề Vĩnh Long là một trong các trường ký kết hợp tác với doanh nghiệp. |
Học tại doanh nghiệp
Học tại doanh nghiệp là chương trình đào tạo kép- nghĩa là học sinh, sinh viên (HS, SV) ngoài việc được đào tạo lý thuyết tại trường còn học thực hành tại doanh nghiệp.
Chương trình này đã tạo nên sự chuyển biến tích cực trong việc giảm dần độ chênh giữa chất lượng đào tạo nghề với nhu cầu thực tế.
Một trong những liên kết đó, là việc cho HS, SV đi thực tập tại cơ sở sản xuất. Đặc biệt trong năm 2018, Trường CĐ Nghề Vĩnh Long còn bổ sung vào chương trình học thực tế tại doanh nghiệp cho HS, SV của mình.
Hiện, Trường CĐ Nghề Vĩnh Long đã ký kết hợp tác đào tạo và giải quyết việc làm với 10 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lượng lao động lớn.
Ths. Trần Anh Tuấn- Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Vĩnh Long- cho biết trường đang tập trung hơn nữa việc đào tạo gắn với nhu cầu xã hội bằng cách phối hợp với doanh nghiệp đưa học sinh đến tận cơ sở để đào tạo theo từng mô đun.
Ths. Võ Thanh Toàn- Phó Phòng Đào tạo Trường CĐ Nghề Vĩnh Long- cho biết: “Chúng tôi đã đưa 3 đợt HS, SV đến 3 doanh nghiệp để học tập”.
Theo đó, các em đến doanh nghiệp để học các mô đun thực hành theo đúng chương trình, số giờ học theo quy định. Cùng đi còn có giảng viên của trường”.
Nói về lợi ích của việc này, Ths. Võ Thanh Toàn cho rằng: Ở trường dù có cơ sở vật chất tốt đến mấy cũng không thực tế bằng khi các em đến với doanh nghiệp. Những chi tiết thực hành tỉ mỉ nhất, phù hợp yêu cầu xã hội nhất thì chỉ có ở thực tế làm việc.
Ông ví dụ: “Chỉ riêng cách lắp máy điều hòa âm trần thôi thì yêu cầu của xã hội đã thay đổi và có đòi hỏi khác cách thực hành trong trường rồi”.
Bên cạnh việc được học trực tiếp tại doanh nghiệp để rèn luyện kỹ năng nâng cao tay nghề, HS, SV tham gia còn được trả công lao động mỗi ngày từ 140.000- 150.000đ.
Trung tâm Đào tạo kỹ thuật Toyota tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long- trung tâm đầu tiên của Công ty Ô tô Toyota (TMV) ở khu vực Tây Nam Bộ- là một hình thức đưa thực tiễn doanh nghiệp đến với SV.
Đối tượng học của trung tâm là SV năm cuối ngành công nghệ kỹ thuật ô tô và các SV ngành này mới tốt nghiệp. Thời gian đào tạo là 2 tháng tại trung tâm và 2 tháng tại các đại lý của TMV.
Chủ động “tìm cái bắt tay” thật chặt
Tuy nhiên, băn khoăn của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay là đa phần các trường phải “tự bơi” từ khâu tìm kiếm đối tác đến duy trì mối quan hệ.
Theo PGS.TS Cao Hùng Phi, trong xu thế hội nhập thì việc tăng cường liên kết giữa các trường và doanh nghiệp trong quá trình đào tạo và giải quyết việc làm cho SV là yêu cầu khách quan cấp thiết.
Trong đó, ông nhấn mạnh: “Việc liên kết này sẽ mang lại lợi ích cho cả 3 bên: doanh nghiệp- nhà trường- SV. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ, hợp tác với doanh nghiệp”.
Đánh giá về mối liên kết với Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, đại diện Công ty TNHH TMDV Cơ điện lạnh Bình Minh Én (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Công ty nhận được sự hỗ trợ, thấu hiểu rất lớn từ ban giám hiệu.
SV của trường khi thực tập tại công ty có tư duy, trách nhiệm, kỷ luật tốt. Các em luôn cố gắng hoàn thành công việc được giao, tuân thủ nội quy, quy định nghiêm túc và ý thức”.
Tuy nhiên, vì chưa có những chính sách hỗ trợ nên không ít trường gặp trở ngại khi tìm đến doanh nghiệp hoặc vì doanh nghiệp chưa nhìn thấy trách nhiệm và quyền lợi của họ trong sự hợp tác này nên họ không mặn mà.
Doanh nghiệp đòi hỏi năng lực làm việc thực tế của SV thực tập cũng như cần sự kết nối lâu dài từ các chương trình cụ thể.
Trong khi đó, chương trình đào tạo hiện hành không cho phép các trường gửi SV đi thực tập quá lâu. Nhiều yếu tố ràng buộc khác cũng khiến trường chưa thể triển khai đồng bộ việc đào tạo kép cho toàn bộ chương trình đào tạo.
Tin rằng, khi có sự nỗ lực từ 2 phía doanh nghiệp- nhà trường thì chất lượng nhân lực, kỹ năng tay nghề của lao động ngày càng được nâng cao. Và ngay sau khi ra trường, HS, SV có thể bắt tay ngay vào công việc.
Trong Hội thảo “Tăng cường liên kết giữa trường ĐH với doanh nghiệp” cuối tháng 4 vừa qua, một số công ty đã đánh giá chung thực trạng SV hiện nay: Đa số SV khi đi thực tập và đi làm đều thiếu kỹ năng thực hành thực tế, kiến thức hầu như chỉ nằm ở lý thuyết. Đặc biệt, tư duy vẫn còn mang tính chất “mơ mộng”, không chấp nhận thực tế khi đi làm phải bắt đầu từ những kiến thức thực tế đơn giản nhất. SV thiếu nhiệt tình và nỗ lực khi tiếp nhận công việc được giao, dễ nản lòng dẫn đến từ chối công việc. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin