Xét tuyển bằng tổ hợp 'lạ', trường đại học sẽ tự làm hại mình

03:04, 28/04/2018

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục - Đào tạo) khẳng định: Việc các trường xác định những tổ hợp môn thi không liên quan thì sẽ bị bất lợi nhiều hơn, "mất nhiều hơn được".

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục - Đào tạo) khẳng định: Việc các trường xác định những tổ hợp môn thi không liên quan thì sẽ bị bất lợi nhiều hơn, “mất nhiều hơn được”.

Thí sinh tự "tẩy chay"

Như báo Tin tức đã đưa tin, mùa tuyển sinh năm 2018 bắt đầu có sự kết hợp của các môn “không liên quan” như Văn - Lý - Địa, Văn - Hóa - Giáo dục công dân, Toán - Sử - Địa… 

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng khẳng định việc các trường xác định những tổ hợp môn thi không liên quan thì trường sẽ bị bất lợi nhiều hơn trong việc tuyển sinh.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng khẳng định việc các trường xác định những tổ hợp môn thi không liên quan thì trường sẽ bị bất lợi nhiều hơn trong việc tuyển sinh.

Cùng với đó là các trường hợp sử dụng tổ hợp "không phù hợp" để xét tuyển như tổ hợp Văn - Sử - Địa và Văn - Sử - Giáo dục công dân để tuyển sinh các ngành công nghệ như kỹ thuật ô tô, điện - điện tử, chế tạo máy, kỹ thuật xây dựng, công nghệ thông tin; ngành kinh tế như kinh doanh quốc tế, marketing và các ngành quản trị, truyền thông đa phương tiện, thậm chí là ngành tiếng Anh...

Việc xuất hiện những tổ hợp "lạ" này đã khiến dư luận hoang mang, thậm chí là bức xúc. Thời điểm đó, khi trao đổi với phóng viên báo Tin tức, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, đã từng khẳng định: Bộ sẽ theo dõi sát tình hình; nếu thấy những tổ hợp quá bất thường, sẽ trao đổi, yêu cầu nhà trường giải trình. Nếu trường không có căn cứ thuyết phục, Bộ sẽ kiểm tra, thanh tra về các điều kiện đảm bảo chất lượng, việc thực hiện các quy định về tuyển sinh, đào tạo, việc đảm bảo chuẩn đầu ra và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp... Những trường chất lượng thấp sẽ bị cảnh báo; nếu có vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định, thậm chí đến dừng tuyển sinh và công khai cho xã hội biết để phòng ngừa chung.

Và đến thời điểm hiện tại, sau quá trình tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh; nhập thông tin đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển đợt 1 của thí sinh vào cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin thi tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, Bộ đã có đánh giá thật cụ thể về vấn đề này.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, theo quy định của Luật Giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. 

Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có văn bản chỉ đạo Bộ GD-ĐT phải ”xử lý nghiêm và cho dừng tuyển sinh đối với cơ sở đào tạo cố tình đưa ra những tổ hợp xét tuyển không khoa học, không phù hợp, thậm chí chỉ nhằm mục đích tăng số lượng tuyển sinh, ảnh hưởng đến chất lượng, yêu cầu đào tạo” là sự thể hiện thái độ cứng rắn đối với cơ sở coi thường chất lượng đầu vào, chất lượng đào tạo.

Thực tế, khi các môn thi THPT Quốc gia tăng lên để đảm bảo học sinh học đều các môn, có 2 bài thi tổ hợp gồm sáu môn thi… thì số lượng tổ hợp tuyển sinh tất yếu tăng lên, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu tuyển sinh theo ngành. Về lý thuyết, với 9 môn thi và một số môn thi năng khiếu, có thể thiết kế ra hơn 400 tổ hợp.

Tuy nhiên, để gắn với yêu cầu của ngành đào tạo thì tổ hợp tuyển sinh phải có một hoặc hai môn thi được coi là môn kiến thức nền tảng, môn tiên quyết để có thể vào học chương trình đào tạo. Quy trình xác định tổ hợp tại các trường thường phải do hội đồng khoa học đào tạo hoặc hội đồng tuyển sinh tham mưu... Và nhà trường phải giải trình được tính liên quan, tính hợp lý, tính cần thiết của tổ hợp đó đối với ngành đào tạo.

Căn cứ tình hình thực tế trong công tác tuyển sinh, ngay từ đầu năm 2018, Bộ GD-ĐT đã thường xuyên giám sát, nhắc nhở các trường có thông báo xét tuyển tổ hợp các môn thi chưa phù hợp với ngành đào tạo và yêu cầu thực hiện đúng quy định. Sau khi có ý kiến nhắc nhở của Bộ GD-ĐT, nhiều trường đã khẩn trương điều chỉnh như ĐH Công nghệ Đồng Nai, ĐH Đông Đô…

Với những trường vẫn giữ tổ hợp "lạ" thì kết quả thống kê cho thấy thí sinh cũng không ”mặn mà”. Số thí sinh đăng lý xét tuyển chọn các tổ hợp mới được bổ sung rất ít, có hơn 100 tổ hợp chỉ có dưới 10 thí sinh chọn và có hàng trăm tổ hợp không có trường hoặc thí sinh nào chọn.

Tổ hợp truyền thống chiếm gần 90% tổng số nguyện vọng đăng ký

Số thí sinh dự thi THPT Quốc gia 2018 là 925.961 thí sinh, tăng 6,9% so với năm 2017. Trong đó, sẽ có 879.941 thí sinh dự thi để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và 688.610 thí sinh có tham gia xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Thống kê chi tiết nguyện vọng thí sinh đăng ký xét tuyển vào các tổ hợp cho thấy, có 30,83% thí sinh đăng ký tổ hợp A00 (Toán, Vật lí, Hóa học), 27,01% thí sinh đăng ký tổ hợp D01 (Ngữ văn, Tiếng Anh, Toán),12,8% thí sinh đăng ký tổ hợp A01 (Toán, Vật lí, Tiếng Anh), 10,17% thí sinh đăng ký tổ hợp C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí) và 9,42% thí sinh đăng ký tổ hợp B00 (Toán, Hóa học, Sinh học).

Như vậy, 5 tổ hợp này chiếm gần 90% nguyện vọng thí sinh đăng ký xét tuyển (năm 2017 gần 92%). Điều này cho thấy tổ hợp truyền thống vẫn "thắng thế".

Các tổ hợp còn lại chiếm lượng thí sinh đăng ký là 10,49%. Đặc biệt, như đã nói ở trên, các tổ hợp lạ có số lượng thí sinh đăng ký rất thấp, thậm chí không có thí sinh. Điều này cho thấy, các trường cần phải cẩn trọng và tính đến cả yếu tố tâm lý lựa chọn của thí sinh, sự phù hợp với việc đào tạo, phù hợp với xu thế giáo dục chung khi chọn chủ đề, hơn là việc "sáng tạo" ra những tổ hợp không giống ai, tự hại chính mình!

Quy chế tuyển sinh cũng đã quy định rõ việc thêm các tổ hợp bài thi/môn thi mới để xét tuyển được thực hiện theo nguyên tắc “Sử dụng kết quả của 3 bài thi/môn thi, trong đó có ít nhất một trong hai bài thi Toán, Ngữ văn để xét tuyển. Các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành”

Theo Lê Sơn/Báo Tin tức

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh