Quản lý trường trung học phổ thông đáp ứng đổi mới giáo dục

07:04, 01/04/2018

Đó là vấn đề được các đại biểu tham gia Hội thảo "Công tác quản lý trường trung học phổ thông (THPT) đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình Giáo dục phổ thông khu vực ĐBSCL" chia sẻ ngày 30/3/2018 vừa qua. 

Đó là vấn đề được các đại biểu tham gia Hội thảo “Công tác quản lý trường trung học phổ thông (THPT) đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình Giáo dục phổ thông khu vực ĐBSCL” chia sẻ ngày 30/3/2018 vừa qua.

Hội thảo đã khẳng định vai trò của cán bộ quản lý trong việc đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh THPT sẽ học ít môn hơn so với chương trình hiện tại.
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh THPT sẽ học ít môn hơn so với chương trình hiện tại.

Từ thực tế quản lý

Theo TS. Huỳnh Thanh Sơn- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh: Chương trình giáo dục phổ thông GDPT mới được xây dựng theo hướng mở, có sự kết nối giữa tính hiện đại của thế giới và tính truyền thống, tính phổ quát và tính địa phương,...

Trong đó, TS. Huỳnh Thanh Sơn cho rằng: Tính địa phương rất quan trọng và TP Hồ Chí Minh đã đặt hàng để có một nội dung giáo dục đặc biệt riêng cho mình.

Đối với ĐBSCL, việc áp dụng chương trình GDPT mới còn băn khoăn về ngôn ngữ thứ 2 sẽ được chọn để dạy song song cho học sinh, vì theo chương trình mới các em học ngoại ngữ từ năm lớp 1. “Dạy ngoại ngữ 2 cho học sinh từ lớp 1 sẽ là gánh nặng khủng khiếp cho giáo viên nếu như chúng ta không có sự chuẩn bị”- ông Huỳnh Thanh Sơn nói.

Hiện khu vực ĐBSCL có 7.029 trường từ bậc học mầm non đến THPT với hơn 2,8 triệu học sinh. Trong đó, có 184.702 cán bộ quản lý, giáo viên. Vùng này đang đứng trước tình trạng “dôi dư” và thiếu cục bộ giáo viên để đáp ứng chương trình GDPT mới cùng yêu cầu xây dựng cán bộ quản lý giáo dục đúng chuẩn.

Theo Ths. Lê Thị Ngọc Nhẫn (Viện Khoa học Giáo dục Nam Việt), nhiều cán bộ quản lý các trường trung học chưa được đào tạo, bồi dưỡng trước khi được bổ nhiệm.

Nhiều cán bộ quản lý thiếu hẳn kiến thức, kỹ năng nên họ phải tự học, tự làm, tự rút kinh nghiệm và có khi phải trả giá cho những sai lầm. “Việc mất đi một giáo viên giỏi để có một cán bộ quản lý không giỏi không phải là hiện tượng cá biệt”- Ths. Ngọc Nhẫn nhấn mạnh.

TS Huỳnh Thanh Sơn cũng cho rằng: Giáo viên bị đuối nếu không được tập huấn đúng và đối với những môn ghép thì ai sẽ là người dạy? Sẽ có tình trạng “dôi dư” và thiếu giáo viên cục bộ ở một số môn.

Ths. Lê Thị Ngọc Nhẫn cho rằng: Việc đào tạo, phát triển đội ngũ quản lý trong 3 giai đoạn: trước khi bổ nhiệm trong năm đầu mới được bổ nhiệm và những năm tiếp theo làm công tác quản lý. Các cán bộ quản lý có vai trò rất quan trọng, vì thế họ cần được đầu tư phát triển về trình độ chuyên môn và nghiệp vụ quản lý thường xuyên.

Đến nâng cao năng lực cho cán bộ

Đội ngũ cán bộ quản lý có vai trò quan trọng trong đổi mới GDPT, là một trong những lực lượng trực tiếp góp phần hoạch định chủ trương, chính sách, đề án, chiến lược và các nhiệm vụ đổi
mới GDPT.

Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD- ĐT Vĩnh Long- Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng, việc phát triển đội ngũ quản lý các trường THPT phải dựa vào quy hoạch tổng thể ngành giáo dục và đào tạo.

Đồng thời phải có những đổi mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, cần các chính sách khuyến khích, đãi ngộ, xây dựng môi trường và tạo động lực làm việc…

“Chính phủ cần có bước đầu tư đột phá cho vùng ĐBSCL về mọi mặt phát triển kinh tế- xã hội, mà trước hết phải ưu tiên đầu tư cho phát triển giáo dục. ĐBSCL muốn cất cánh cùng cả nước thì các tỉnh phải đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và đào tạo, từng bước đột phá để đưa giáo dục thoát khỏi vùng trũng…”- bà Quyên Thanh
kiến nghị.

Cần xác định và phát huy các thế mạnh, đặc biệt là trong các hoạt động đổi mới cần có tư duy đổi mới, sáng tạo. Trong ảnh: Giám khảo chấm điểm hội thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh năm 2017- 2018.
Cần xác định và phát huy các thế mạnh, đặc biệt là trong các hoạt động đổi mới cần có tư duy đổi mới, sáng tạo. Trong ảnh: Giám khảo chấm điểm hội thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh năm 2017- 2018.

Theo Ths. Trần Thị Huyền (Sở GD- ĐT Hậu Giang), hiện trình độ chuyên môn của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý các cấp của khu vực đã đạt chuẩn trên 98%, tỷ lệ trên chuẩn có nơi đã trên 50%. Tuy nhiên, chất lượng giáo dục thực sự ít thay đổi mà nguyên nhân gián tiếp chính là những giải pháp quản lý.

Theo đó, thời gian tới cần đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý giáo dục, tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý; đổi mới tư duy trong quá trình xây dựng chế độ, chính sách cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý;…

Đồng thời rà soát, sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo và hoàn thiện cơ chế quản lý theo hướng tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động dạy học, nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.

Trong khi đó, phân tích sâu hơn về các hoạt động đổi mới giáo dục hiện đang triển khai ở khu vực ĐBSCL như: bàn tay nặn bột; các hội thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; mô hình giáo dục STEM,…

PGS. TS Ngô Minh Oanh- Viện Nghiên cứu Giáo dục (ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh) cho rằng đây là những vấn đề đặt ra để phát triển năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý trường trung học.

PGS. TS Ngô Minh Oanh cho rằng, cần xác định và phát huy các thế mạnh đặc trưng của vùng. Đồng thời phải có lộ trình cụ thể nhằm phát triển năng lực quản lý của hiệu trưởng, yêu cầu hiệu trưởng phải có chứng chỉ về quản lý nhà nước và quản lý giáo dục.

“Đặc biệt là thường xuyên tạo cơ hội để cán bộ quản lý nghiên cứu khoa học, tổ chức hội thảo, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm với nhau giữa các trường trong tỉnh, trong vùng.

Hoặc phối hợp với các trường ĐH, học viện biên soạn tài liệu dưới dạng cẩm nang tự học về phát triển các nhóm năng lực quản lý phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và hội nhập quốc tế…”- PGS. TS Ngô Minh Oanh đề xuất

Thời gian bắt đầu thực hiện chương trình môn học mới (chương trình GDPT tổng thể) theo hình thức cuốn chiếu sẽ được áp dụng trên toàn quốc từ năm học 2019- 2020. Theo đó, năm học 2019- 2020 triển khai lớp 1; 2020- 2021 triển khai lớp 2 và lớp 6; 2021- 2022 triển khai lớp 2, 7 và 10; 2022- 2023 triển khai lớp 4, 8 và 11; năm học 2023- 2024 triển khai lớp 5, 9 và 12.


Bài, ảnh: CAO HUYỀN- KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh